Nhiều người, dù đang ở đâu cũng đều sẵn sàng chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội để chờ những cái like, comment… Theo các chuyên gia, việc lạm dụng khiến bản thân dễ rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm.

Sự việc một nam thanh niên trèo lên tận đỉnh tháp cầu Thuận Phước, Đà Nẵng (cao 50m) quay video nhào lộn mạo hiểm để đăng lên mạng xã hội “câu view” mới đây cho thấy, “sống ảo” ngày càng có xu hướng trở thành trào lưu.

Một trường hợp khác, theo TS. Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ, Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I chia sẻ với Zing.vn, khoa điều trị cho ba bệnh nhân còn rất trẻ nghiện Facebook phải nhập viện.

Nguyễn Thị Tú (26 tuổi, ở Hà Nội, đã đổi tên) là một bệnh nhân trầm cảm nặng do nghiện Facebook trong một thời gian dài. Theo chia sẻ của người nhà, trong thời gian mang bầu, Tú bị động thai nên nghỉ việc ở nhà. Trong thời gian này, cô liên tục dùng điện thoại để giải trí.

Tuy nhiên, sau khi sinh con, bà mẹ trẻ này vẫn không rời được chiếc điện thoại, thậm chí có những thái độ kỳ lạ như bỏ bê trông con, quên cho con bú. Đặc biệt khi đưa con về nhà bố mẹ đẻ, Tú liên tục đóng kín cửa, nhốt mình trong nhà, chỉ nằm ôm điện thoại, không tiếp xúc với ai, không ở cạnh con.

Theo TS. Phương, việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại và mạng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng lo lắng, bất an gia tăng, bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống,… lâu dần sẽ sinh ra bệnh.

PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, bệnh viện Quân y 103, Hà Nội, cho biết trong vòng chưa đến 10 ngày, khoa Tâm thần, liên tiếp tiếp nhận 5 trường hợp mắc các chứng rối loạn tâm thần do nghiện điện thoại. Trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 18 tuổi, nhiều nhất là 27 tuổi.

Sức khỏe - Ngày nào cũng lướt Facebook like – comment: Vì sao dễ cô đơn, trầm cảm?
Người trẻ nghiện facebook. (Ảnh minh họa)

Theo báo Hà Nội mới, thống kê của viện Sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai), nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, tại đây chỉ có khoảng 20-30 bệnh nhân đến khám về các vấn đề tâm lý, tâm thần, trầm cảm, thì hiện nay con số này đã tăng lên từ 200 đến 250 bệnh nhân. Điều đáng nói, không ít trường hợp được gia đình đưa đến điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt có yếu tố liên quan tới việc “nghiện” mạng xã hội Facebook, thích “sống ảo”…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng viện Sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai), không chỉ ở nhóm học sinh, sinh viên mà bất kỳ ở độ tuổi, giới tính nào cũng có thể nghiện Facebook. Khi nghiện Facebook, bệnh nhân có thể mất ngủ, ăn uống kém, thiếu các kỹ năng giao tiếp xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật do “sống ảo”, kéo theo đó là hiệu suất công việc, học tập giảm, thậm chí có thể dẫn đến sử dụng ma túy, chất kích thích…

Sức khỏe - Ngày nào cũng lướt Facebook like – comment: Vì sao dễ cô đơn, trầm cảm? (Hình 2).
Dùng facebook quá nhiều khiến các cô gái trẻ bị trầm cảm.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, viện Sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ thêm, qua thăm khám lâm sàng, qua nhiều nghiên cứu dường như có mối liên quan giữa tính tự ti đối với nghiện Facebook. Nguyên nhân là những người có tính cách như vậy thường tìm đến mạng xã hội, thích chụp ảnh “tự sướng” với tần suất cao như một nơi để thể hiện bản thân trong khi không dám thể hiện ở ngoài đời thực. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng, nghiện Facebook có thể dẫn tới mất ngủ, gây ra trầm cảm.

Một nghiên cứu từ ĐH Stony Brook (Mỹ) kết luận: Dùng Facebook quá nhiều khiến các cô gái trẻ bị trầm cảm. Bà Lui yi Lin – nhà nghiên cứu chính – giải thích vấn đề này: “Những người chán nản trong cuộc sống hiện tại có xu hướng tìm đến Facebook để khỏa lấp nỗi cô đơn. Tuy nhiên, nó lại khiến chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn khác: Càng sử dụng nhiều, càng nhìn thấy niềm vui, sự hạnh phúc của người khác, bạn lại càng cảm thấy mình cô đơn hơn; thậm chí là ghen tị và trầm cảm xuất hiện. Những người đã mắc chứng trầm cảm trước đó, có thể bị nặng hơn nếu cứ nghiện mạng xã hội”.

 

Nguồn Phong Linh (tổng hợp)

https://www.nguoiduatin.vn/ngay-nao-cung-luot-facebook-like-comment-vi-sao-de-co-don-tram-cam-a413037.html

 

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc