Cách đây vài năm, Vân nói đã mua một quả đồi ở Di Linh (Lâm Đồng). Càng đáng “quan ngại” hơn, khi cô nói rằng, sẽ dựng một ngôi nhà trên quả đồi đó. Bạn bè lo cô bỏ phố về vườn hẳn, trong khi con đường phát triển của một designer đầy cá tính tại một tờ báo ở Sài Gòn đang rộng mở.

Nhưng rồi cô gái trẻ lại xuất hiện ở Sài Gòn với công việc thường nhật như bao người nhưng chỉ khác một điều: cuối tuần, lại biến mất.
Mai nếu như ta về…

MAI NẾU NHƯ TA VỀ (22)_resize

1 Ấy là khi người ta tìm thấy một chỗ trở về và yêu quý, nâng niu nơi an trú đó.

Ngôi nhà được dựng lên trên đồi đá Tam Bố – Di Linh. Nơi mà một ngọn đồi được bán chỉ dăm ba chục triệu đồng vì không ai nghĩ có thể dùng đất đai ở đó vào bất cứ việc gì.

“Nhưng thoạt đầu, mua nó (ngọn đồi) là vì hai mẹ con đi ngang qua đây nhìn thấy một cây anh đào Nhật Bản mọc hoang nở hoa trắng muốt. Thấy là nghĩ ngay, bằng mọi giá phải tìm cách mua và biến cả ngọn đồi thành đồi hoa anh đào”, Vân nói. Và làm.
Hai mẹ con cô bắt đầu thuê thợ địa phương về đóng một ngôi nhà theo ý mình. Nói là theo lối kiến trúc nào cũng khó. Chỉ có thể nói chính xác nhất, đó là ngôi nhà được sinh ra cho sự duyên dáng của ngọn đồi và đáp ứng tốt nhất cái nhu cầu cân bằng đời sống của gia chủ. Một ngôi nhà xinh xắn, xộc xệch tự nhiên, thoải mái để mà sống tự do thật sự.

MAI NẾU NHƯ TA VỀ (21)_resize

2 Mái tole, vách ván, không gian mở toang, không ngăn phòng, chỉ có một quầy kệ như một cái bar lớn ngay chính giữa nhà để đặt chậu hoa, bỏ thức ăn, đồ uống các kiểu khi có bạn bè cuối tuần tựu về nghỉ ngơi. Toilet mở theo kiểu các resort mà đám “Tây sang” vẫn chuộng và chịu chi với giá 500-600 USD/đêm. Cơ bản là mẹ của Vân cũng “chịu chơi”, dám để cho cô con gái tự biên tự diễn, từ trèo mái nhà tự bắt điện đóm, đóng kệ sách cho đến triển khai những ý tưởng “quái quái” trong cái nhà trơ trọi trên đồi giữa xứ sở sáng mù sương, trưa nắng rát, tối gió thốc rát mặt rát mũi này.

Những bụi cây rừng vẫn nở hoa, đâm chồi chiêu dụ ong bướm về vo ve đầy vườn. Một ao cá được đào từ mùa trước, qua hai cơn mưa đầu mùa, ếch nhái, ễnh ương, giun dế kêu như bản giao hưởng triền miên hoành tránh giữa đêm khuya. Cây hoa anh đào sân trước được mẹ Vân giâm cành thêm, tới mùa xuân, nở trắng cả ngọn đồi.

MAI NẾU NHƯ TA VỀ (10)_resize

Rồi vài luống rau, vài vuông dâu tằm được trồng, bén đất tốt tươi. Những cây thuốc nam được trồng góc này góc kia của khu vườn, lẫn trong rau cỏ phòng khi trái gió trở trời.

Sỏi đá đã mềm đi trước sự mơ tưởng của hai mẹ con trốn phố về rừng.

Vậy là họ có một không gian sống thảnh thơi. Cuối tuần, cô con gái và cậu trai út cưỡi xe chạy từ Sài Gòn về thăm mẹ. Từ đây, họ có thể thư thái hít thở không khí trong lành trong vài ngày nghỉ, cũng có thể cưỡi xe chạy thêm 80km nữa để đến Đà Lạt cà phê cà pháo rồi quay về nhà ngủ trong đêm.

MAI NẾU NHƯ TA VỀ (1)_resize

3 Sau một đêm nhóm bạn thành phố râm ran tưng bừng với BBQ và ngà ngà với món rượu mơ do cô chủ tự tay ngâm ủ men từ vài tháng trước, một đống lửa được nhóm lên bên sân nhà. Thời gian chậm rãi trôi. Xoa xoa bàn tay trước hơi lửa ấm thoảng mùi nhựa thông, mẹ Vân nói một ý mà bọn người thành phố không còn trẻ nữa như chúng tôi phải ngẫm ngợi nhiều: “Người ta sống đâu chỉ để ăn, mà phần lớn là để thở. Nơi đâu thở được, thở đầy, thở ngon, thì nơi đó bình yên. Về đây, hai mẹ con nhà cô tha hồ được thở”.

Người mẹ có ngôi nhà trên đồi để được thở. Còn cô con gái độc thân (tính đến hôm nay) thì có chốn đi về. Một chốn đi về đẹp và quạnh hiu mà có thể những thị dân trẻ đang quay cuồng đều khát thèm mỗi khi mỏi lòng tưởng đến chuyện “mai nếu như ta về, đời phiêu lãng thân ê chề”…

Ngày mới bắt đầu. Hoa cánh chuồn, hoa tam giác mạch, hoa rừng nở đầy sân. Nhưng trời hãy còn mù sương quá, cứ cho phép mình được nướng thêm ít nữa. Nằm yên, trễ nải lắng nghe tiếng sương rớt từng giọt ting ting trên máng xối, thảng hoặc, tiếng xe công nông nổ máy tành tạch cùng tiếng chim hoang rừng vang lên bên những đồi cà phê xa xa.

Theo NGUYỄN VĨNH NGUYÊN/Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 6.2015

Bệnh viện Hạnh Phúc