Vấn nạn bạo lực học đường đang có khuynh hướng gia tăng và trở thành nỗi trăn trở của nhà trường và phụ huynh.
Nạn nhân của bạo lực học đường thường có những biểu hiện lầm lì, ít nói, mất tự tin. Ảnh minh họa.
Bạo lực học đường không chỉ gây ra những tổn thương về thể xác mà còn cả tinh thần cho nạn nhân.
Bạo lực học đường có liên quan đến gia đình, nhà trường và xã hội. Song, hơn ai hết, các phụ huynh cần quan tâm và có trách nhiệm với con mình. Cần tạo cho con một môi trường tích cực để ngăn ngừa, phòng tránh bạo lực.
Dấu hiệu gia tăng
Tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Bạo lực học đường được hiểu là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khoẻ, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới. Song, thời gian gần đây, hiện tượng này xảy ra liên tục hơn và bộc lộ tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội,…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa bạo lực là “việc cố ý sử dụng vũ lực hoặc quyền lực, bị đe dọa hoặc thực tế, chống lại bản thân, người khác hoặc chống lại một nhóm hoặc cộng đồng, dẫn đến hoặc có khả năng cao dẫn đến thương tích, tử vong, tổn hại tâm lý, kém phát triển hoặc mất năng lực hành vi dân sự”.
Bạo lực học đường diễn ra trong, xung quanh khuôn viên nhà trường hoặc trên các nền tảng mạng xã hội. Nạn nhân của bạo lực học đường là học sinh. Người gây ra bạo lực học đường có thể là học sinh hoặc giáo viên/ nhân viên khác của trường nhưng theo thống kê, đa số là từ bạn bè cùng lứa gây ra.
Dựa trên các cuộc điều tra quốc tế hiện có thu thập dữ liệu về bạo lực trong trường học, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) phân loại và công nhận các hình thức bạo lực học đường bao gồm: Bạo lực thể chất; Bạo lực tâm lý; Bạo lực tình dục; Bắt nạt. Trong đó, bạo lực thể chất là bất kỳ hình thức xâm phạm thân thể nào với ý định làm tổn thương nạn nhân.
Bạo lực tâm lý là hành vi lạm dụng bằng lời nói và tình cảm, bao gồm mọi hình thức cô lập (tẩy chay), từ chối, phớt lờ, lăng mạ, tung tin đồn, bịa đặt, gọi tên, chế giễu, sỉ nhục và đe dọa cũng như trừng phạt tâm lý. Bạo lực tình dục bao gồm đe dọa, quấy rối tình dục, sờ mó không mong muốn, cưỡng bức tình dục và hiếp dâm.
Trong khi đó, bắt nạt được định nghĩa là một chuỗi các hành vi có chủ đích và hung hãn, lặp đi lặp lại chứ không phải những sự cố riêng lẻ. Nó có thể có nhiều dạng khác nhau: Bắt nạt thân thể, bắt nạt tâm lý, bắt nạt tình dục. Bắt nạt trên mạng là một hình thức bắt nạt, đe dọa tâm lý hoặc tình dục diễn ra trên mạng trực tuyến.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), có nhiều hình thức bạo lực học đường xảy ra ở các nhóm học sinh khác nhau. Một số loại bạo lực học đường thường xảy ra như: Bạo lực về thể chất – hành vi dễ nhận thấy như đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, xé quần áo, đổ đồ ăn lên người, trấn lột cướp đồ giữa học sinh với nhau.
Bạo lực bằng lời nói là việc sử dụng những hành vi hoặc lời nói gây xúc phạm, gán ghép hoặc bôi nhọ, sỉ nhục, chế nhạo hoặc bắt người khác làm theo ý mình. Ngoài ra, còn có bạo lực tâm lý, bạo lực xã hội, bạo lực điện tử…
Hệ lụy…
Các chuyên gia của HCDC cho biết, bạo lực học đường gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của học sinh cũng như cả với học sinh thực hiện hành vi bạo lực.
Đối với sức khoẻ thể chất, bạo lực học đường sẽ gây ra những thương tích trên cơ thể. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, bạo lực học đường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của học sinh, gây ra tâm lý sợ hãi, lo âu, bất an, uất ức và bị ám ảnh. Đó là những trạng thái phổ biến mà hầu hết các học sinh bị bạo lực phải trải qua.
Nạn nhân của bạo lực học đường thường có những biểu hiện lầm lì, ít nói, mất tự tin, luôn ở trong trạng thái lo lắng, ngại tiếp xúc với mọi người, lo sợ khi đến trường, thậm chí phát sinh các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Đối với các học sinh gây bạo lực, các em cũng sẽ trở thành đối tượng bị thù hằn và bị ghét bởi nạn nhân và bạn cùng học. Cùng với đó là nỗi lo lắng bị trả thù từ phía nạn nhân, gia đình và bạn bè của người bị bắt nạt.
Ngoài ra, bạo lực học đường còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. Các học sinh là nạn nhân của bạo lực thường có xu hướng không thể tập trung học, lo sợ khi đến lớp, dẫn đến việc kết quả học tập sa sút.
Học sinh gây bạo lực cũng phải đối mặt với việc chịu kỷ luật của nhà trường (đình chỉ học tập tạm thời hoặc bị đuổi học), nghiêm trọng hơn là phải chịu sự truy tố của pháp luật.
Do đó, để phòng chống bạo lực học đường, HCDC cho biết, học sinh nên tích cực rèn luyện kĩ năng sống, học cách kiềm chế cảm xúc, ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà, bố mẹ, thầy cô giáo. Đồng thời, tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào tình nguyện do nhà trường tổ chức và nghiêm chỉnh chấp hành nội quy trường lớp.
Học sinh cũng cần phải nhận thức rõ các hành vi bạo lực, tránh xa và nói “không” với bạo lực. Khi nhận thấy có hành vi bạo lực xảy ra, phải kịp thời thông báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để can thiệp và xử lý kịp thời.
Trong khi đó, nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục nên thường xuyên tổ chức những hoạt động mang tính hướng thiện, định hướng nhân cách cho học sinh. Qua đó, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp.
Đồng thời, cần có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra bạo lực. Có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân của bạo lực học đường. Tăng cường các hoạt động truyền thông, phối hợp với gia đình và cơ quan, đoàn thể để phòng tránh bạo lực học đường.
Đối với giáo viên, cần chủ động quan tâm, theo dõi tình hình của các học sinh trong lớp. Phối hợp với gia đình và nhà trường hỗ trợ kịp thời những khó khăn của học sinh. Đồng thời, có biện pháp can ngăn, giáo dục kịp thời đối với những trường hợp có nguy cơ dẫn đến bạo lực đường. Tích cực tổ chức các hoạt động tập thể nhằm tăng cường tình cảm của các học sinh trong cùng lớp, trường, tạo môi trường học tập và giảng dạy lành mạnh.
Đối với gia đình học sinh, phụ huynh cần tạo ra môi trường sống lành mạnh, yêu thương con. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học.
Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, chuyên gia về trẻ em cho rằng, bạo lực học đường là vấn đề nhạy cảm nên cần cân nhắc xử lý hợp tình, hợp lý. Nên công khai, minh bạch mọi thông tin về bạo lực học đường để tìm cách giải quyết.
Cũng theo ông, khi xảy ra sự việc trẻ bị bạn đánh, bố mẹ nên bình tĩnh để tìm ra biện pháp thích hợp. Có thể xác minh xem con giao lưu với ai, tìm hiểu về đứa trẻ đã hành hung con mình, tìm hiểu lý do vì sao con mình bị đánh. Sau đó, gia đình gặp gỡ phụ huynh của học sinh đó để trao đổi.
Mặt khác, cha mẹ của học sinh hành hung cần biết cách giáo dục, khuyên nhủ ngăn ngừa sự tái phạm. Gia đình cũng nên gặp giáo viên để nhắc nhở trẻ đã đánh con mình. Đồng thời, nên đề nghị giáo viên tăng cường giáo dục cho học sinh tình yêu thương, tình đoàn kết trong lớp học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh thân thiết và tránh xung đột.
Không nên tìm cách dằn mặt gây bạo lực, cũng không nên chấp nhận im lặng vì sợ bị trả thù hoặc không nên thờ ơ bỏ qua chuyện con bị dọa nạt và cho rằng đó là chuyện nhỏ do xích mích trẻ con.
“Với cả những bạn học sinh là nạn nhân hay cả bạn gây ra bạo lực học đường thì người lớn (thầy cô giáo, cha mẹ trẻ) phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Tiếp đó, người lớn cần phải giúp trẻ hiểu được sai lầm của mình, tự giác nhận lỗi và nhận hình phạt phù hợp”, ông An khuyến cáo.
Tác Giả: Vân Huyền
Đăng ngày : 11/12/2024
Link Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ngan-ngua-bao-luc-hoc-duong-trach-nhiem-cua-cha-me-post711405.html