Sinh con là cả một hành trình vừa thiêng liêng với đầy cảm xúc và cũng vừa vất vả, nhưng chẳng là gì so với hành trình nuôi dạy con nên người. Bởi nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ bằng thực phẩm, mà còn là tình yêu thương, sự đầu tư nghiêm túc về thời gian, sự hiểu biết, lòng kiên nhẫn, nhiều thử thách, nhất là trong việc kiểm soát cảm xúc của cha mẹ… Tính cách và sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ đa số là kết quả từ cách nuôi dạy của cha mẹ. Bạn đã bao giờ tự hỏi bạn đang nuôi dạy con theo kiểu nào? Tại sao con bạn có những biểu hiện như thế?

Dạy con kiểu độc tài

  • Do ảnh hưởng từ những thế hệ đi trước, từ văn hóa của gia đình (ông bà, cha mẹ) mà các bậc cha mẹ ngày nay vẫn còn dạy con theo kiểu độc tài.
  • Những biểu hiện của kiểu dạy con độc tài: Cha mẹ thường xuyên kiểm soát, khống chế con nghiêm ngặt. Tự mình đặt ra luật lệ cứng nhắc trong gia đình mà không có sự trao đổi cùng con, ít xem xét, quan tâm, để ý đến nhu cầu và cảm xúc của con.
  • Sản phẩm của kiểu dạy con độc tài: Những “chất liệu” tưởng là “yêu” của cha mẹ đã vô tình tạo ra những đứa trẻ không có trách nhiệm với bản thân, nhút nhát kém tự tin, ù lỳ mọi khả năng xử lý tình huống, buông xuôi phó mặc cuộc đời cho ba mẹ định đoạt. Với những bạn cá tính mạnh hơn thì sẽ chống đối ngấm ngầm bằng cách làm trái lại ý cha mẹ, chống đối ngầm hay ra mặt, có hành vi ngỗ nghịch, nói dối…

Dạy con kiểu nuông chiều

  • Đặc điểm của kiểu dạy con nuông chiều: Với những gia đình có một hoặc hai con, có điều kiện kinh tế thường nuôi dạy con theo kiểu nuông chiều. Cha mẹ cho phép con cái làm bất cứ những gì chúng muốn, không muốn thấy con cái khổ sở, chạy theo nhu cầu của con và thường cảm thấy mình thất bại, không điều khiển, không nắm được con.
  • Sản phẩm của kiểu dạy con nuông chiều: Sự yêu thương và nuông chiều con không tỉnh táo ấy của cha mẹ đã khiến con trở thành “ông vua, bà chúa” có quyền lực tối cao trong gia đình, con ích kỷ đến mức tàn nhẫn chỉ nhận mà không biết cho đi; Không có khả năng chịu đựng áp lực và sự độc lập; Có thái độ vô ơn, phản bội lại tình cảm cha mẹ; Dễ tổn thương đến mức không hòa hợp với ai, không khả năng thiết lập tính kỷ luật hay cam kết và không có khả năng hợp tác teamwork với người khác.

Dạy con kiểu bỏ mặc

  • Sự phát triển kinh tế, kéo theo sự bận rộn của cha mẹ nơi công sở, cùng với sự đổ vỡ trong đời sống gia đình ngày càng tăng, khiến cha mẹ không dành thời gian bên con.
  • Biểu hiện cụ thể là cha mẹ ít quan tâm, chú ý, chăm sóc con về mọi mặt: khi con có những hành vi, cư xử không theo ý mình sẽ đánh đập, ngược đãi, chỉ trích, chửi bới, nhục mạ con. Cha mẹ rất ít hiện diện gần gũi bên con, xa cách con từ tuổi thơ; Cha mẹ không hoặc ít bộc lộ cử chỉ yêu thương với con; Không hoặc ít kỷ luật, dạy dỗ, kiểm soát con. Những trái tim cằn cỗi thèm muốn tình thương và sự quan tâm. Những tâm hồn trở nên nổi loạn hay khép kín, cư xử rất kỳ quặc, bất thường, oán hận, trách móc, vô ơn. Những đứa con khó thiết lập mối quan hệ với cha mẹ, người thân và người khác, hay nghi ngờ và phòng vệ, gây hấn và khó gần.

Dạy con kiểu Dân chủ

  • Biểu hiện của kiểu dạy con dân chủ là: Tôn trọng và lắng nghe con, Con cái được học cách tôn trọng và có trách nhiệm, Con cái được đối xử với lòng trân trọng và được giao trách nhiệm thích hợp, Lắng nghe và xem xét Cảm xúc, ý kiến, nhu cầu, ước muốn của con cái.
  • Sản phẩm của kiểu dạy con dân chủ là: Những đứa trẻ biết cách giải quyết vấn đề, có nhân cách trưởng thành, nhẹ nhàng, rất sâu sắc và bản lĩnh, luôn có trách nhiệm với bản thân, biết quan tâm chia sẻ với mọi người, có khả năng độc lập cao, khả năng hợp tác tốt và chịu được mọi áp lực của cuộc sống.

Dạy con kiểu Cha mẹ Tỉnh thức

  • Một món quà tuyệt vời và sâu sắc nhất cha mẹ dành cho con đó là kiểu nuôi dạy con tỉnh thức. Cha mẹ tương giao với con trong tỉnh thức. Cha mẹ có mặt trọn vẹn với con, lắng nghe và thấy biết mọi sự việc diễn ra chung quanh như thật, không phán xét, định kiến. Cha mẹ là tấm gương dạy con sống tỉnh thức, biết dừng trước những yếu tố kích hoạt cảm xúc, tránh những hành vi bốc đồng. Cha mẹ tạo môi trường an toàn và bình an cho con. Cha mẹ cùng con phát triển và duy trì năng lực tự nhận thức và tự điều chỉnh. Cha mẹ sống và dạy con lòng trắc ẩn với bản thân và người khác.
  • “Quả ngọt” mà các cha mẹ “gieo trồng” theo kiểu này là con phát triển trí tuệ cảm xúc từ sớm, có thói quen sống tỉnh thức từ sớm. Con luôn cảm thấy an toàn, bớt sợ hãi, bất an, không tăng động hay gây hấn. Con học hỏi các hành vi tích cực của cha mẹ, có cơ hội và môi trường lành mạnh để phát triển lòng quý trọng bản thân, từ bi với bản thân, tự tin đối diện với mọi hoàn cảnh và có sức bật sau những thất bại, sai lầm. Gia đình và con có cơ hội thoát khỏi những vòng lặp hành vi, mối quan hệ tiêu cực hay sự mất kết nối có thể đã có trong gia đình từ nhiều thế hệ.

Làm cha mẹ là một hành trình dài lâu và nhiều thử thách. Bạn muốn nuôi dạy con theo kiểu nào? Và bạn muốn con bạn là ai? Mọi sự lựa chọn thuộc về bạn và tình yêu rộng lớn mà bạn dành cho con mình. Tôi hiểu rằng để làm cha mẹ tỉnh thức và nuôi dạy con tỉnh thức là một quá trình rất nhiều vất vả và lắm thử thách, nhưng tôi tin tình mẫu tử sẽ chiến thắng tất cả để tạo ra trái ngọt.

ThS Tâm lý Nguyễn Thị Tâm

CG đào tạo & tham vấn Tâm lý Hồn Việt

Theo Tạp chí Sức Khỏe

Bệnh viện Hạnh Phúc