(Phụ Nữ Hiện Đại) – Rất nhiều ứng viên phân vân có nên liệt kê tất cả các kinh nghiệm làm việc của mình vào CV xin việc online hay không? Và câu trả lời ở đây là không. Bởi thực tế, nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến kinh nghiệm liên quan mật thiết nhất đến đặc tính công việc mà không phải là tất cả trải nghiệm của bạn.

Vậy bạn nên liệt kê những kinh nghiệm gì khi tạo CV online để tạo ấn tượng tốt nhất với nhà tuyển dụng?

Kinh nghiệm liên quan đến công việc ứng tuyển

Khi viết mục kinh nghiệm, bạn nên chọn công việc đã làm có liên quan đến vị trí tuyển dụng nhất ngay dòng đầu tiên. Điều này nhằm nhấn mạnh cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã từng trải qua thực tế, hiểu được bản chất thực sự của công việc này, bao gồm cả những thuận lợi, khó khăn…

Tiếp đó bạn nên chọn liệt kê thêm một công việc có tính dài hơi và phù hợp với vị trí tuyển dụng nữa (nếu có). Không nên ghi dài dòng và liệt kê tất cả những công việc ngắn hạn hoặc không liên quan đến công việc ứng tuyển.

Ngoài ra bạn cũng có thể đề cập đến công việc theo thứ tự thời gian, ưu tiên công việc làm gần nhất viết trước.

Nhấn mạnh kỹ năng, kiến thức bạn học hỏi được ở các công việc trước

Một ứng viên được đánh giá giàu kinh nghiệm không chỉ là làm nhiều công việc hay làm một việc trong thời gian dài, mà quan trọng là trong thời gian đó bạn học hỏi được gì, và thành quả bạn mang lại cho công ty là gì.

Vì thế, khi liệt kê kinh nghiệm, bạn nên đề cập đến vai trò đảm nhận, những kỹ năng và kiến thức có giá trị mà mình học được và phát huy trong quá trình làm việc. Điều này cho thấy bạn làm việc đi đôi với ý chí học hỏi và nỗ lực phát triển bản thân không ngừng. Những phẩm chất này sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Kinh nghiệm gắn liền với thành tích

Nếu như trong công việc trước đây bạn đã làm tốt và đạt được một số kết quả đáng khen thì cũng đừng ngại ngần viết vào CV xin việc online. Đây chính là dẫn chứng rõ ràng cho năng lực của bạn. Thành tích được thể hiện qua số liệu tăng trưởng cụ thể, giải thưởng, thu nhập cá nhân hay thậm chí là chính bản thân bạn thấy rằng mình đã ở một bậc thang cao hơn nhờ quá trình làm việc tại đó.

Việc liệt kê công việc đi kèm với thành quả đạt được cũng là một cách “nói đi đôi với làm” khi viết mục kinh nghiệm để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ví dụ: Tháng 3.2020 – 6.2021: Nhân viên Marketing công ty X. Giảm bớt ngân sách cho công ty 20%, và tăng trưởng khách hàng lên 30 % so với cùng kì năm trước…

Lấp đầy khoảng trống thời gian trong CV

Nếu quá trình làm việc của bạn có sự gián đoạn vì lí do nào đó, bạn không nên để khoảng “thời gian chết” ở mục kinh nghiệm trong CV.

Có thể thời gian đó bạn không đi làm vì nhiều lí do riêng nhưng việc để khoảng thời gian trống trong mục kinh nghiệm sẽ tạo nên sự đắn đo cho nhà tuyển dụng.

Bạn có thể ghi vào khoảng thời gian trống đó các hoạt động – lí do nghỉ đi làm như: tham gia khóa học lập trình, hoặc đi trải nghiệm tại làng Z…

Liệt kê các hoạt động nếu bạn chưa có bề dày kinh nghiệm

Trong trường hợp bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc (như mới tốt nghiệp chẳng hạn) thì có thể chọn 2-3 hoạt động hay những công việc cộng tác có liên quan đến ngành nghề nhất để viết vào CV.

Thời sinh viên bạn đã từng tham gia một số hoạt động như tình nguyện, xã hội, cộng đồng hay các công việc làm thêm có liên quan đến ngành học của mình, bạn có thể ghi vào mục kinh nghiệm trong CV. Lưu ý là nên mô tả các hoạt động và nhấn mạnh kết quả đạt được. Ít nhất điều này cũng thể hiện cho nhà tuyển dụng biết bạn là người năng động, cầu tiến và luôn hướng đến kết quả tích cực.

Nhà tuyển dụng sẽ không dành nhiều thời gian để nghiên cứu CV xin việc online của bạn. Vì thế, bạn không nên liệt kê tất cả kinh nghiệm mà chỉ chọn lọc khoảng 2 công việc đã làm có liên quan nhất đến vị trí tuyển dụng, kèm theo đó là các thành tích, kỹ năng và kiến thức có giá trị đã học hỏi được để ngầm xác định sẽ làm tốt công việc sắp tới. Đó là cách thuyết phục nhà tuyển dụng ấn tượng nhất.

Đặng Hảo

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc