Mùa hè mới bắt đầu, nhưng trước đó, nhiều phụ huynh đã chạy đôn chạy đáo tìm lớp học thêm cho con. Tại sao phải như vậy? Có nên như vậy? Học thế nào để trẻ được hạnh phúc?
Tại sao phải học thêm?
Học thêm là học những kiến thức không thuộc chính khóa, không bắt buộc nhưng lạ lùng là ngày nay, đã trở thành một luật bất thành văn mà cha mẹ và các con không cần bàn cãi, thắc mắc, băn khoăn,… Tại sao?
Trước hết, đó là do hệ thống giáo dục không có chỗ cho tự do sáng tạo, chưa có mục tiêu rõ ràng, chưa có một triết lý giáo dục ổn định, với những nội dung chương trình luôn bị xới lên bởi hàng loạt cuộc cải cách, hết cải cách sách giáo khoa tới cải cách phương pháp dạy và học. Sau mỗi công cuộc cải cách là một loạt hệ lụy theo sau, mà người oằn mình gánh chịu là Thầy cô và chính các em học sinh. Càng cải tiến thì người học càng giật lùi, vì quá tải, vì đuối, vì độ khó và đặc biệt là tính phi thực tế của kiến thức!
Trong bối ảnh đó, có một con đường giúp “giải thoát” cho Thầy Cô và các em học sinh, đó chính là việc dạy thêm học thêm, phụ đạo,… Lâu dần, con đường mòn đã thành quốc lộ và tất cả đều cút cung thực hiện một cách bất lực.
Học thêm như thế nào và để làm gì?
Trẻ nhỏ thì học thêm kiểu nhỏ, nghĩa là sau buổi học ở trường thì tự động theo Cô về nhà Cô học tiếp. Thầy Cô lúc này vừa dạy vừa trông trẻ luôn vậy. Lớn hơn, độ cấp 2 cấp 3, có thể đi xe thì tự “chạy show” các môn của mình. Đến mức, các em hoàn toàn không có một khoảng trống thời gian nào để thở, để ăn một bữa cho ra hồn, chứ nói gì đến nghỉ ngơi thư giãn.
Đó là nói về khoảng thời gian trong năm học. Còn mùa hè thì sao? Khỏi phải nói, các em được cha mẹ thiết kế trước các chương trình cho học hè, ngay khi năm học chưa kết thúc. Tất cả các khoảng thời gian được tính toán sít sao đến mức, muốn cho con tham gia một chương trình ngoại khóa hay lớp kỹ năng, giá trị sống nào cũng không còn chỗ để sắp xếp. Dù là nhiều cha mẹ thấy con mình có chút vấn đề về tâm lý cá nhân: thiếu tự tin, stress rối loạn mối quan hệ, khủng hoảng tuổi dậy thì, muốn đưa đến tham vấn với chuyên gia tâm lý cũng không tài nào tìm ra được kẽ hở thời gian.
Nghỉ ngơi có cần thiết không?
Vậy con trẻ nghỉ ngơi thế nào và nghỉ ngơi có cần thiết không?
Quá cần thiết, nhưng không được ai chú ý. Theo cơ chế vận hành của tâm trí, đầu óc cần được nghỉ ngơi thư giãn sau thời gian hoạt động căng thẳng, đó là cách sử dụng trí não khôn ngoan, giúp trí óc tái tạo, sạc lại năng lượng, sắp xếp dung lượng bộ nhớ, nhưng chúng ta hoàn toàn không quan tâm gì về điều cần làm này cả. Cứ hồn nhiên hãm hại và lạm dụng trí não của các em. Nếu chúng ta bắt trí não hoạt động ở trạng thái căng thẳng liên tục trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi, não sẽ tiết ra rất nhiều Cortisol, chất nội tiết gây stress nghiêm trọng.
Đó là lý do hoàng loạt câu chuyện tự tử của học sinh trong và sau mùa thi…
Ý nghĩa của mùa hè với học sinh?
Tâm lý học khám phá ra rằng, tâm trí con người có xu hướng thích chơi hơn thích học, muốn nó hoạt động hiệu quả, phải nương theo quy luật này, nghĩa là phải thiết kế nội dung chương trình cùng các phương pháp học sao cho các em có cảm giác HỌC MÀ NHƯ CHƠI – Nghĩa là học phải kết hợp với các hoạt động vui nhộn, thư giãn, sau khoảng thời gian công não (Brain storm) là các hoạt động (For funny) giúp não relax để trở về trạng thái ban đầu.
Ngoài ra, thế giới ngoài kia muôn hình vạn trạng của sắc màu thiên nhiên và sôi động của cuộc sống. Cho các em được đắm mình trong thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên là cơ hội để tái kết nối lại với bà mẹ vũ trụ, một nguồn năng lượng vô tận, một bức tranh bí ẩn cần được khám phá và trải nghiệm,… Sao chúng ta không tận dụng cái mênh mông vô tận của nguồn năng lượng nhiên nhiên, để cho các em cơ hội mở rộng không gian học tập, mở rộng hiểu biết của mình bằng cách tự khám phá theo nhiều kiểu khác nhau? Chắc chắn sẽ thú vị và đa dạng hơn nhiều.
Học thế nào để trẻ được hạnh phúc?Vậy nên, hỡi các bậc cha mẹ, các Thầy Cô giáo, những người có tầm ảnh hưởng quyết định đến đời sống tinh thần và sự phát triển của các em, hãy thay đổi nhận thức trước và dẫn dắt cho con em cách nhìn nhận về sự học của mình. Học để làm gì? Học như thế nào? Học cách nào cho các con hạnh phúc, là những đề tài cần đưa ra bàn thảo với nhau, giúp các em xóa đi cái cảm giác coi sự học như một gánh nặng quá tải, hoặc như một món nợ cần trả cho đời.
Nghiên cứu của Tâm lý học ngày nay cho biết, tư duy sáng tạo được nảy sinh trong niềm vui, những hoạt động vui nhộn giúp kích thích khả năng tư duy sáng tạo. Và chỉ có sáng tạo mới là phẩm chất quý giá quan trọng cần thiết cho tương lai con em chúng ta trong thời đại 4.0. Học gạo, học vẹt, học miệt mài mà không cho não bộ có thời gian nghỉ ngơi thư giãn sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì nhiều cho các con, mà còn hãm hại đầu óc các con trong lâu dài.
Đó là thông điệp tôi muốn gởi đến Cha Mẹ Thầy Cô trong mùa hè này.
Mong lắm thay!
ThS Tâm lý Nguyễn Thị Tâm
– Chuyên gia tâm lý Công ty Hồn Việt
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn