Ở cái tuổi xưa nay hiếm, tóc đã bạc trắng nhưng vẫn tâm huyết với công việc, những vị y bác sĩ luôn tận tâm y đức “khám bệnh không công” để giúp người hoàn cảnh khó khăn…

Tuổi cao, đức càng cao

Hơn 20 năm qua, phòng khám từ thiện do bác sĩ Trương Thị Hội Tố (sinh năm 1933) tại số nhà 18, ngõ 4, phố Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã giúp đỡ hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn. Với đội ngũ bác sĩ ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng họ rất tận tâm, tận lực với nghiệp chữa bệnh, cứu người.


Phòng khám của các bác sĩ U80

Đều đặn vào mỗi sáng thứ Hai, thứ Năm hằng tuần, phòng khám từ thiện mở cửa đón tiếp bệnh nhân. Trong căn phòng nhỏ chỉ vẻn vẹn chừng 20 m2 gồm 1 chiếc giường dành cho người bệnh, bộ bàn ghế và tủ thuốc được kê ngay ngắn và toàn bộ chi phí khám bệnh đều được miễn phí.

Tâm sự về việc sáng lập nên phòng khám này, cụ bà Hội Tố cho hay: “Năm 1992, sau khi tôi về nghỉ hưu, rất nhiều phòng khám tư nhân đã mời tôi về làm việc với mức lương cao nhưng tôi đều từ chối. Tôi dành thời gian tham gia vào Hội Chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng, tình nguyện đạp chiếc xe cũ kĩ trên nhiều cây số đi khám chữa bệnh lưu động miễn phí cho người nghèo, người cao tuổi, cựu chiến binh, gia đình chính sách…, chính công việc thiện nguyện này đã khiến tôi nảy ra ý định mở một phòng khám miễn phí cho những người nghèo”.

Bệnh nhân tới phòng khám đa phần là các cụ cao tuổi, người đã nghỉ hưu hoặc người nghèo trên địa bàn, nhiều tháng nay có cả những người dân các phường, các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của phòng khám còn đơn sơ, nên các bác sỹ tại đây mới chỉ dừng lại ở việc huyết áp, xét nghiệm tiểu đường, khám và chữa một số bệnh thông thường. Với những bệnh nặng hơn, các bác sỹ sẽ tư vấn để bệnh nhân tới khám ở các cơ sở uy tín.

Trải qua hơn 20 năm, trong số những người bạn cùng giúp sức với bác sĩ Tố những ngày đầu tiên ấy có người đã khuất, người già yếu và hiện tại, nguyên bác sỹ Lê Thanh Thước (Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K đã nghỉ hưu) và bà Lê Thị Sóc, y tá Bệnh viện Xanh Pôn cùng tham gia…

Là phòng khám từ thiện nên để duy trì hoạt động chủ yếu trông chờ vào chính sự đóng góp của các thầy thuốc và giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể và cá nhân hảo tâm quyên góp. Riêng bác sĩ Tố, hàng tháng ủng hộ tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ, các y bác sĩ khác tự nguyên góp lương hưu, tiền dành dụm, tiền con cháu biếu để mua sắm vật dụng khám, chữa bệnh và mua thuốc cho phòng khám để phát thuốc miễn phí cho người nghèo.

Dù ngày nắng hay ngày mưa, mùa đông giá rét hay mùa hè oi bức nhưng cứ đến sáng thứ Hai, thứ Năm là các y bác sĩ đều có mặt bởi họ biết chắc chắn rằng tại phòng khám luôn có bệnh nhân đang chờ đợi mình.

Tủ thuốc không vơi

Người dân khu phố Đại Từ, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) luôn yên tâm khi có hàng xóm là bác sĩ Nguyễn Duy Quảng – người đã lập tủ thuốc bằng tiền lương hưu của mình và khám chữa bệnh miễn phí cho họ.


Bác sĩ Nguyễn Duy Quảng

Ông vốn là người gốc Hà Nội, thi đỗ trường Đại học Y Hà Nội năm 1956. Sau 5 năm ra trường, ông về Hải Phòng công tác khám chữa bệnh, cứu chữa bộ đội ngay trong lòng thành phố. “Ra trường, tôi vào Bệnh viện Việt – Tiệp làm việc. Ban đầu, tôi chuyên khoa nội nhưng sau do thiếu bác sĩ ngoại khoa nên tôi được cử sang Tiệp Khắc học thêm chuyên môn phẫu thuật ngoại khoa nhi. Những năm 1965, nhất là sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ ném bom ồ ạt xuống Hải Phòng, Quảng Ninh. Tôi được phân công công tác sơ cứu ban đầu nhìn cảnh người bị thương trong đó có cả bộ đội nằm la liệt mà anh em chúng tôi ai cũng chỉ mong có thêm tay, thêm chân để cứu chữa”, bác sĩ Quảng kể.

Sau khi về nghỉ hưu năm 2003, vợ chồng ông quyết định về lại quê gốc Hà Nội, sửa chữa ngôi nhà đổ vỡ, dột nát của ông bà, tổ tiên để sinh sống và thờ cúng. Đó là ngôi nhà trong làng Đại Từ này. Biết ông là bác sĩ có tài, có tâm, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, từng là phó giám đốc bệnh viện nên thỉnh thoảng hàng xóm có vấn đề gì lại sang nhờ ông xem giúp. Người này truyền tai người kia, số người tìm đến nhờ ông khám bệnh ngày càng nhiều.

“Ban đầu, tôi cũng có ý định nghỉ ngơi nhưng mọi người đến nhờ đông quá. Nhiều ông bố bà mẹ thấy con cái có những biểu hiện ốm đau là đem tới nhờ tôi xem giúp. Với những bệnh thông thường, biểu hiện nhẹ, trong khả năng, điều kiện có thể chữa được thì tôi khám chữa, cho đơn thuốc, còn nặng thì tôi khuyên gia đình chuyển lên bệnh viện để có điều kiện chữa trị hơn. Cùng thời gian đó, tôi nảy ra ý nghĩ làm tủ trữ sẵn những loại thuốc trị bệnh phổ thông mà các cháu thường gặp như viêm phổi, ho, dị ứng, thủy đậu, phát ban, cảm, ốm. Nghĩ là làm, khi tôi nói với bà nhà tôi thì bà ấy cũng đồng ý liền. Ông bà đã dùng một phần lương hưu để mua thuốc. Vì vậy, tủ thuốc nhà tôi không bao giờ vơi”, bác sĩ Quảng kể về ý định đóng tủ thuốc miễn phí cho người bệnh, chủ yếu là trẻ nhỏ.

Đã hơn chục năm qua, ông đã khám chữa bệnh cho không biết bao nhiêu người, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, nhưng có điều ông cũng không bao giờ hỏi tên, số nhà vì ông quan niệm, bệnh nhân đến khám bệnh, ông chữa khỏi bệnh là coi như xong. Chỉ với những bệnh nhân nặng, phải theo dõi lâu dài, hàng ngày phải đến tận nhà theo dõi thì ông mới nhớ số nhà, nhớ tên.


Để có thêm những bài thuốc dân gian mà hiệu quả, bác sĩ Quảng trồng thêm bạc hà, húng chanh trong vườn nhà. Bác sĩ Quảng cho biết, trẻ bị ho, có thể cho lá bạc hà hoặc húng chanh vào bát, cho thêm đường phèn hoặc mật ong vào hấp lấy nước uống. Thứ nước này rất lành, bổ, có thể uống vài lần một ngày, liều lượng tùy trẻ nhỏ hay lớn.

Tiếng lành đồn xa, không chỉ người dân xung quanh khu phố Đại Từ mà cả những khu vực lân cận, thậm chí người dân ở quận Hà Đông, Thanh Trì nghe nói bác sĩ Quảng mát tay cũng đưa con em tới nhờ điều trị.

Hình ảnh những mái đầu bạc trắng, tuy tuổi đã cao, những “bác sĩ U80” vẫn hàng ngày miệt mài đọc tài liệu y học để cập nhật những kiến thức mới, các loại thuốc mới để khám và giải thích, tư vấn bệnh tình cho từng người bệnh, đó là những tấm gương mẫu mực nhân lên những điều thiện, lòng nhân ái trong cuộc sống.

Nguyễn Hoan (tổng hợp)

Theo báo Năng Lượng Mới/ Petrotimes.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc