Máy xông cải tiến của các nhà nghiên cứu Đại học RMIT ngày nào đó có thể thay thế phương pháp tiêm truyền thống trong chữa trị ung thư và đưa vắc xin vào cơ thể.

Giá thành rẻ, nhẹ và dễ mang theo, máy xông cải tiến có thể đưa lượng thuốc chính xác vào cơ thể bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc suy giảm chức năng phổi như ung thư, lao phổi, hen suyễn và xơ nang.

Giáo sư Leslie Yeo giải thích cách sử dụng máy xông Respite™.
Giáo sư Leslie Yeo giải thích cách sử dụng máy xông Respite™.

Tại Việt Nam, một trong những nơi có tỉ lệ người mắc ung thư phổi cao nhất trên thế giới, với gần 20 ngàn ca tử vong mỗi năm, máy xôngRespite™ có tiềm năng rất lớn.

Giáo sư Leslie Yeo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu MicroNanophysics của Đại học RMIT, cho biết công nghệRespite™  có thể là cuộc cách mạng cho bệnh nhân đang trị bệnh bằng thuốc, kể cả bệnh nhân ung thư phổi có tỉ lệ sống sót thấp bất chấp những tiến bộ gần đây trong y học.

Ông nói: “Tỉ lệ sống sót sau năm năm đối với bệnh nhân ung thư phổi còn khoảng 15% bất chấp những tiến bộ đáng kể trong phương pháp điều trị những năm gần đây. Trong khi đó, không có thiết bị cá nhân dạng hít để đưa thuốc trị ung thư vào cơ thể nhằm cải thiện kết quả lâm sàng”.

“Máy xông của chúng tôi sẽ lấp đầy được khoảng trống này với phương pháp đưa virus diệt ung thư trực tiếp vào phổi với chi phí thấp, thuận tiện mà vẫn hiệu quả, một cuộc cách mạng đầy tiềm năng trong điều trị ung thư phổi”, ông chia sẻ thêm.

Ông Yeo, Giáo sư Hóa kỹ thuật và là nhà nghiên cứu nhận được tài trợ của Hội đồng nghiên cứu Úc (Australian Research Council), giải thích sự kém hiệu quả trong phương thức đưa thuốc vào cơ thể hiện nay.

Ông nói: “Vấn đề với ống xịt thuốc thông thường là chỉ 30% lượng thuốc thật sự được truyền xuống phổi, phần còn lại sẽ tản mát trong miệng. Điều này sẽ không thành vấn đề nếu thuốc điều trị rẻ, trong khi thực tế chúng lại đắt tiền. Yếu tố quan trọng nhất với thiết bị của chúng tôi là không đòi hỏi bệnh nhân phải hít vào để đưa thuốc sâu vào bên trong giống như các dạng bình xịt thông thường – điều có thể gây khó khăn với bệnh nhân đã bị tổn thương chức năng phổi”.

Giáo sư Yeo cho biết bình xịt suyễn truyền thống đòi hỏi phải phối hợp tay và thở, và người già cũng như trẻ nhỏ phải được hướng dẫn để tránh dùng sai. “Khác với bình xịt một kích cỡ cho tất cả bệnh nhân, Respite™ cho phép điều chỉnh liều thuốc dựa vào thể trọng bệnh nhân, tuổi tác, giới tính, hồ sơ tâm sinh lý và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý”.

Thiết kế không cần mắt lưới hoặc vòi phun như các máy xông khác, vì vậy sẽ không bị tắc nghẽn hoặc bám cặn làm giảm hiệu suất.

Respite™ dùng công nghệ sóng âm để kích thích bề mặt chất lỏng hoặc thuốc, tạo ra một màn sương mỏng có khả năng cung cấp nhiều phân tử hơn trực tiếp đến phổi.

Các thử nghiệm nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm đã chứng minh được thiết bị có khả năng đưa các loại thuốc thế hệ mới như protein, peptide và DNA vào phổi mà không cần bệnh nhân phải hít vào. Thiết bị cung cấp lượng thuốc lên đến 3 ml/phút, so với lượng nhỏ hơn nhiều – 0,4 ml/phút theo tiêu chuẩn của máy xông hiện hành.

Thử nghiệm gần đây tại Melbourne cũng cho thấy cừu được cho xông vắc-xin cúm DNA bằng thiết bị mới đáp ứng miễn dịch tương đương với việc tiêm vắc-xin.

Công nghệ đã được cấp bằng sáng chế Respite™ là một trong mười phát minh của Đại học RMIT triển lãm tại TechInnovation 2015 ở Singapore – sự kiện hàng đầu trong ngành công nghệ.

Mộng Thúy- Phunuhiendai.vn

Thông tin được cung cấp bởi RMIT VN

Bệnh viện Hạnh Phúc