Cô con gái bé nhỏ 12 ngày tuổi đã được chị Dương Thanh Nga đưa đi công viên quốc gia Arches 3 ngày, với chặng đường hơn 600km. Không ít sự phản đối nhưng với chị, đó là một trong những “tác phẩm vô giá” của cuộc đời.
Vì ham đi và vì yêu con
Từng có quan điểm nuôi dạy con không giống ai, khi các bà mẹ mới sinh phải kiêng cữ đủ thứ thì chị Dương Thanh Nga, tác giả cuốn sách “Mẹ sẽ không để con ở lại” đã xách ba lô lên và cùng con trải nghiệm khắp các châu lục. Trước đó, chị đã đưa con trai 7 tuần tuổi đi khắp 3 châu lục. Khi con gái 12 ngày tuổi, chị lại bắt đầu cho con ra ngoài cảm nhận thế giới. PV báo điện tử Người Đưa Tin đã được nghe chị Dương Thanh Nga kể về hành trình “đưa con đi khắp thế gian”.
Vì sao chị lại có quyết định đưa các con đi khắp 3 châu lục khi con trai mới được 7 tuần tuổi và con gái được 12 ngày tuổi?
Tôi vẫn còn nhớ lúc chưa sinh con, tôi đặt hàng trước với ba mẹ: Ông bà nuôi cháu giúp con đi nhé, con còn bận rộn đi chỗ này chỗ nọ, không xách nó theo được đâu. Đến lúc sinh xong rồi thì không hiểu sao lại chẳng buông được tay, xa con chẳng đặng nên không gửi con cho ai được lấy một ngày.
Vì tôi ham đi và vì tôi yêu con. Tôi không muốn sinh con ra phải giam mình nhìn ngó 4 bức tường suốt ngày. Tôi không muốn xa con. Nhưng tôi cũng không muốn nghỉ làm, ngừng đi và thôi nhìn ngắm thế giới.
Thêm nữa, lý do con nhỏ còn bú mẹ liên tục có vẻ như không được thuyết phục lắm để tôi chôn chân một chỗ. Khi con khoảng hơn một tuần tuổi, tôi bắt đầu dẫn con đi công viên, đi mua sắm, đi chơi nhà bạn bè, đi những chuyến ngắn ngắn vài tiếng đồng hồ sang các thành phố quanh nơi tôi ở. Cứ thế, đi đâu tôi cũng địu con theo.
Tôi nghĩ con chỉ lớn lên chứ không bao giờ nhỏ lại và tôi không muốn mất đi hay vắng mặt trong những lần đầu tiên của con.
Trải qua nhiều hành trình châu Mỹ, châu Á, châu Âu cùng con, tôi không hối hận bất kỳ một giây phút nào địu con lên vai và đi. Địu con lên vai và đi vất vả hơn tôi tự đi một mình nhiều chút, nhưng đổi lại niềm vui cũng nhân lên bội phần. Nếu cho tôi lựa chọn lần nữa, tôi cũng vẫn sẽ quyết định không để con ở lại.
Người mẹ Việt luôn có những quyết định táo bạo khi các con còn nhỏ.
Chị có thể chia sẻ về những kỷ niệm trên hành trình đi cùng con?
Tôi không thể quên lúc Liam (con trai đầu) bùng phát cơn tam bành, nằm lăn ra đất, giậm chân, la lối, ăn vạ giữa sân bay San Francisco. Khi ấy, tôi như nổ tung, phát “điên”, mệt mỏi, căng thẳng, nhục nhã. Cảm tưởng như mọi con mắt đang dồn hết vào mình. Tôi chỉ muốn bỏ con giữa đường mà chạy.
Nhiều lần trong những chuyến đi ấy, tôi bị “vỡ bục” tim mình ra và khóc. Khóc một mình, khóc giữa ga tàu, khóc với người nhà, khóc trước một đám đông xa lạ ở khu thắng cảnh, khóc cả với Liam. Cậu nhóc ngạc nhiên không hiểu sao mẹ như quả bóng xì hơi. Chàng cứ di di cái ngón tay nhỏ xíu lên mũi tôi, chắc để an ủi. Có lần con lên cơn suyễn lúc nửa đêm. Ôm con ngủ thiếp giữa một bệnh viện xa lạ, mà đầu tôi cứ lảng vảng đếm sao cho trời mau sáng.
Không phải hành trình nào với con cũng suôn sẻ và nên thơ nhưng hơn tất cả, tim tôi tin chắc một điều, hai mẹ con tôi gắn bó và trưởng thành cùng nhau qua những chuyến đi ngúc ngoắc đó.
Chị muốn các con được trải nghiệm và cảm nhận thế giới.
Được biết, Lisa – em gái của Liam, khi bé mới 12 ngày tuổi đã bắt đầu đồng hành cùng gia đình đi công viên quốc gia Arches 3 ngày, với chặng đường hơn 600km. Vậy chuyến đi này có mạo hiểm khi Lisa còn quá nhỏ?
Cũng như bao nhiêu bà mẹ trẻ khác, mới đầu tôi cũng khá lo lắng về việc khi nào thì có thể bắt đầu dẫn con ra khỏi nhà, khi nào bản thân mình mới có thể đi siêu thị và dạo công viên trở lại. Mấy người bạn ở Trung Quốc và Việt Nam từng trải chuyện sinh đẻ trước tôi đều kể rằng, họ nằm kiêng cữ trên giường ít nhất 1 tháng, có người cả 2-3 tháng.
Đem băn khoăn nói với bác sĩ, cô cười động viên: “Không có lý do khoa học gì để một em bé khoẻ mạnh trốn núp cuộc sống tươi đẹp ngoài kia cả”. Không khí trong lành và thay đổi nhịp độ các hoạt động đều tốt cho bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả bé sơ sinh. Chỉ cần khi dẫn bé ra ngoài nên chọn nơi có không khí trong lành, tránh xa đám đông và những mầm gây bệnh.
Khi dẫn con đi, tôi luôn coi thời tiết, chọn ngày trời đẹp, không quá lạnh, không quá nóng, không gió to cũng không nắng gắt. Tôi nghiên cứu chọn lộ trình phù hợp. Kết hợp vừa đi vừa nghỉ. Trong giỏ lúc nào cũng có giấy tờ thông tin của bác sĩ đề phòng trường hợp cần đến.
Chuyến đi này khi Lisa 12 ngày tuổi, tầm nhìn của bé lúc đó vẫn còn mờ nên bé chưa thấy rõ khung cảnh xung quanh. Nhưng khứu giác và thính giác đã hoàn thiện nên bé cảm nhận ngay sự thay đổi về môi trường.
Khi tôi đưa các vật khác nhau: Một cánh hoa dại, một cái lá non, một cành cây khô lên mũi cho bé ngửi, bé khụt khà khụt khịt khá lâu trước từng món, lại còn thích thú bật “à” lên một tiếng. Tôi biết bé cũng thích chuyến đi không kém gì các thành viên khác trong nhà.
Mỗi chuyến đi là “một tác phẩm vô giá”
Đưa các con đi xa khi mới 7 tuần tuổi hay 12 ngày tuổi, chị nhận ý kiến như thế nào từ gia đình, bạn bè?
Nói chung những người can ngăn việc tôi đeo con đi lung tung thì nhiều lắm như hàng xóm, đồng nghiệp, người thân, người dưng… không kể hết.
Lần đấu tranh tư tưởng dài nhất là khi tôi phải đi công tác Romania 2 tháng khi Liam 15 tháng tuổi. Ông bà bảo thay đổi khí hậu con sẽ trở bệnh cho mà xem. Sếp ngần ngại “xách con theo thì cô làm việc thế nào?”.
Nhưng khi thấy tôi cương quyết “không để con ở lại” và trình bày những phương án để giữ cho con mạnh khoẻ trên đường đi, dần dần mọi người cũng bắt đầu động viên và ủng hộ!
Những chuyến đi cũng gặp không ít rắc rối và sự phản đối của gia đình, bạn bè.
Kinh nghiệm chị đúc kết sau những chuyến đi là gì?
Đó là phải đặt mình trong thì tương lai. Phải lên kế hoạch đi bằng phương tiện gì, chọn tuyến đường nào, nghỉ chân ở đâu, điểm tham quan nào nên chọn, điểm nào đành ngậm ngùi mà bỏ qua. Phải vẽ vời tưởng tượng những trục trặc nào sẽ xảy ra nữa. Phải hình dung trong đầu vào giờ đó – ở nơi đó tôi sẽ làm gì, con sẽ làm gì, những người xung quanh có làm gì ảnh hưởng đến chúng tôi không. Để thực hiện được kế hoạch thì cần phải có cái gì. Cái cần có nên để ở đâu cho dễ tìm, dễ lấy.
Với một kế hoạch tỉ mỉ và cẩn thận, bạn có thể đi cùng bé trên chặng đường xa 500km hay đến tận đầu bên kia của thế giới. Nhưng đồng thời tôi cũng nghiệm ra rằng, có lên kế hoạch tỉ mỉ đến thế nào thì lộ trình cũng không bao giờ diễn ra theo đúng bản thảo, nên tôi bớt cáu kỉnh bực bội nếu mọi thứ bị đảo lộn. Tôi nghiệm ra rằng, đồ đạc có quên gì cũng được, miễn đừng quên gói ghém kỹ nụ cười mang theo. Khoảnh khắc vàng thường hay thu hoạch được từ những lần nghỉ dọc đường, cớ gì cứ phải quan trọng chuyện đến đích vào đúng hoàng hôn?
Chồng là người bạn đồng hành cùng chị Nga và các con trên mọi hành trình.
Nhiều người cho rằng, trẻ mới sinh cần được bao bọc, tránh tiếp xúc với những yếu tố môi trường, quan điểm của chị về điều này?
Tôi thấy đi với con là cả một quá trình lao động, vất vả mà vinh quang. Mỗi chuyến đi như một tác phẩm mà tôi tự hào đã thực hiện được. Những “tác phẩm vô giá” đó được lưu lại không chỉ trong từng bức hình, đoạn video, câu chuyện, mà còn trong trái tim nhiều vết khắc của mẹ và trong bộ não đang phát triển với tốc độ tên lửa của con.
Nhiều người cho rằng: Bé con miệng còn hôi sữa thì biết gì mà “cảm nhận thế giới”. Tôi thì nghĩ ngược lại. Trẻ em được “quăng” vào một thế giới phong phú bên ngoài sẽ có tư duy và giác quan tốt hơn những trẻ em bị bó hẹp trong khuôn khổ nhất định. Tính thích nghi, khả năng quan sát và tư duy của con nhờ thế cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Thế giới ngoài kia là một phòng học rộng lớn nhất, con học được nhiều điều mà thậm chí không cần phải nỗ lực gì.
Vì con nhìn thấy cuộc sống làm từ rất nhiều thứ, những thứ rất thật chứ không phải trong tranh.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Nguồn: Nguoiduatin.vn
https://www.nguoiduatin.vn/ly-do-bat-ngo-thoi-thuc-nguoi-me-dua-con-12-ngay-tuoi-di-khap-the-gian-a410045.html