Những vòng quay xe đạp tạo nên tiếng “vít vít” trong những ngõ hun hút sâu của phố cổ Mombasa ở Kenya, rồi thỉnh thoảng những bước chân ai đó khẽ khàng qua phố như không muốn phá vỡ đi sự trầm mặc và tĩnh lặng vốn có của nó. Người Mombasa vẫn yêu mến phố cổ của mình như hơi thở trong cuộc sống, mà ở nơi đó có những nếp tầng văn hóa nằm xếp chồng lên nhau đi cùng với lịch sử hào hùng của một thương cảng nổi tiếng nối liền Á-Phi-Âu trong thời Trung cổ.

Một buổi trưa, đặt chân đến Mombasa từ thủ đô Nairobi, tôi đã lang thang trong lòng phố cổ để cố tìm những vết tích xưa kia, khi Mombasa từng là một thương cảng lớn trong thời Trung cổ nối liền mạch giao thương giữa Kenya với Ấn Độ và Trung Quốc. Trong thời kỳ ấy, vàng và ngà voi là những thứ mà người bản địa dùng để trao đổi lấy gia vị và lụa với những đoàn tàu đến từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Nơi xếp chồng những nền văn hóa

Vasco Da Gama – thuyền trưởng Bồ Đào Nha là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Mombasa vào năm 1498 sau khi vượt qua mũi Hảo Vọng để tìm cách nối liền con đường gia vị từ châu Âu đến Ấn Độ. Phố cổ cũng mang nhiều vết tích thăng trầm của những nền văn hóa chồng chéo lên nhau giữa Bồ Đào Nha, Oman và Anh.

Người Oman đặt chiếc bình cà phê của mình và tạo hồn mới cho phố. Và như thể họ muốn đánh dấu một vùng đất của riêng họ.

Những cánh cửa gỗ trầm buồn với những nét điêu khắc khác nhau của từng nền văn hóa trên những dãy phố riêng biệt tạo linh hồn cho phố. Thoạt đầu, người bản địa Swahili xây dựng nhà với những điêu khắc hoa lá sắc nét cùng với những ụ đồng tròn nhỏ trên cánh cửa chính. Gia chủ muốn thể hiện một châu Phi hoang dã với những cánh rừng bao la hay các đồng cỏ savan rộng lớn. Nét điêu khắc phóng khoáng còn thể hiện sự yêu thích tự do của người châu Phi. Tiếp đến, người Ấn Độ đến đây lập nghiệp lại phả hồn vào phố bằng những cánh cửa gỗ điêu khắc hoa văn Hindu giáo. Không còn những ụ tròn nhỏ bằng đồng được gắn trên cửa mà thay vào đó là những ụ đồng nhỏ có hình dáng như mái vòm của cung điện Taj Mahal. Khi người Oman đến đây càn quét phố cảng, những ụ đồng nhỏ được thay bằng những thanh đồng dài trông giống cặp sừng voi. Số thanh đồng bao giờ cũng là số chẵn, bởi nó thể hiện cặp sừng linh dương mặt trắng – một “quốc vật” của Oman.

Nối liền phố cổ là pháo đài Jesus xây dựng vào năm 1591 bởi vua Philip I. Màu vàng đặc trưng của người Bồ Đào Nha thêm đậm sắc trong ánh nắng chiều. Bên dưới pháo đài, bến đợi để được vào bên trong pháo đài sau khi trình giấy tờ xưa kia cũng đã rêu phong màu đá.

Những cánh cửa gỗ trầm buồn tạo linh hồn cho phố. Trong ảnh: cánh cửa của người Swahili.

Bên dưới pháo đài Jesus.

Người Mombasa yêu phố cổ như hơi thở của mình. Họ thường tụ tập đến đây để mua bán.

“Hồn” mới trong phố cũ

Phía bên kia cửa biển, ven theo các bãi cát trắng phau, những khách sạn cao tầng và resort mọc lên khi Mombasa – thành phố lớn thứ hai của Kenya – đang trở mình để trở thành trung tâm du lịch của Đông Phi. Mặt trời đang chìm dần xuống Ấn Độ Dương, ở tầng cuối cùng của pháo đài Jesus, ông lão Meda – gốc người Ấn Độ vẫn thư thái quăng câu theo cách truyền thống của người Kenya bằng những dây nhỏ. Hai con mèo lười cứ quấn quýt nằm im bên cạnh chân, rồi chúng liếm chân ông một cách ngoan ngoãn đòi ăn khi một chú cá nhỏ xấu số nào đó dính câu… Trong hơi gió mằn mặn của muối, tôi lắng nghe ông kể chuyện về những người Ấn Độ đến đây lập nghiệp cùng với những kỷ niệm về phố.

Ông lão Meda kể rằng, trong những đoàn tàu rong ruổi trên con đường gia vị trên biển, ông theo chân ông nội đến đây lập nghiệp. Cũng giống như người Mombasa, ông yêu phố cổ như yêu hơi thở của chính mình. Vạn vật có thể biến đổi theo thời gian, nhưng phố cổ với ông thì không. Ông vẫn thích ngắm nhìn mọi người đến đây tụ tập buôn bán mỗi ngày, dù số lượng hàng bán không nhiều, khi thì nắm rau mang “hương đồng gió nội”, khi thì vài quả chanh hay ớt trái được hái từ vườn. Ông vẫn muốn lắng nghe tiếng kêu vít vít của những vòng xe đạp hay những bước chân của ai đó nhẹ nhàng qua phố, ông kể nhiều về kỷ niệm của ông với phố mà tôi cảm nhận ra rằng, những hình ảnh ấy không thể thiếu trong cuộc đời ông.

Trong dòng lịch sử, những người Oman từng hiện diện lâu nhất trên thương cảng Mombasa. Để giữ lại linh hồn cho phố khi thời gian lướt qua, những người giàu có từ vương quốc dầu mỏ đến đây mua lại từng dãy phố và biến chúng trở thành khách sạn với kiến trúc rất đặc trưng của người Oman. Những dãy phố mang màu sắc trắng toát với những ô cửa điêu khắc hoa văn Ba Tư của người Oman tạo nên “hồn mới” cho phố. Ngay tại cổng chính để vào phố cổ, người Oman đặt chiếc bình uống cà phê truyền thống Dallah to lớn như muốn đánh dấu vùng đất riêng cho chính họ.

Tiếng hò hét của những đứa trẻ chơi bóng trên khoảng sân trống trước pháo đài Jesus trong lúc hoàng hôn khiến tôi quay về với thực tại, tôi vẫn đang nghe câu chuyện của ông Meda…

Gió biển vẫn thổi lên, cái vị mặn chan chát vẫn đến, mùi cá vẫn còn tanh khi hai con mèo tranh nhau xơi những chú cá cuối cùng… Tôi đã đen và mặn mòi hơn bởi cái gió và cái nắng châu Phi so với ngày mới đến. Thôi, mặc kệ đi, cứ hòa quyện vào hơi thở hoang dại của núi rừng, những đồng cỏ của châu Phi, những nét rêu phong của phố… Sáng mai, tôi sẽ uống cà phê trong những ngõ hẹp và trầm mặc theo những mùa qua phố.

Mặt trời đã tắt hẳn những tia nắng mong manh, cả ông Meda và tôi đều cất tiếng hát bài hát quen thuộc của người Kenya và Tanzania: “Jambo – Jambo Bwana, Kenya Jetu, hakuna matata – Xin chào đến Kenya, đừng lo lắng khi đến đây!”.

Theo báo Sài Gòn tiếp Thị

Bệnh viện Hạnh Phúc