Tìm một động lực và quyết tâm đủ lớn; bỏ con tép, bắt con tôm hùm; và đừng sợ mắc nợ, đó là ba bài học xương máu của “Nàng Yến” Mai Lê Phương Trúc, từng một quản lý nhân sự cho tập đoàn đa quốc gia với mức lương rủng rỉnh cho mọi chi tiêu nay trở thành con nợ, tiết kiệm mọi chi phí…
Mai Lê Phương Trúc, CEO Công ty Yến sào Nhà Việt thương hiệu Nàng Yến: “[…] đừng sợ mắc nợ. Ngày xưa, chỉ cần nợ người khác vài trăm nghìn đồng là tôi đã lo lắng, ngại ngùng. Nhưng khi làm riêng, không vốn, chỉ có niềm tin và chất xám, tôi và chồng phải vay ngân hàng, người thân, bạn bè để có tiền đầu tư làm ăn.”
– Là một trong những người trẻ tiên phong trong ngành nuôi yến tại Cần Giờ, con đường khởi nghiệp của chị cũng đầy gian nan?
– Tốt nghiệp đại học Kinh tế TP.HCM, làm ở Sphone chuyên về nhân sự, mức lương cũng khá cao, nhưng chưa bao giờ tôi thấy yên tâm với phận làm công. Sáu năm trong ngành, nghe nhiều, trải nghiệm nhiều, thấy nhiều trường hợp tài năng nhưng do chưa đáp ứng yêu cầu công ty phải chia tay, tôi thấy phải tạo giá trị riêng cho bản thân, nếu không một ngày mình sẽ bị loại khỏi guồng máy.
Một ngày, anh rể làm trong ngành yến, gợi ý ngành này có tương lai. Hai vợ chồng quyết định đầu tư nhà yến. Tích cóp toàn bộ tiền mừng cưới và bán nhà được 2 tỉ đồng, vay thêm ngân hàng 700 triệu đồng, khởi nghiệp với nhà yến đầu tiên ở Cần Giờ. Tôi vốn sợ nợ, trước giờ đâu có mượn ai, nhưng tin nhà yến sẽ lên theo cấp số nhân, mình sẽ có tiền. Chọn khu vực ven biển Cần Giờ, môi trường còn hoang dã, yến bay rất xa để ăn côn trùng, chỉ đậu khi trở về nhà. Mỗi đêm, hai vợ chồng thức trắng để đếm yến làm tổ. Một đêm chuột vô ăn yến, mình khóc ròng, không biết làm sao, yến mà đi hết chắc là tiêu. Rồi dịch cúm gia cầm nở rộ, yến cũng bị cho là gia cầm, thị trường hạ thê thảm.
Ngoài nghệ thuật gọi chim về, lúc đó tôi tin vào tâm linh, còn có lộc trời, “chim trời cá nước” mà. Về sau yến tăng theo cấp số nhân, ban đầu mấy chục ổ, không thu hoạch, tới thời điểm này khoảng 20kg/tháng. Từ đó xây dựng thêm các nhà yến khác cũng ở các vùng ven biển.
Vừa lấy bằng MBA về quản trị kinh doanh, tôi cất bằng đó ngồi nhặt lông yến suốt ngày để tổ yến giữ sợi đẹp, cạnh tranh với thị trường. Ban đầu nhặt lâu quá, làm xong nát tổ yến luôn, phải coi lại cách nhặt lông, tiếp xúc với nước thế nào thì ổn, cho vào khuôn để có tổ yến đẹp… Cứ thử nghiệm từ từ, nghề dạy nghề, kinh nghiệm lên từ từ. Từ khi có sản lượng cao, tôi có tiền thuê thêm nhân viên bên ngoài, học kỹ thuật để sản xuất ổn hơn.
– Khi sản lượng tăng, xuất hiện khó khăn về đầu ra, chị đã phải vượt qua những áp lực nào về kinh doanh và cuộc sống, nhất là khi có bầu, sinh con?
– Trước đây vừa đầu tư, vừa bán sỉ, giá không tốt, trong khi người tiêu dùng yến phải mua với giá khá cao, đa số là yến Malaysia. Tôi nghĩ tại sao mình không đứng ra bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Vì so sánh với yến Malaysia, Indonesia đều nuôi theo kiểu công nghiệp, yến Việt Nam chất lượng cao hơn nhiều vì thổ nhưỡng, côn trùng, thức ăn tự nhiên dồi dào, nhiều dinh dưỡng. Muốn đầu tư phân phối, lại phải mượn nợ tiếp. Hai vợ chồng bắt đầu hục hặc lẫn nhau, lúc nào cũng lo tới tháng phải trả tiền. Tôi ráng thuyết phục chồng vượt qua năm thứ hai, thứ ba, cố gắng không nản. Rồi phải tập tành bán hàng, một mặt hàng rất cao giá, làm sao bán hàng? Ban đầu là bán cho người nhà, sản lượng cũng ít, rồi mới tập làm thương hiệu cho Nàng Yến, bán đến tay người tiêu dùng
Lúc cùng cực nhất là khi mình có bầu. Vẫn giữ công việc ở một tập đoàn lớn để lấy tiền trả nợ hàng tháng, áp lực rất cao, vừa lo kinh doanh yến, nhiều khi không có nổi tiền để mua cái đầm bầu, phải tiết kiệm từng đồng. Đi thuê một căn nhà nhỏ chật chội trong khu cù lao, chỗ tắm nhỏ xíu không lọt cái bụng bầu, bếp không có toàn phải đi ăn ngoài, sáng ra còn nghe tiếng cãi vã um sùm. Tôi bị stress luôn, tủi thân, thương con, day dứt hoài mình có cần hy sinh như vậy không? Rồi hai vợ chồng tự động viên nhau phải ráng thôi, làm vì con. Lúc ấy chỉ có động lực duy nhất là làm sao khi con lớn có điều kiện học hành tốt hơn, được quan tâm nhiều hơn, có thời gian chăm con nhiều hơn. Giờ thì công ty có khoảng năm căn nhà yến ở Cần Giờ, Rạch Giá, Gò Công…
– Một người không được đào tạo về xây dựng thương hiệu, làm thế nào để chị đưa Nàng Yến bay xa?
Phải học và đọc sách. Bản chất tôi không siêng đọc sách, nhưng ra làm kinh doanh phải đọc để vượt qua những thử thách, cho mình động lực. Không thể phủ nhận trên con đường đó có anh em giúp đỡ. Ơn trời đã qua giai đoạn khó nhất. Khó thứ hai là xây dựng thương hiệu cho Nàng Yến. Tôi muốn xây dựng hình ảnh gần gũi, có trách nhiệm, tinh tế, sang trọng. Rất vui khi bây giờ ai cũng gọi mình là “Yến Trúc”. Cái khó cuối cùng là không dùng nhà phân phối, không bỏ sỉ, vì mình tin một sản phẩm sức khoẻ quá đặc thù, phải xây dựng lòng tin. Mình luôn tri ân trời phật đã thương, cho mình cái duyên làm ra sản phẩm tốt, phù hợp với bản chất của mình. Lòng tin là tài sản lớn nhất mà mình có được. Chính nhờ nó mà cho tới giờ khi xây dựng các mối quan hệ không bị khước từ…
– Bài học nào lớn nhất chị muốn chia sẻ với các bạn trẻ kinh doanh?
– Trước hết là tìm cho mình một động lực và quyết tâm đủ lớn. Mỗi người sẽ có những “lý do chiến đấu” riêng mình, điều đó có thể cao cả với người này, nhưng tầm thường với suy nghĩ người khác. Miễn là nó giúp mình bứt phá ra khỏi sự e ngại và lo lắng của bản thân mà kiên trì bước trên con đường mình đã vạch ra. Với tôi, động lực chính là tương lai của các con tôi, và mong muốn “làm chủ cuộc đời mình”. Thứ hai là chấp nhận bỏ con tép bắt con… tôm hùm! Xin đừng quá lo lắng việc phải từ bỏ công việc ổn định đang có để xây dựng một “sự nghiệp riêng” mà bạn không chắc chắn sẽ thành công. Và rồi nếu tham lam, bạn sẽ vừa làm việc cho công ty để an toàn nhận lương hàng tháng, vừa kiếm gì đó để tính kế riêng cho mình. Điều này ít rủi ro, nhưng độ tập trung cho cả hai sẽ không cao, ý chí “sinh tồn” trong công việc kinh doanh của bạn cũng chỉ có thể thường thường bậc trung. Khi chưa đủ dấn thân, bạn sẽ khó đạt được điều mình mong muốn. Tôi “va” vào cái bẫy này trong ba năm đi hai hàng như thế, và không việc gì tốt lên cả. Tôi quyết định tập trung toàn lực cho việc kinh doanh của mình. Tôi chấp nhận khó khăn về tài chính, đi chậm, thậm chí lùi lại hai, ba bước để tạo đòn bẩy tiến lên những bước xa hơn, dài hơn. Thứ ba là đừng sợ mắc nợ. Ngày xưa, chỉ cần nợ người khác vài trăm nghìn đồng là tôi đã lo lắng, ngại ngùng. Nhưng khi làm riêng, không vốn, chỉ có niềm tin và chất xám, tôi và chồng tôi phải vay ngân hàng, người thân, bạn bè để có tiền đầu tư làm ăn. Và khi ấy quyển sách Dạy con làm giàu là sách gối đầu giường của hai đứa. Chúng tôi mượn tiền để đầu tư vào tài sản sinh lợi chứ không dùng tiền để mua tiêu sản. Vì vậy, có vay, chúng tôi có trả. Nếu bạn tin vào kế hoạch, công việc của mình thì đừng ngại huy động tiền nhàn rỗi xung quanh người thân hoặc vay ngân hàng để làm đòn bẩy tài chính.
– Kinh nghiệm nào đã giúp chị vừa thành công trong kinh doanh, vừa gìn giữ được những giá trị gia đình?
– Trong kinh doanh, khi tài chính không ổn thì vợ chồng cũng bất hoà, nhất là phụ nữ đang mang thai, tôi nói nhiều câu làm tổn thương anh ấy, khiến có lần anh ấy phải bỏ nhà ra đi. Sau này chịu không nổi, tôi hiểu phải chia sẻ điều mình mong đợi, lúc mình trải lòng thì chồng cũng trải lòng. Chúng tôi cùng tiếp nhận thông tin của nhau, sửa chữa vì hạnh phúc và tương lai của con. Thấy chồng thay đổi, mình cũng phải thay đổi để cùng thoải mái hơn. Chúng tôi không bao giờ cãi nhau trước mặt con, có chuyện thì ra quán cà phê ngồi nói chuyện với nhau. Sau sáu năm xây nền, làm không dư, bây giờ doanh thu tạm ổn, mình tự tin hơn, cách tư duy, suy nghĩ không bó hẹp nữa. Cuốn Nhà giả kim tôi đọc đi đọc lại, mỗi lần thấy một giá trị mới. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu bạn muốn điều đó đến mức cao nhất thì vũ trụ sẽ giúp bạn đạt được điều đó. Bản chất mình không phải là người tham vọng, nhưng khi tư duy thay đổi thì mình hiểu mình phải làm gì và làm như thế nào.
Kim Yến thực hiện
Theo Thế Giới Tiếp Thị