Chung sống gần ba năm nay, vợ chồng anh Quân chị Nguyệt thường hay bất đồng về sở thích. Anh Quân là người gốc Bắc, thích ăn món mặn, mê xem bóng đá và chơi thể thao. Trong khi đó, chị Nguyệt là dân miền Nam chính hiệu.

Món ăn nào của chị cũng phải có vị ngọt hơn mức bình thường. Vào những ngày cuối tuần, chị thích tụ tập bạn bè để tám chuyện hay đi mua sắm, đôi khi bất kể giờ giấc. Vốn khác nhau về cách ăn uống lẫn sở thích ngày thường, nên không ít lần giữa họ cứ lời qua tiếng lại. Anh Quân chê vợ chỉ ham đua đòi, chưng diện mà không quan tâm đến sức khỏe. Còn trong mắt chị Nguyệt, chồng mình là người nghiện bóng đá một cách vô độ hay tập luyện thể thao không có khoa học.

07-39-52_trng_12-2
Ảnh minh họa

Trong một mối quan hệ, sự khác nhau về mối quan tâm của mỗi người quyết định việc giữ vững và duy trì tính cách cá nhân. Sở thích đem lại cho bạn không chỉ cảm giác thư giãn và tự do để thể hiện bản thân, mà còn tăng giá trị của mối quan hệ nhờ thoát khỏi sự đơn điệu, nhàm chán. Tuy vậy, giống như những vấn đề khác trong cuộc sống, quá nhiều thứ tốt đẹp có thể trở thành có hại. Bởi vào một thời điểm nào đó, sở thích trở thành nỗi ám ảnh, có thể phá vỡ cuộc sống hôn nhân của bạn.

Liên quan giữa những sở thích và cuộc sống hôn nhân

Nếu bạn đời bị ám ảnh về một mối quan tâm nào đó, bạn có thể chịu ảnh hưởng theo. Thế nhưng, không giống với nhiều cặp đôi khác, bất cứ điều gì thu hút sự quan tâm của bạn đời, thì với họ chỉ là gió thoảng mây bay. Sở thích của bạn đời không phải là thủ phạm phá vỡ hôn nhân, mà phụ thuộc vào sự bất hòa do mối quan tâm bên ngoài mà hai người đem vào cuộc sống chung.

Trong nhiều trường hợp, sở thích thực sự không phải là vấn đề của bất hòa vợ chồng, mà chính là không có thời gian dành cho nhau. Nếu vì sở thích mà bạn đời bắt đầu bỏ qua thời gian dành cho bạn, thì điều này sẽ tạo cho bạn cảm giác giống như bị “giam cầm”. Bởi dù vô tình hay hữu ý, anh/cô ấy hoàn toàn không nghĩ rằng điều mình làm đã ảnh hưởng đến tinh thần của bạn, và tác động đến mối quan hệ.

Vậy nên, đây là lúc cần dành thời gian để ngồi lại, nói ra cảm nhận của bạn với bạn đời, nhằm tạo cơ hội giúp cả hai tìm cách đối phó với sự mất cân bằng mới này như: chấp nhận những sở thích của bạn đời, chỉ cần để anh/cô ấy có được sở thích riêng, mà không nhận xét chúng là gì, và tốt hay xấu; thỏa hiệp những sở thích của bạn đời, chẳng hạn như bạn có cần nhiều thời gian riêng tư bên bạn đời? Bạn muốn có thời gian hẹn hò buổi tối với anh/cô ấy? Sở thích của bạn đời có chiếm quá nhiều không gian trong gia đình? Còn nếu bạn đời không thể thay đổi sở thích, hãy cùng tham gia với bạn đời, và đánh giá cao sự quan tâm của anh/cô ấy, và cách sau cùng là hãy phát triển những sở thích của bạn. Bởi đây có thể là cơ hội để bạn bắt đầu thực hiện những điều mình muốn làm.

Nên bắt đầu một sở thích mới như thế nào

Chị Hiền Mai, nhân viên tài chinh một ngân hàng lớn, có tâm sự: “Đừng cố ép chồng/vợ bạn phải “yêu” sở thích của bạn, vì có nhiều mối quan tâm khác nhau là điều tốt. Nếu có thể cân bằng sở thích của nhau, hãy để anh/cô ấy cùng tham gia. Nếu không, chỉ cần bạn cảm thấy hài lòng vì anh/cô ấy luôn hỗ trợ cho mối quan tâm của bạn. Cách tốt nhất là không để sở thích can thiệp vào mối quan hệ.

Vậy nên, cân bằng là một phần quan trọng của việc duy trì mối quan hệ lâu dài, vì vấn đề có thể xảy ra là khi cân bằng thay đổi. Cần bảo đảm thời gian dành cho sở thích của bạn không vượt quá thời gian dành cho mối quan hệ và cho bạn đời”.

Với chia sẻ của anh Vũ Hùng, kỹ sư xây dựng, thì: “Thỉnh thoảng, cũng nên tham gia vào những sở thích của bạn đời một vài lần. Mặc dù, bạn có thể không quan tâm đặc biệt đến một sở thích nào, nhưng cùng tham gia sở thích cho thấy bạn thực lòng nghĩ về bạn đời và luôn làm mọi thứ để hỗ trợ anh/cô ấy. Một mối quan hệ luôn cần biết cho và nhận. Bất cứ điều gì tạo nên thay đổi của sự cân bằng này sẽ dẫn đến rắc rối.

Tuy vậy, cách tốt nhất là nói ra cảm giác của bạn và có cách giải quyết rõ ràng trước khi tình hình trở nên xấu hơn. Điều này cho phép bạn tiếp cận vấn đề dựa trên quan điểm sáng suốt, để có giải pháp cởi mở hơn với bạn đời”.

Nguồn: Nông Nghiệp VN/nongnghiep.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc