Khán giả lớn tuổi không thể thống kê và theo dõi hết được các cuộc thi thố tài năng của trẻ em trên truyền hình. Người ta đang triệt để khai thác các chương trình đứng đắn có tính giáo dục cao đã đành, nhưng không ít các chương trình vô bổ dài lê thê, Việt hóa từ bản gốc của nước ngoài vẫn chiếm giờ vàng trên sóng. Cách đây 4 năm, từ chương trình “The Voice Kids” mùa 1 (2013), số lượng các cuộc thi thố tài năng dành cho trẻ em tăng lên quá nhiều ở cả đài quốc gia và một số đài địa phương.

Có chương trình gốc ở nước ngoài đã bị ngừng phát sóng nhưng ở ta hình như lỡ nhận quảng cáo rồi nên không thể dừng. Lại có chương trình suy giảm chất lượng vì nhàm chán, diễn viên thay xoành xoạch nhưng vẫn “kiên trì” phát tiếp và vẫn có khán giả nhí vì các bé đâu có phải xem theo lựa chọn của phụ huynh.

Các chương trình truyền hình thực tế dành cho đối tượng thiếu nhi được nhà đài khai thác cách đây khá lâu như “Đồ rê mí”, “Con đã lớn khôn”, “Ước mơ của em”, “Trẻ em luôn đúng”. Những chương trình này được đánh giá cao về tính giáo dục, cung cấp kiến thức cũng như rèn luyện khả năng tư duy của con trẻ. Thế nhưng các sân chơi này có vẻ như có tính giải trí thấp, khó thu hút khán giả theo dõi và tất nhiên khó xin quảng cáo nên chỉ được phát vào khung giờ bận bịu ít khán giả nên vẫn cầm chừng rồi tiến tới chào từ biệt.

Nhờ nhà đài rộng cửa hơn, cho nên các công ty sản xuất chương trình đua nhau đầu tư vào lĩnh vực truyền hình thực tế. Các games show ào ào lên sóng chiếm giờ vàng lôi cuốn các con bỏ học bỏ chơi để xem.

Trong bối cảnh ấy, các games show thi thố tài năng của trẻ em cũng không thể đứng ngoài dòng xoáy này.

loi bat cap hai

Cách đây 10 năm, “Đồ rê mí” ra mắt. Lần đầu tiên, một chương trình ca hát dành cho trẻ em được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, quy tụ các thí sinh chất lượng cùng nhau thể hiện tài năng để chinh phục ngôi quán quân. Tuy nhiên, vài năm gần đây, những người thực hiện chương trình này cũng gây ra vài tranh cãi xung quanh việc hóa trang, váy áo, son phấn cho các bé có vẻ không phù hợp với lứa tuổi khi xuất hiện trước công chúng. Sau “Đồ rê mí” là “The Voice Kids” thành công ngoài mong đợi, kéo theo rating cao, giá quảng cáo lên ngất ngưởng. Nhờ đó mà thị trường âm nhạc có Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Ngọc Duy, Hồ Văn Cường…

Sóng truyền hình còn thu hút khán giả vào giờ vàng của phiên bản nhí “Bước nhảy hoàn vũ”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Người hùng tí hon”, “Siêu nhí tranh tài” và hiện nay là “Biệt tài tí hon”, “Thần tượng tương lai” khá hấp dẫn.

Các chuyên gia giáo dục cho biết, việc khai thác thí sinh nhí cũng được tận dụng khá mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, kể cả thi hoa hậu nhí. Tuy nhiên, cũng có quốc gia quan ngại về việc đưa trẻ em tham gia các games show. Có thông tin rằng, Trung Quốc đã cấm tuyệt đối các chương trình có trẻ chưa đủ tuổi thành niên tham gia, kể cả các chương trình ăn khách và yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa quản lý các chương trình không có giá trị tích cực.

Các nhà giáo dục học kịch liệt phản đối việc đưa trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm. Trẻ em như búp trên cành, sao lại ép búp mau nở thành lá xanh, lá vàng, lá đỏ quá vội vàng. Việc tung hô các cháu thành ngôi sao chính là hành vi phản giáo dục nghiêm trọng nhất.

Chương trình “Biệt tài tí hon” cho các cháu 3 tuổi thi tài có nên chăng? Chắc chắn các cháu đi thi biệt tài phải được “gà”, được “vỗ” tốn kém thời gian và tiền bạc. Ngoài ra việc trao giải thưởng 25 triệu cho bé trong khi người bình luận lại được 35 triệu gây phản cảm. Vì thế Trấn Thành đã đề nghị dành khoản tiền thưởng này làm từ thiện.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ý kiến cho rằng, việc nở rộ các cuộc thi cũng là hoạt động cần thiết của nhà đài vì con trẻ quá thiếu sân chơi, nhất là các cuộc chơi thi thố tài năng. Tuy nhiên, lạm dụng và quá đà mới là điều nên tránh. Đã đến lúc cơ quan chăm sóc giáo dục trẻ em cần vào cuộc giảm tần suất, kiểm soát nội dung sao cho các chương trình truyền hình thực tế không tranh chấp với thời gian học bài, làm bài và tham gia các hoạt động khác.

Để đến với chương trình truyền hình này, các em phải được bố mẹ đầu tư kỹ càng, chuyên nghiệp trong khi các bé có quá ít sự lựa chọn các trò chơi khác.

Vì vậy, khá nhiều bậc phụ huynh ở đô thị, có hoàn cảnh kinh tế khá giả tỏ ra hứng thú vì con mình vốn có năng khiếu, nay lại có cơ hội thi thố tài năng như là đầu tư cho tương lai của con cái.

Khi trẻ em thi tài trên truyền hình, khán giả được theo dõi các thí sinh dễ thương trổ tài làm toán, nói tiếng Anh, làm xiếc, hát dân ca, múa hiện đại, diễn thuyết, làm MC… hấp dẫn, còn các công ty thì quảng bá được nhãn hàng.

Lấy thu cao, chi thấp, các công ty sản xuất chương trình trúng đậm, dại gì không tiếp tục các games show ăn khách này? Tội nghiệp cho các cháu thi trượt, tốn kém cho cha mẹ, nao lòng vì thất bại đầu đời.

Có nhà xã hội học nhận xét rằng, các cuộc thi tài năng nhí có thưởng số tiền lớn đã giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho trẻ em mạnh mẽ hơn các hoạt động chính danh khác. Họ đang dạy trẻ em Việt Nam cách kiếm tiền bằng sự nổi tiếng, khỏi cần học tập ở nhà trường. Giá như có một cuộc điều tra hậu nổi tiếng của các bé để làm tư liệu nói về nỗi sợ mang tên “nhí”.

Đúng là “Thiên tích thông minh, đài phù công dụng”. Ai lên tiếng giùm rằng lợi bất cập hại!

Bảo Dân

Theo Petrotimes.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc