Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit Hyperactivity Disorder – ADHD) là rối loạn não bộ ảnh hưởng đến khoảng 5% trẻ em tại Hoa Kỳ, theo Hiệp hội Nhi đồng Hoa Kỳ. Nhưng một vài nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ này có thể còn cao hơn trên thực tế.

Bất ổn này thường được chẩn đoán khi tuổi còn nhỏ và các biểu hiện của rối loạn này thường theo trẻ cho đến tuổi trưởng thành. Tờ Health đã chỉ ra năm điều bạn có thể chưa biết về rối loạn tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành.

a mhoa111.jpg
Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là rối loạn não bộ

1 – Các biểu hiện rối loạn xuất hiện từ khi còn nhỏ

Mặc dù được gọi là rối loạn tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành nhưng các biểu hiện thường xuất hiện khi được 12 tuổi và đôi khi các biểu hiện này có thể quan sát thấy khi trẻ chỉ mới ba tuổi – theo Bệnh viện Mayo.

Rối loạn này thường được chia làm ba loại chính: thiếu sự chú ý, tăng động, hay là sự kết hợp của cả hai.

Trẻ thuộc nhóm thiếu chú ý dễ dàng bị phân tán, hay quên và thiếu tư duy tổ chức. Trẻ tăng động thì hoạt náo liên tục, di chuyển liên tục, nói nhiều quá mức và hay cắt ngang người xung quanh. Ở Hoa Kỳ, loại rối loạn phổ biến nhất là loại rối loạn kết hợp cả hai dạng này, có nghĩa là vừa có các biểu hiện thiếu chú ý vừa có các biểu hiện tăng động.

2 – Nhiều người lớn không biết mình bị rối loạn này

Nhiều người trưởng thành không nhận thức được mình có các bất ổn về thần kinh nhưng biết rõ ràng rằng các hoạt động hàng ngày thật sự thử thách và khó thực hiện đối với mình.

3 – Các biểu hiện có thể giảm dần theo tuổi tác

Một số trẻ mắc chứng ADHD, các biểu hiện rối loạn có thể giảm dần khi lớn lên.

Tuy nhiên, với nhiều trẻ thì các triệu chứng lại theo trẻ cho đến tuổi trưởng thành và làm cho các hoạt động thường nhật khó được thực hiện một cách bình thường.

4 – Các biểu hiện ở người lớn khác với ở trẻ nhỏ

Cả trẻ em và người lớn mắc chứng ADHD đều có các biểu hiện khác nhau, từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Tuy nhiên, các biểu hiện bất ổn khi còn nhỏ không hẳn giống nhau khi lớn lên.

Một số biểu hiện khá phổ biến của rối loạn này ở người trưởng thành là: kỹ năng quản lý thời gian kém, gặp khó khăn khi đa tác vụ (khi làm nhiều việc cùng một lúc), khả năng lên kế hoạch hay sắp xếp kém, khả năng bỏ qua sự khó chịu (từ môi trường xung quanh) kém, trạng thái tâm lý thường xuyên dao động, gặp khó khăn trong thích ứng và vượt qua stress.

5 – Thuốc không phải là giải pháp trị lành bệnh

Dù thuốc có thể giúp làm giảm và làm nhẹ biểu hiện của ADHD nhưng thuốc không phải là trị liệu mang lại hiệu quả dứt điểm cho chứng rối loạn này. Liệu pháp tâm lý thường được gợi ý cho người trưởng thành mắc chứng ADHD.

Liệu pháp này có thể giúp phát triển hiệu quả hơn kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp cải thiện sự tự tin và giúp học được cách giao tiếp tốt hơn với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè.

Trần Trọng Hiếu
(theo Medical Daily)

Theo Giác Ngộ/ giacngo.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc