Mỡ – dưới góc nhìn của nhiều người, luôn là “thảm họa”. Tuy nhiên, dưới góc nhìn y học, Mỡ có thể là kẻ thù của sức khỏe nhưng đồng thời, Mỡ cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Tại sao? 

Nhằm duy trì việc sản xuất đủ lượng chất béo cần thiết, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các thành phần, theo Viện dinh dưỡng quốc gia Bộ Y tế khuyến nghị, bữa ăn cân bằng cho người trưởng thành bao gồm 50% là tinh bột, 25% là chất béo, 20% là chất đạm, còn lại là các thành phần vitamin và khoáng chất.

Đơn vị cơ bản của chất béo là acid béo, có 2 loại là acid béo chưa no và acid béo no.

  • Acid béo chưa no, còn gọi là acid béo không bão hòa, thường là do thức ăn cung cấp, có nhiều trong dầu thực vật, rau, hạt và cá… Vai trò của các acid béo chưa no rất quan trọng và đa dạng, đặc biệt là đối với các tổ chức não, tim, gan, các tuyến sinh dục.
  • Acid béo no, còn gọi là acid béo bão hòa, chủ yếu có trong thành phần các mỡ động vật, có giá trị sinh học thấp hơn so với các acid béo chưa no.

Quá trình tiêu hóa – hấp thu chất béo trong cơ thể người được diễn ra từ miệng đến dạ dày và ruột non. Chất béo từ nguồn thức ăn được men tiêu hóa phân giải thành glycerol, acid béo, monoglyceride, cholesterol và phosphorlipid… trong điều kiện sinh lý, tái tổng hợp cholesterol trong toàn bộ cơ thể người vượt quá sự hấp thu cholesterol từ thực phẩm, do vậy tất cả tế bào của cơ thể người ngoại trừ hồng cầu đều có thể tái tổng hợp cholesterol và được sử dụng riêng cho nội bào, gọi là cholesterol nội sinh. Sau khi được hấp thu, mỡ trong máu tồn tại dưới hai dạng chính là Cholesterol và Triglycerid.

Cholesterol không thể hoà tan trong máu và trong quá trình hoạt động sinh học, nó phải được vận chuyển bằng một chất là lipoprotein. Tùy thuộc vào lipoprotein giúp di chuyển, cholesterol sẽ mang tên là LDL cholesterol (Low-density lipoprotein) hay còn gọi là một loại cholesterol “xấu”, và HDL cholesterol (High-density lipoprotein) còn gọi là cholesterol “tốt”. Cả hai loại cholesterol này cùng với triglycerides tạo nên các thành phần thông thường của mỡ máu, với các chỉ số bình thường như Cholesterol toàn phần trong giới hạn cho phép là 200 đến 239 mg/dl hay 5,1 – 6,2 mmol/L, HDL-c (mỡ tốt) phải trên 60 mg/dL (hay trên 1,5 mmol/L), LDL-c (mỡ xấu) phải thấp hơn 100 mg/dL hay thấp hơn 2,6 mmol/L, và Triglyceride phải thấp hơn 150 mg/dL hay thấp hơn 1,7 mmol/L. Tất cả được xác định bằng cách xét nghiệm máu.

Mỡ máu tham gia vào quá trình sinh học, tạo ra năng lượng cung cấp cho hoạt động hằng ngày của cơ thể, một phần sẽ tích lũy dưới dạng mô mỡ và đây là chất béo dự trữ.

Các hạt mỡ li ti dư thừa trong quá trình hoạt động sẽ tích lũy dưới da, bám vào cơ bắp và cơ quan nội tạng tạo thành mô mỡ, tổng lượng mô mỡ này chiếm 20% trọng lượng cơ thể người, phân bố đều khắp, nhiều nhất ở cổ, lưng, bụng, mông, đùi, xung quanh các cơ quan nội tạng, trong tủy xương, mô vú và trong các tế bào nội mô mạch máu. Nếu lượng chất béo dự trữ vượt qua giới hạn cho phép, sẽ trở thành mỡ thừa gây nên tình trạng thừa cân béo phì.

Mỡ có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe

  • Khi mỡ là một thành phần trong cấu trúc cơ thể. Với hơn 20% trọng lượng cơ thể, mỡ phân bổ ở nhiều bộ phận như dưới da, xen kẽ giữa các tạng, xây dựng cấu trúc màng tế bào, màng nội mô mạch máu và ti thể trong tế bào, trong đó quan trọng như tế bào não và màng chất béo bao bọc quanh các dây thần kinh, màng chất béo quyết định độ nhanh của các tín hiệu lan truyền trong não. Mỡ góp phần không nhỏ trong phát triễn cả tinh thần lẫn thể chất cho trẻ sơ sinh đến trưởng thành.
  • Cung cấp năng lượng hoạt động

Cơ thể sống cần có năng lượng phục vụ cho mọi hoạt động. Năng lượng ấy được tạo ra từ nguyên liệu là thức ăn và không khí. Năng lượng dự trữ sẽ được sử dụng khi cần thiết cho hoạt động sinh học, ức chế quá trình viêm bệnh lý, bảo vệ cơ thể trước những thay đổi về nhiệt độ…

  • Mô mỡ là tuyến nội tiết quan trọng

Mô mỡ là một tuyến nội tiết thật sự với những chức năng phức tạp có đáp ứng tự động với kích thích cả trong lẫn ngoài, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và hoạt động của cơ thể. Mô mỡ sinh tổng hợp và chế tiết các hormon adiponectin, leptin… và có nhiều liên quan đến adrenalin, cortisol, insulin, hormon tăng trưởng, là tiền đề duy trì hoạt động của hệ miễn dịch cơ thể người. Ở người thừa cân, béo phì, việc sản xuất adiponectin bị giảm hoặc mất hẳn, dẫn đến bệnh đái tháo đường. Ở người phụ nữ có lượng mỡ quá thấp có thể rối loạn kinh nguyệt hoặc không hành kinh. Ở người đàn ông mô mỡ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tính dục nam.

  • Vận chuyển, hòa tan và giúp hấp thu được các vitamin A, D, E, K

Đây là những vitamin chỉ tan trong dầu mỡ. Các vitamin này có vai trò quan trọng đối với các chức năng thị giác, khả năng đáp ứng miễn dịch, tạo máu, giúp tăng trưởng tốt và chống lão hóa… Nói khác đi, nếu lượng chất béo trong khẩu phần ăn thấp sẽ dẫn đến giảm hấp thu các vitamin nói trên, có khả năng đưa đến rối loạn thị giác, quáng gà, các bệnh về mắt khác, hoặc loãng xương sớm, thiếu máu, máu không đông, hoặc cơ địa dễ nhiễm trùng, dễ cảm nhiễm với mọi nguyên nhân gây bệnh từ môi trường, lão hóa nhanh…

  • Duy trì sức kháng bệnh

Mỡ là một trong những nguyên liệu để tuyến thượng thận sản xuất ra cortisol giúp chống viêm, duy trì sức đề kháng của cơ thể, mô mỡ còn sản xuất ra các cytokine, adipokine, có liên quan đến nhiều quá trình sinh lý và bệnh lý.

  • Là người làm sạch môi trường

Đó là HDL.c là loại mỡ tốt trong máu. HDL cao trong máu giúp “dọn dẹp” và ức chế việc hình thành mảng xơ vữa do mỡ xấu (LDL) tạo nên. Ngoài ra khi được kích hoạt, mỡ “tốt” đốt cháy mỡ xấu, sinh ra năng lượng cho cơ thể, cho dù chất béo tốt ít hơn chất béo xấu, nó có thể đốt cháy 300-500 calo một ngày, đủ để giảm đến nửa kg cân nặng trong một tuần.

Mỡ gây bệnh – là kẻ thù của sức khỏe

Khi có rối loạn mỡ trong máu, đó là khi LDL.c và Triglycerid tăng cao hoặc HDL.c giảm quá thấp, hoặc tích tụ mỡ thừa gây thừa cân béo phì, không chỉ khiến ngoại hình xấu mà còn gây ra nhiều bệnh:

  • Thừa cân – béo phì

Là tình trạng tích trữ quá nhiều chất béo, lượng mỡ dư thừa phân bố bất thường trong cơ thể. Có nhiều yếu tố tác động gây nên thừa cân béo phì, nhưng trong đó 2 yếu tố quan trọng là chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lười vận động. Thừa cân – béo phì đang gia tăng và trở thành một vấn đề sức khỏe ở nước ta, mà hệ quả của nó dẫn tới các bệnh mãn tính không lây như tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường…

  • Bệnh đái tháo đường

Mỡ máu tăng cao có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2 và ngược lại. Mối liên hệ này đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh, đặc biệt là trong trường hợp người bệnh có huyết áp cao, tăng mỡ bụng, cholesterol tốt thấp và triglyceride cao, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường. Tình trạng thừa cân – béo bụng trên người bệnh đái tháo đường type 2 có mức đường huyết không ổn định theo thời gian sẽ sinh nhiều biến chứng. Các biến chứng của tình trạng tăng đường huyết có thể làm tổn hại các mạch máu nhỏ đưa đến bệnh về mắt, thận, não, thần kinh… và các mạch máu lớn gây bệnh tim mạch, gây nên tình trạng dễ nhiễm trùng…

  • Bệnh đường tiêu hóa

Béo phì làm cho lượng mỡ dư bám vào các quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ sinh bệnh ung thư đại tràng. Lượng mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh xơ gan… Rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật. Ngoài ra, lượng Triglyceride tăng cao gây viêm tuyến tụy là một trong những biến chứng nguy hiểm, người viêm tuyến tụy có thể có những biểu hiện như: đau bụng đi ngoài dữ dội, sốt, nôn, thở nhanh, nhịp tim nhanh, thậm chí tử vong.

  • Bệnh tim mạch

Người béo phì thường đi kèm với rối loạn mỡ trong máu, là LDL.c và Triglycerid tăng. Loại mỡ xấu này, khi dư thừa trong máu nó sẽ tạo nên nững mãng xơ vữa bám vào nội mạc mạch máu, gây hẹp dòng máu luân lưu đến nuôi dưỡng các bộ phận cơ thể. Hẹp mạch vành tim đưa đến thiếu máu cơ tim, hoặc xấu hơn là nhồi máu cơ tim. Hẹp mạch máu lên não gây thiếu máu não, hoặc nhồi máu não hoặc xuất huyết não… gây đột quỵ có thể liệt 1/2 người hoặc tử vong. Hẹp mạch máu thận gây suy thận, tăng HA… và vòng lẫn quẫn bệnh lý ảnh hưởng ngược lại Tim Mạch. Hiện nay, bệnh tim mạch đang đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong, rất nhiều trường hợp là biến chứng của bệnh béo phì.

  • Bệnh xương khớp

Người thừa cân béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống thắt lưng tổn thương sớm nhất.

  • Bệnh đường hô hấp

Hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người béo phì thường hạn chế do “mỡ bám”, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng rối loạn nhịp thở càng nhiều.

  • Rối loạn nội tiết

Phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao. Thai phụ béo phì có nguy cơ đẻ khó, dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh.

Kết luận

Chất béo tạo nên hương vị cho thức ăn, và ĂN để cung cấp chất dinh dưỡng duy trì sức khỏe, đồng thời là một một niềm vui trong hưởng thụ cuộc sống. Tuy nhiên chất béo sẽ là người bạn tốt góp phần tạo nên và duy trì sức khỏe luôn tối ưu nếu lượng mỡ hợp lý với nhu cầu cơ thể. Còn ngược lại, nó sẽ là kẻ thù nếu được tổng hợp vượt quá giới hạn cho phép, dự trữ lượng mỡ thừa quá lớn, gây ra nhiều bệnh tật hủy hoại sức khỏe của mỗi chúng ta. Vậy thì hãy làm một người sống tích cực và có trách nhiệm với chính sức khỏe của mình, đó là:

  • Chọn thức ăn đúng và đủ, dinh dưỡng cân bằng tốt cho sức khỏe.
  • Luyện tập vừa sức – thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút, nhớ chủ động thở phình thóp bụng tăng dưỡng khí cho các hoạt động chuyển hóa, thãi các khí độc ra ngoài.
  • Ngủ đủ giấc 6 đến 8 giờ mỗi ngày, đảm bảo khi thức dậy tinh thần sảng khoái, cảm thấy khỏe mạnh.
  • Duy trì tinh thần lạc quan.
  • Theo dõi các chỉ số sức khỏe của bản thân, duy trì được nhịp thở trung bình 12 – 14 lần một phút, nhịp tim 60 đến 100 lần một phút, trọng lượng cơ thể phù hợp với chiều cao, vòng bụng của nam nên nhỏ hơn 100cm, vòng eo phụ nữ nên dưới 80cm. Mỗi năm nên kiểm tra các chỉ số máu một lần, nếu có rối loạn mỡ trong máu nên được tư vấn bởi thầy thuốc để chọn lựa giải pháp điều trị thích hợp.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay

Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc