Thỉnh thoảng tôi bị đau hai bên vùng thắt lưng, liệu đây có phải dấu hiệu của bệnh sỏi thận không? Nguyên nhân nào gây ra sỏi thận?” 
Hoàng Long – Bình Phước

Khái niệm chung

Sỏi thận là tình trạng một hoặc nhiều viên sỏi kết tụ nơi thận hoặc đường tiểu ngăn trở việc bài tiết nước tiểu. Sỏi thận có thành phần những cặn bã trong nước tiểu bao gồm một số chất khoáng, phổ biến nhất là những hỗn hợp có chứa calci, oxalat hoặc acid uric. Qua quá trình bài tiết, những viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài, còn những viên sỏi lớn sẽ tích tụ lại trong thận, ngày càng lớn hơn và gây tắc nghẽn đường tiết niệu, làm cho chức năng thận suy giảm, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm thì dễ gây ra suy thận.
Duy Quang – Hà Nội

Dấu hiệu nhận biết

Tôi cũng mắc phải căn bệnh này cách đây 5 năm. Thời gian đầu tôi thường đi tiểu buốt, một ngày tôi đi đến cả chục lần, có lần chỉ vài giọt. Tiểu xong vừa buốt vừa ê ẩm, sau đó toàn cơ thể có cảm giác ớn lạnh và sốt. Vài tháng sau là những cơn đau quặn vùng thắt lưng, cơn đau xuất hiện đột ngột, nhưng cũng biến mất đột ngột. Nghi ngờ mình bị soi thận, tôi đi khám và được chẩn đoán “sỏi thận”. Thường thì sỏi thận hình thành trong cơ thể với thời gian dài, nhưng bản thân người bệnh không hề biết, chỉ khi xảy ra những cơn đau quặn thận rất dữ dội ở vùng lưng, bụng dưới và khi bệnh được xác định thông qua hình chụp X quang hay siêu âm thì mới phát hiện bệnh.
Thế Phong – Lâm Đồng

Nguyên nhân gây bệnh

Sỏi được hình thành trong thận có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như do lắng đọng các chất khoáng; chế độ ăn uống không hợp lý; nhiễm trùng đường sinh dục. Nguyên nhân này thường gặp nhiều ở nữ giới, do đường tiết niệu ngắn hơn nam giới và khi cơ quan sinh dục không được vệ sinh sạch sẽ, vi trùng dễ có cơ hội xâm nhập gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, gây nên sỏi; có dị vật trong bàng quang (trường hợp này hiếm gặp).
Yến Vy – Tân Uyên, Bình Dương

 
Uống nhiều nước giúp bạn ngăn ngừa được bệnh sỏi thận.

Tại sao nói, nguy cơ dẫn đến sỏi thận vào mùa hè tăng mạnh hơn mùa đông? Khi đã bị sỏi thận, người bệnh nên uống như thế nào để phòng bệnh?” 
Hồng Minh – Phan Rang

Đơn giản là vì mùa hè thường nóng bức khiến cho lượng nước mất qua đường mồ hôi nhiều, cơ thể có khuynh hướng thiếu nước, nước tiểu đậm đặc hơn nên dễ có khuynh hướng tạo sỏi và những viên sỏi đang tồn tại cũng dễ phát triển. Đây là lý do giải thích tại sao những người làm việc trong môi trường nóng hoặc có một thói quen không uống đủ nước lại dễ bị sỏi thận; hoặc khi một người di chuyển từ các vùng có nhiệt độ trung bình đến sinh sống tại khu vực có khí hậu ấm áp hơn thì sự hình thành sỏi thận càng rõ hơn.
Hoàng Phúc – Bình Dương

Tùy theo dạng sỏi

Sỏi thận có 2 dạng chủ yếu là canxi và oxalate. Nếu bị sỏi thận dạng can-xi, bạn cần giảm muối trong khẩu phẩn ăn. Lượng muối thừa sẽ làm lượng can-xi trong nước tiểu nhiều hơn, bạn sẽ có nguy cơ bị hình thành thêm những viên sỏi khác trong thận; nếu bị sỏi thận dạng oxalate, một số nghiên cứu đã cho thấy rằng, giảm lượng thực phẩm chứa oxalate cao có thể tránh được việc hình thành sỏi oxalate khác. Những thực phẩm có hàm lượng oxalate cao là: đậu phộng, trà, cà phê hòa tan, đậu, dâu tây, cam, đậu phụ, khoai lang, bia tươi…
Thảo Ngọc –Thủ Đức, TP.HCM

Hãy uống nhiều nước

Không cần biết viên sỏi bạn đang “sở hữu” thuộc loại gì, biện pháp hay nhất để ngăn ngừa là hãy uống thật nhiều nước. Lượng nước nhiều trong cơ thể sẽ làm giảm nồng độ của các muối khoáng trong nước tiểu và từ đó giảm nguy cơ kết thành tinh thể (sỏi) của các muối khoáng này. 2 lít nước/ ngày là lượng tối thiểu bạn nên dùng.
Nhất Phương – Hải Phòng

Bổ sung sinh tố

Có 2 loại sinh tố rất hữu ích cho bệnh sỏi thận là sinh tố B6 và sinh tố A. Sinh tố B6 nếu uống chừng 10 mg mỗi ngày sẽ có khả năng làm giảm lượng oxilate trong nước tiểu; sinh tố A có tác dụng giữ cho hệ thống bài tiết nước tiểu được điều hòa để chống lại sự thành hình của sỏi thận. Lượng sinh tố A cần thiết cho cơ thể là 5.000 IU mỗi ngày.

 Nguồn: Tạp Chí Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc