Khau Phạ, có nghĩa là cổng trời, đây là một trong tứ đại đèo của Tây Bắc. Dưới chân đèo Khau Phạ mê mải cánh đồng nếp thơm Tú Lệ nổi tiếng, đẹp như tranh mỗi mùa lúa chín. Đi trong động Tiên Nữ (nằm trên lưng núi) như lạc vào mê cung giữa ngàn vạn hình thù đẹp lung linh vô cùng sống động…

Đèo Khau Phạ dài gần 40km, đây là một trong 4 đèo hiểm trở nhất Tây Bắc, đồng thời cũng là con đèo đẹp nhất mỗi khi mùa lúa chín. Từ trên lưng đèo nhìn xuống là thảm lúa vàng vân vi lượn quanh các sườn núi, như mây vờn sóng cuộn chẳng khác chi những bậc thang vàng bắc lên tận trời xanh. Gần chục năm nay, cứ vào mùa lúa chín, Câu lạc bộ Dù lượn lại tổ chức nhảy dù tại đây, với tên gọi “Bay trên mùa vàng”.

Động Tiên Nữ nằm dưới chân đèo Khau Phạ, xã Tú lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, được người dân phát hiện mấy chục năm nay. Cửa động nhìn ra cánh đồng Tú Lệ có dòng Nặm Lung chảy qua, cạnh đó là mó nước nóng, người dân gọi là Nặm Họn, tiếng Thái nghĩa là suối nước nóng.

14-56-00_1
Miếu thờ Tiên Nữ

Ông Hoàng Văn Soàn, phó chủ tịch xã Tú Lệ cho hay: “Động Tiên Nữ nằm trong lòng trái núi Đán Đông Lướt hơi nhô ra ngoài cánh đồng, tạo thành eo núi. Gió từ đỉnh đèo Khau Phạ thổi xuống qua Đán Đông Lướt ầm ào quanh năm, gọi là Cứu Lùm, nghĩa là eo gió. Khi người dân tộc Thái chúng tôi di cư tới đây khai mở vùng đất này từ hơn 300 năm trước đã nghe kể rằng, những nàng tiên nữ từ trên cổng trời Khau Phạ bay xuống chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi trần gian đã xuống suối Nặm Lung tắm mát và mùa hạ, tắm nước nóng suối Nặm Họn về mùa đông. Nơi các tiên nữ thay xiêm y trong hang núi Đông Lướt, còn gọi là động Tiên Nữ.

Ông Soàn kể rằng, ngày bé khi mới học lớp 3, lớp 4, ông thỉnh thoảng cùng lũ bạn chui vào trong hang. Cửa hang chỉ lọt một người, trong hang tối om om, nhiều chỗ phải bò vì vướng những nhũ đá. Tuy nhiên chỉ vào được 50-60m thì phải quay ra vì ngạt thở do thiếu oxy, người nào giỏi lắm cũng chỉ vào được 100m buộc phải quay ra.

Ông có người bạn tên là Ngô Thị C, nhà ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, hai vợ chồng lấy nhau gần chục năm nhưng không có con. Khoảng năm 2005 vợ chồng chị lên Tú lệ thăm ông. Chẳng biết nghe ai nói uống nước trong động Tiên Nữ sẽ sinh con. Thế là vợ chồng chị nhờ ông Soàn dẫn vào trong động, lấy nước về uống. Một năm sau vợ chồng chị báo tin đã sinh được một cháu gái kháu khỉnh.

Một dạo, những người từ đâu đâu khác kéo đến cúng bái, khiến cho tình hình an ninh tại đây trở nên phức tạp, chính quyền xã Tú Lệ phải ra tay dẹp mấy năm mới chấm dứt.

Công ty Thịnh Đạt Xanh được tỉnh Yên Bái cấp phép khai mở Động Tiên Nữ phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách trên tuyến du lịch Yên Bái-Mường Lò-Mù Cang Chải-Sa Pa.

Sau gần một năm xây dựng tuyến đường vào động và lên núi Đán Đông Lướt, ngày 5 Tết vừa qua, động Tiên Nữ chính thức mở cửa cho người dân và du khách bốn phương tới tham quan. Chỉ mới hai tháng mà có tới 20.000 lượt khách vào thăm. Điều đó đủ thấy cảnh đẹp trong động đã mê hoặc lòng người đến mức nào.

Động nằm trên lưng núi, đường lên động khoảng gần trăm bậc lát đá xanh men theo sườn núi. Trước cửa động có chiếc miếu nhỏ để những ai thành tâm trước khi vào động thắp hương. Đường dẫn vào động rất hẹp, chỉ đủ một người đi. Bước vào trong động, như lạc vào thế giới thần tiên với ngàn vạn nhũ đá được soi bằng những bóng đèn đa sắc màu.

Trước cửa động là suối Cá Thần nước trong vắt, chảy từ trong lòng núi ra. Người dân kể rằng trước đây có một loài cá mình tròn chỉ to bằng cổ tay, vây và đuôi đỏ, vảy óng ánh như kim tuyến, gọi là cá thần, dân Tú Lệ không ai dám đánh bắt. Có một số người từ đâu tới bắt những con cá đó về ăn, giống cá tuyệt chủng từ đó. Nghe đâu những người ăn cá thần đều gặp những chuyện xui xẻo.

14-56-00_2
Suối cá thần

Nhũ đá thiên hình vạn trạng rủ từ trên trần xuống, hay mọc từ dưới đất lên. Mỗi hình khối là kiệt tác được hình thành qua hàng triệu năm từ bàn tay khéo léo của thiên nhiên kiến tạo nên thông qua những giọt nước tí tách nhỏ xuống.

Từ suối Cá Thần có hai con đường vào động, sau đó tỏa ra nhiều ngách dẫn tới: Long Cung, Suối Tiên, Hạ Long trong hang núi, Bàn Cờ Tiên, Ngư Ông vọng nguyệt, động Quan Âm, hang Thượng Thiên…Tổng chiều dài đường đi trong động 820m, nhiều chỗ trần hang thấp, lối đi hẹp, người ta phải cúi gập người xuống mới đi được.

Đi trong động Tiên Nữ như lạc vào mê cung giữa ngàn vạn hình thù đẹp lung linh vô cùng sống động. Không có lời nào tả hết được vẻ đẹp mê hồn mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Ngước lên trần động ẩn khuất giữa những đám mây ngũ sắc là hình các tiên nữ đang bay lượn giữa chốn bồng lai, tiên cảnh. Ngay cạnh Suối Tiên là Bàn Cờ Tiên, hiện rõ tiên ông đang cầm be rượu với gương mặt thanh thản nơi cõi trần. Cạnh đó là chú voi phủ phục như đang đợi lệnh của tiên ông phun nước thành mưa giải hạn cho hạ giới.

14-56-00_3
Măng đá

Trụ cột chống trời cao lớn sững sững, giống như trong thần thoại không để trời sập, thể hiện khát vọng của con người thuở hồng hoang. Đường xuống Long Cung sâu hun hút phải lách qua lối đi rất hẹp, người ta vô cùng bất ngờ khi chạm chân tới Long Cung là một hồ nước trong vắt, ẩn sâu trong các hang núi, từ đó có rất nhiều nhũ đá từ trên trần hang rủ xuống với rất nhiều hình thù khác nhau: Sứa, bạch tuộc, cá chép, rùa, ba ba…như vây bọc quanh du khách.

Gần cuối động là động Quan Âm, trong động là hình tượng Quan Âm. Trên đỉnh động Quan Âm là đường lên trời, còn gọi là hang Thượng Thiên.

Rẽ vào con đường bên phải của động là hình Ngư Ông vọng nguyện, tay ôm một con cá, gương mặt trầm ngâm nhìn xuống hồ nước trong xanh như đang đợi trăng lên. Sau lưng Ngư Ông là một thảm nham thạch, tựa như chảy ra từ ngọn núi lửa nào đó đã tắt, nhưng để lại dấu tích ngổn ngang gò đống hoang tàn nhưng đang còn ngùn ngụt sức nóng bởi những ngọn đèn.

Cuối động Tiên Nữ là động Tâm Linh, nơi này trần hang cao hơn 4m, mở ra một khoảng không gian rất rộng, tại đây người ta đặt một số tượng Phật trên các bệ sen. Đứng ở nơi này người ta cảm thấy thư thái, tâm hồn thanh thản như lạc vào cõi tiên phật mà quên mất đường về.

14-56-00_4
Kết nối giữa trời và đất
Mây trời hóa đá
Bàn cờ tiên
Cột chống trời
Long Cung
Những nàng tiên hóa đá
Ngư Ông vọng nguyệt
Suối Tiên
Xiêm y của các nàng tiên bỏ quên trong động
Nguồn: THÁI SINH/ Nông nghiệp VN/nongnghiep.vn 
Bệnh viện Hạnh Phúc