Nhà văn Nga Pautovsky nói rằng: Trong mỗi câu chuyện cổ tích cho trẻ con của Andersen (nhà văn Đan Mạch, 1805 – 1875), còn có một câu chuyện cổ tích khác mà người lớn mới có thể hiểu được hết ý nghĩa của nó.
Ở Việt Nam, truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” cũng thành công về văn học như vậy, nó không chỉ là câu chuyện viết cho trẻ con, mà hàm chứa nhiều triết lý về cuộc đời con người, nó khiến cho nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014) dù sau Dế Mèn, còn viết rất nhiều tác phẩm khác, nhưng có vẻ người đọc vẫn thích cái đỉnh cao trẻ con đó hơn.
“Dế Mèn phiêu lưu ký”, được Tô Hoài viết vào những năm 1940, ban đầu chỉ có ba chương, mang tên “Con Dế mèn”, được nhà sách Tân Dân xuất bản năm 1941. Đến năm 1955, Tô Hoài viết tiếp bẩy chương và gộp vào xuất bản thành truyện hoàn chỉnh. “Dế Mèn phiêu lưu ký” đi vào văn học Việt Nam và tâm hồn trẻ thơ, khi đời sống thiên nhiên Việt Nam còn hết sức phong phú, ruộng đồng, làng mạc, cỏ cây, chim thú, côn trùng và bao trùm lên là đời sống huyền thoại cổ xưa vẫn còn tồn tại đến những năm 1980 của thế kỷ trước. Con người – sinh vật sinh trưởng, sống với chủng loài của mình, hòa hợp hay tranh đấu với chủng loài khác, rồi cuối cùng cũng đến một thế giới hòa bình là tinh thần của tác phẩm.
Văn học và hội họa có nhiều lần gặp gỡ nhau, nhất là trong văn học cho thiếu nhi, cần rất nhiều họa sỹ minh họa. “Dế Mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm văn học được minh họa hệ thống và tương đối đầy đủ theo câu chuyện, được dựng thành phim hoạt hình, và được dịch ra tiếng nước ngoài.
Ít nhất cho đến nay người ta thấy được các họa sỹ Trương Qua (sinh năm 1927), Ngô Mạnh Lân (sinh năm 1934), Thành Chương (sinh năm 1949), Vũ Xuân Hoàn (sinh năm 1978), Đậu Thị Ngọc Vinh (sinh năm 1992) và Tạ Huy Long (sinh năm 1974) tham gia minh họa có chiều sâu. Riêng Tạ Huy Long dành những sang tác kỳ công, đến mức vượt ra khỏi sự minh họa thông thường, mỗi bức minh họa của anh đều có thể trở thành một bức tranh độc lập. Cuộc triển lãm cá nhân của anh năm 2009, với toàn những tranh thuốc nước không xa lạ với các minh họa sách thiếu nhi và những câu chuyện cổ tích, cho thấy khả năng dịch chuyển từ minh họa sang hội họa và ngược lại, dường như không có ranh giới.
Các họa sỹ Trương Qua và Ngô Mạnh Lân không xa lạ với khán thính giả thiếu nhi, khi các ông minh họa và vẽ phim hoạt hình. Cả hai lĩnh vực này trong thời gian những năm 1970/1980 ở Việt Nam đều giới hạn ở cách vẽ hai chiều, có ảnh hưởng từ đồ họa truyền thống, mà ngày nay thường gọi là 2D.
Trong sách truyện, hình thường vẽ có đường viền rõ nét khắc họa các con vật, nhân vật và bối cảnh, mầu tô mang tính nguyên sắc. Trong phim hoạt hình, việc phối hợp giữa hành động và khẩu hình rất hạn chế, và diễn hình theo thời gian cũng thường chậm chạp, do khâu vẽ hành động cũng có giới hạn nhất định. Trong các họa sỹ lớn tuổi, thì Thành Chương là người tham gia minh họa báo có thâm niên, lối vẽ của ông gần với cách tìm hiểu hội họa hơn là chỉ cho mục đích minh họa.
Phần minh họa Dế mèn của Thành Chương hoàn toàn là một thứ thể nghiệm nét, ông ảnh hưởng chút ít lối vẽ nét của các họa sỹ Lập thể phương Tây, kết hợp với lối vẽ dân gian, rất điệu nghệ và phát triển nhiều chiều khi diễn đạt một hình thể. Họa sỹ Vũ Xuân Hoàn cũng cùng lứa với Tạ Huy Long, còn Đậu Thị Ngọc Vinh là người gần đây nhất, sinh năm 1992. Ba họa sỹ này minh họa trong thời kỳ internet đã phát triển, kỹ thuật 3D đã phổ biến, có điều kiện hơn trong tác nghiệp và tìm mối liên hệ giữa các ngành thị giác trong kỹ thuật đồ họa và design đương đại.
Những mẫu hình động thực vật được đưa lên mạng cũng chưa bao giờ phong phú như thời gian này, khác hẳn với thế hệ ba họa sỹ trên, hoàn toàn tự mình ra thiên nhiên chép và nghiên cứu động thực vật cho minh họa. Nhưng có thể nói, từ những năm 2000 đến nay, Việt Nam mới thực sự có họa sỹ minh họa sách chuyên nghiệp, còn trước đó, đều là việc tay trái, làm thêm của họa sỹ, nhưng ngược lại cũng có nhiều người nổi tiếng tham gia vào việc minh họa, như Bùi Xuân Phái chẳng hạn.
Thời kỳ của Ngô Mạnh Lân và Trương Qua, ngay cả tranh minh họa cho thiếu nhi cũng được xác định mục tiêu giáo dục rõ ràng, mục tiêu này thậm chí còn được đặt trên thẩm mỹ và phong cách cá nhân. Đến sau này, khi Tạ Huy Long và Đậu Đũa minh họa, thì xuất bản không còn đặt nặng mục tiêu đó nữa, hoặc giả cho phép tác giả truyền đạt ý tưởng cuốn sách một cách tinh tế hơn, cũng như coi minh họa mang tính độc lập tương đối. Lối vẽ hoàn toàn theo cá nhân từng họa sỹ. Có thể thấy sự diễn đạt say mê nhiều chiều từ các minh họa của hai họa sỹ này, thậm chí không cần coi đó là minh họa mà là sáng tác hình ảnh song hành với văn học, có nguyên cớ từ văn học.
Cuộc triển lãm “Dế Mèn phiêu lưu ký – Chạm tới những thế giới”, theo để xuất của Tạ Huy Long lần này, do VCCA tổ chức là một cách thức nghệ thuật mới, mang tính sắp đặt chứ không phải là một cuộc trưng bầy các minh họa cho truyện của Tô Hoài.
Những người từng vẽ minh họa cho thiếu nhi đều ít nhiều có đầu óc tưởng tưởng và sống với thế giới huyền thoại, có con mắt vi giới, có tuổi thơ kéo dài trong tâm hồn. Vẻ đẹp của hoa cỏ và côn trùng từng trở thành thể loại hội họa Hoa điểu, Thảo trùng trong tranh cổ phương Đông, là cách chiêm nghiệm tự nhiên, trời đất thu nhỏ. Tạ Huy Long muốn khuếch đại cái vi giới đó lên, như cách ta đặt côn trùng vào kính hiển vi, nhưng đây là cái kính nhân văn, soi xét nhân tính và quan hệ con người với tự nhiên qua cây cỏ côn trùng.
Khi hội họa hay minh họa được dùng làm nguyên liệu cho Sắp đặt, nó cần được đánh giá ở mức độ tổng thể, dù rằng mỗi bức họa độc lập có giá trị riêng nhất định, nói lên ý tưởng và kỹ năng của người vẽ nó, và ý tưởng chung cho một cuộc trình bầy đương đại.
Theo Vietnamnet.vn