Nếu những ghế da, máy lạnh, nút bấm chỉnh điện, dàn âm thanh… có thể coi là “phần cứng” của một không gian di động – chiếc xe hơi thì âm nhạc theo sở thích, giọng nói, tiếng cười của người thân là “phần mềm”, tạo nên cái hồn của không gian di động đó. Chiếc xe hơi không chỉ là phương tiện di chuyển. Mỗi chuyến đi là một khoảng thời gian gia đình sống với nhau trong không gian di động – một không gian đặc biệt mà không căn phòng nào trong ngôi nhà có thể thay thế được. 

Cầu Cổng Vàng, thắng cảnh được nhiều khách du lịch ghé thăm ở San Francisco. 

1.
Chiều tối một ngày tháng 6.2014, cậu sinh viên 22 tuổi đang du học ở Mỹ lái chiếc Honda Accord đời 2003 ra sân bay đón cha mẹ và em trai 14 tuổi sang thăm mình. Sau những ôm hôn chào đón, cả nhà yên vị trên xe. Cậu sinh viên vừa lấy cái iPhone cắm vào hệ thống âm thanh trên xe vừa khoe: “Xe cũ rồi, kết nối với iPhone là con tự chế. Mời cả nhà nghe thử”.

Chiếc xe từ từ ra khỏi hầm đậu ở sân bay, lượn những vòng cua rộng và hòa vào đường phố đông đúc. Người mẹ ngồi phía sau nói: “Lái xe ở đây thì mẹ chịu, không biết chạy đường  nào”. Cậu sinh viên  nói: “Con lái quen rồi nên lại thấy bình thường. Chính ra lái ở Việt Nam mới khó”.

Tiếng nhạc bắt đầu vang lên. Nghe qua khúc dạo đầu, người cha buột miệng: “Bài Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý”. Cậu sinh viên nói thêm: “con thích bản Anh Thơ hát”. Trong giây lát, không gian trong xe tràn ngập âm thanh, “mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng…”!

Người cha lặng đi vì xúc động. Bài hát như một điệu ru mang đến cảm giác thân quen. Một không gian gia đình đầm ấm giữa nơi đất khách quê người. Âm nhạc kỳ lạ lắm. Hôm nay anh lái xe ở cung đường này với người thân, nghe bài hát này. Cái khung cảnh, cái không khí đó cùng giai điệu của bài hát có thể “ăn” vào trí nhớ, lắng đọng lại. Lâu lâu, có dịp nghe lại bài hát đó, cảm xúc cũ được đánh thức lại, giai điệu quen thuộc tạo sự liên tưởng lập tức kéo người ta quay về thời điểm cũ, tưởng như đang phiêu du cùng xe, cùng nhạc.
Người cha đang nhớ đến những ngày ôm vôlăng cùng vợ con rong ruổi ở Việt Nam. Khi đó cậu sinh viên mới hết cấp hai, chuẩn bị vào cấp ba. Có lần cả nhà đi Vũng Tàu, gần trưa thì đến Bà Rịa, ngẫu nhiên, trên xe vang lên câu hát “ngủ ngoan A-kay ơi/ ngủ ngoan Á-kay ời…”. Cậu bé chợt reo lên “bài thơ này con có học trong sách giáo khoa”. Cả nhà cùng nghe, cùng hát theo, cùng đố nhau còn đoạn thơ nào không có trong bài hát. Bài hát như một điệu ru. Cả nhà rì rầm trò chuyện về chủ đề những bài hát như điệu ru. Mẹ yêu con được nhắc đến và tìm trong các CD có sẵn trên xe để mở.  Bài hát vang lên, “Ôm con ra mái hiên, nhìn đàn chim rộn ràng hót giữa (ơ) mùa xuân…”. Chẳng mấy chốc là đến Bãi Sau.

Buổi trưa đó đã lắng đọng trong ký ức của người cha. Sau này, cứ có dịp nghe đến Lời ru trên nương, Mẹ yêu con trên xe là người cha nhớ đến con đường dẫn vào Vũng Tàu, trời nắng trong, tầm nhìn rộng, đường tốt, hoa giấy rực rỡ trên con lươn giữa đường. Bên ngoài xe là nắng là gió, trong xe mát rượi, tiếng ca thánh thót, “…mai  sau con lớn/ vung chày lún sân…”; “…Giờ con biết đi rồi, đi trên con đường mới. Mẹ ngắm con cười…”.

Đường vào West Grand Canyon. Ảnh trên phải  Buổi trưa qua sa mạc, mênh mang nắng gió.

2.
Rồi file kỹ thuật số ngày càng phổ biến, thị trường âm thanh cho xe hơi xuất hiện nhiều cái mới, gọn nhẹ, tiện dụng mà cũng tốt hơn nhiều. Từ hàng chục CD, DVD để sẵn trong xe, giờ có thể thay thế bằng kết nối các loại thiết bị nghe nhìn hoặc lưu trữ tiện lợi hơn nhiều. Danh mục bài hát cho mỗi chuyến đi ngày càng nhiều, cơ hội nghe các giọng ca mới lạ cũng tăng lên.

Nhớ một lần lên Đà Lạt, cả nhà tình cờ làm quen và được nghe giọng ca Sinh Nguyễn – chủ phòng trà Guitar Mộc hát. Khi đó, Guitar Mộc còn đóng đô ở gần hồ Con Rùa, TP.HCM nhưng người chủ của nó có một đêm lãng du đến Đà Lạt. Sau buổi gặp gỡ, những bài hát mà Sinh Nguyễn đã thu thanh, phổ biến, “cất” ở một forum được cho phép tải xuống ghi vào một CD. Những bài hát đó không nhiều lắm, đều là những bài phổ biến của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn…  Thân thiện như bạn bè hát cho nhau nghe trong các buổi gặp mặt, tiếng hát Sinh Nguyễn tự đệm guitar đã theo cả gia đình không chỉ ở Đà Lạt mà còn trên nhiều nẻo đường khác.

Khi du lịch sang Mỹ, những bài hát cũng được mang theo. Không chỉ nghe cá nhân ở sân bay, trong các chuyến bay, khi gia đình có cơ duyên rong ruổi trên những cung đường nước Mỹ bằng một chiếc xe du lịch, không gian di động lại tràn ngập những bản nhạc, bài hát quen thuộc.

Hơn 2.800 km từ San Fransisco xuống Los Angeles, San Diego, sang Las Vegas, Grand Canyon… chiếc Ford Expedition hầm hố còn mới tinh có dàn âm thanh nghe rất ổn. Cậu bé 14 tuổi được “phân công” chọn nhạc. Anh tài xế kiêm tour guide người Mỹ gốc Việt rất thân thiện, thuộc nhiều bài hát. Chẳng biết có phải do chiều khách hay do cùng sở thích, anh tỏ ra hào hứng với các bản nhạc mà gia đình chọn nghe. Lúc cao hứng, vừa ôm vô lăng anh vừa hát vang theo mọi người.

Này là bản “hit” Em của ngày hôm qua khiến cả xe sôi động, này là các giọng hát Khánh Ly, Tuấn Ngọc rồi đến Mỹ Linh, Bằng Kiều và trẻ hơn nữa là Tùng Dương, Lệ Quyên…. Này là Giấc mơ trưaqua tiếng hát Thuỳ Chi. Anh tài xế chưa biết bài này nhưng vẫn yêu cầu nghe lại. “… Một ngày trong veo/ một mùa nghiêng nghiêng…”, bài hát vang lên trong chiếc xe đang chạy như bay giữa trưa nắng mênh mang trên sa mạc nước Mỹ.

Nghe đến Sinh Nguyễn thì anh tài xế phải hỏi về giọng ca. Guitar Mộc giờ đã dời lên Bảo Lộc, anh tour guide thường xuyên về Việt Nam, muốn làm quen và nghe Sinh Nguyễn hát thật ngoài đời có lẽ phải có một đêm dừng chân nơi phố núi. Nghe Áo anh sứt chỉ đường tà, Nghìn trùng xa cách với tiếng guitar thùng bập bùng réo rắt trong xe giữa con đường nắng gió, mênh mông tầm nhìn trên sa mạc ở Nevada, ở Arizona, chẳng hiểu sao lại nhớ đến một buổi chiều muộn, trời mưa, ôm vô lăng trên con đường từ Suối Vàng về Đà Lạt. Đường rừng vắng trong buổi chiều mưa, quanh co giữa những đồi thông, thỉnh thoảng mới thấy một bóng người đi xe máy lướt thướt trong mưa, trong xe guitar bập bùng đệm theo tiếng hát “mời người lên xe, về miền quá khứ…”.

Chuyến đi đã khép lại. Phía trước là những chuyến đi mới. Lại có một ngày ta lên xe, ôm vô lăng bắt đầu rong ruổi. Những bài hát sẽ lại vang lên. Bài hát nào sẽ lại dẫn dắt ta quay về quá khứ? Liệu khi nghe lại Giấc mơ trưa, Nghìn trùng xa cách, Mẹ tôi… có khi nào ta nhớ tới một buổi trưa trên con đường mênh mang nắng giữa sa mạc nước Mỹ?

Ở đó, có những cung đường kỷ niệm mà cả nhà đã trải qua. Chiếc xe lao vun vút trên đường. Bên ngoài xe là phong cảnh, là thiên nhiên, là con người, là cả thế giới. Bên trong xe là không gian đầm ấm, thân thuộc, riêng của gia đình. Bài hát Mẹ tôi của Trần Tiến vang vang, …“mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”!

Sắp đến Little Sài Gòn rồi! 

Chiều về trên đoạn đường đèo.

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống
Bệnh viện Hạnh Phúc