(Phụ Nữ Hiện Đại) – Tính từ ngày 08/08/2020, nước ta đã có 789 trường hợp mắc COVID19 (trong đó có 346 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam) và 10 trường hợp tử vong. Mỗi khi đọc được tin thêm một người nữa không thể vượt qua, ngoài cảm xúc xót thương, chúng ta càng lo lắng bất an hơn. Lo lắng không biết công việc có thể duy trì ổn định được hay không, lo lắng về sức khỏe bản thân và gia đình, và ngay cả nỗi lo lắng to lớn hơn về tình hình đất nước.
COVID19 bùng nổ lần thứ 2 tại Việt Nam (Nguồn: Internet)
Làn sóng COVID thứ hai tràn về và rõ ràng mạnh hơn, lây lan nhanh hơn, khốc liệt hơn lần thứ nhất rất nhiều. Hơn cả người dân bình thường, những người chủ doanh nghiệp, những nhà lãnh đạo càng lo lắng nhiều hơn vì họ đang chịu trách nhiệm đảm bảo cho cuộc sống của rất nhiều con người.
Vậy, lãnh đạo trong tình hình thông thường khác với lãnh đạo trong biến động như thế nào?
Thông thường, con người ta sẽ có thời gian cân nhắc đúng sai, nhận định và phân tích vấn đề một cách rõ ràng thấu đáo. Nhưng khi có khủng hoảng mang tính cộng đồng xảy ra, mọi người sẽ trở nên hoảng loạn, sợ hãi và nghĩ nhiều hơn về lợi ích và tính an toàn của bản thân. Do đó, họ sẽ không còn quan tâm nhiều đến lợi ích chung, tình trạng này dễ dẫn đến những hành vi quá khích và làm tình hình càng tồi tệ hơn. Chẳng hạn như, trong đợt đầu bùng phát dịch COVID19 ở Việt Nam, ở nhiều nơi đã xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua, tích trữ khẩu trang y tế và lượng thực phẩm lớn. Điều này khiến cho giá khẩu trang tăng vùn vụt đến mức cao ngất ngưỡng và nhiều người không thể mua được nữa. Bên cạnh đó, việc giữ thực lương thực phẩm lâu trong nhà nhưng không thể sử dụng hết, đến khi hết hạn phải vứt đi là một hành động vô cùng hoang phí.
Nhưng nhìn chung, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi đúng đắn để kiểm soát tình hình như kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: tạm dừng nhập cảnh, tạm dừng cấp thị thực, tạm dừng các chuyến bay, cách ly 14 ngày khi nhập cảnh, phong tỏa vùng dịch, cho học sinh nghỉ học, giãn cách xã hội và tập trung cao độ vào việc chữa trị người bệnh,…
Chúng ta là một trong những đất nước hiếm hoi có thể kiểm soát dịch COVID19 chỉ trong vòng 4 tháng từ tháng 1 đến tháng 4/2020. Sau khi giãn cách cã hội 15 ngày, trên cơ bản mọi hoạt động của người dân đã trở lại bình thường. Ở đợt đầu, dịch bệnh không cướp đi mạng sống của bất cứ người dân Việt Nam nào trong khi mỗi ngày trên thế giới trung bình có 5.900 người chết vì COVID19. Nhiều nước có nền kinh tế và y tế phát triển hơn chúng ta rất nhiều lại phải thán phục khả năng của Việt Nam.
Có thể nhận thấy rằng, trong tình hình mọi thứ đều không ổn định, cách dẫn dắt và ra quyết định của những người lãnh đạo là hết sức quan trọng. Là một nhà lãnh đạo, đầu tiên bạn phải có khả năng trấn an, xoa dịu nỗi lo sợ và tiếp thêm sức mạnh cho những người đi theo bạn. Tiếp đó là những biện pháp có thể giảm thiểu thiệt hại cho mọi người đến mức thấp nhất. Những quyết định được đưa ra trong thời kỳ khủng hoảng cần phải dứt khoát, nhanh chóng và cứng rắn. Bạn không có nhiều thời gian để cân nhắc như thông thường. Do đó, bạn cần có tư duy lãnh đạo vững chắc để nhận định vấn đề thật chính xác.
Theo Leonard J. Marcus và cộng sự (2020), khi có khủng hoảng xảy ra, một nhà lãnh đạo cần chuyển đổi sang trạng thái siêu lãnh đạo – một mô hình lãnh đạo đặc biệt rất cần thiết trong các tình huống khủng hoảng. Mô hình này gồm ba chiều kích định hình nên tầm nhìn toàn thể về vai trò lãnh đạo:
- Con người – chính là nhà lãnh đạo
- Tình huống đang cần được lãnh đạo
- Sự kết nối trong mạng lưới các bên liên quan
Ba chiều kích trên được sử dụng để xác định mức độ phức tạp, các mối quan hệ, và các mối tương thuộc quyết định sự thành công hay thất bại trong vấn đề giải quyết khủng hoảng. Siêu tư duy của một nhà siêu lãnh đạo chính là trách nhiệm cá nhân kết hợp với sức mạnh và lợi thế của việc tận dụng tập thể.
Vậy thì, lãnh đạo như thế nào để dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng?
Trong cuốn sách “Thuật lãnh đạo trong khủng hoảng và biến động” (2020), Leonard J. Marcus và cộng sự khẳng định tư duy siêu lãnh đạo hoàn toàn có thể áp dụng được cho các lãnh đạo doanh nghiệp khi họ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng đặc thù của riêng mình.
Cuốn sách Thuật lãnh đạo trong khủng hoảng và biến động
Quay lại với ba chiều kích của siêu lãnh đạo, đầu tiên là yếu tố “con người”, đó chính là xây dựng bản thân của người lãnh đạo. Bạn cần phải xác định được mình là ai? Động lực của bạn là gì? Làm thế nào để cân bằng giữa trí tuệ và bản năng? Đặc điểm nào của bạn thu hút người khác đi theo? Sau khi hiểu rõ bản thân, bạn mới có thể tập trung phát triển những mặt còn yếu và phát huy điểm mạnh của mình. Những việc một nhà siêu lãnh đạo cần phải rèn luyện nhuần nhuyễn bao gồm một bộ não siêu lãnh đạo: làm thế nào để bạn loại bỏ mọi sự sao nhãng, tập trung vào các dữ kiện cần thiết và suy nghiệm vấn đề; một chiều sâu về trí tuệ cảm xúc (EQ): khả năng tự nhận thức, sự đồng cảm và kỹ năng xã hội; và sự tin tưởng: bạn phải có những người đi theo mình thì bạn mới là nhà lãnh đạo đích thực, sự tin tưởng là nền tảng cho uy tín cá nhân của nhà siêu lãnh đạo.
Yếu tố thứ hai là “tình huống”. Đối với siêu lãnh đạo, “tình huống” có hai mặt: (1) điều gì đang diễn ra và (2) cần phải làm gì để ứng phó với nó. Bạn phải nhận thức được rằng bạn hay bất kỳ ai khác đểu không thể nhìn ra bức tranh toàn cảnh, bạn sẽ phải tiếp thu ý kiến của nhiều người khác và biết cách lồng ghép và kết hợp những góc nhìn khác nhau lại để phát hiện được những điều mà trong các bối cảnh khác sẽ khó nhận biết. Đây gọi là “lối tư duy hình nón trong hình lập phương”.
Cuối cùng là yếu tố “sự kết nối”. Sự kết nối trong siêu lãnh đạo là một bài luyện tập mang tính xã hội để gieo trồng, nuôi dưỡng, và xây dụng giá trị giữa người với người hướng đến những mục tiêu có kết nối với nhau. Khi xảy ra khủng hoảng, nhiều người và nhiều thực thể sẽ cùng tham gia – đó có thể là cấp tên, cấp dưới, khách hàng, người quan sát, giới truyền thông, hay các nhà đầu tư – tất cả đều liên kết với nhau. Bạn phải biết cách tận dụng các mối quan hệ này để đạt được thành quả thay vì mặc họ tạo áp lực cho bạn hoặc xảy ra mâu thuẫn và mọi thứ sẽ càng rối tung.
Sự kết nối là một yếu tố quan trọng trong siêu lãnh đạo
Rủi ro có thể xảy ra bất cứ khi nào trong quá trình vận hành một đất nước hay doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ dịch COVID19 đang bùng phát lần thứ hai tại Việt Nam như hiện nay. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng như lãnh đạo quốc gia cần nắm bắt đầy đủ ba chiều kích của Siêu lãnh đạo để giúp công ty hay đất nước của mình đứng vững trong đại dịch, và phục hồi trong giai đoạn Hậu COVID. Điều quan trọng nhất là phải đồng sức đồng lòng và hiểu rằng mỗi bên có quan điểm khác nhau về vấn đề. Đó là điều kiện tiên quyết để vượt qua khủng hoảng và biến động.
Về các tác giả: Leonard J. Marcus, Eric J.McNulty, Joseph M. Henderson, and Barry C.Dorn là những trụ cột của Sáng kiến Huấn luyện Lãnh đạo Sẵn sàng Ứng phó Quốc gia (NPLI), một chương trình của Đại học Harvard. Học viên của chương trình này trở thành những nhà lãnh đạo chiến dịch ứng phó với các khủng hoảng như đại dịch H1N1, sự cố tràn dầu của giàn khoan Deepwater Horizon, siêu bão Sandy… Về cuốn sách “Thuật lãnh đạo trong khủng hoảng và biến động”: Đây là cuốn sách được đúc kết từ những kinh nghiệm lãnh đạo thực tế và quá trình giảng dạy đầy giá trị của các tác giả. Vì thế, bạn sẽ không bị “chìm nghỉm” trong một loạt những lý thuyết suông sáo rỗng, mà sẽ là “đắm chìm” trong bể tri thức với những dẫn chứng hết sức cụ thể về các tình huống lãnh đạo thực tế trong khủng hoảng đã xảy ra trong quá khứ. |
Thiên Ngân/ Thaihabooks
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media