Việt Nam đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4 với nhiều sự thay đổi đáng kể. Hãy cùng Tạp Chí Sức Khỏe đi tìm những khác biệt trong đợt dịch lần này với sự chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1.

1/ Chào BS, hiện nay đã là đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn ra tại Việt Nam và đang là đợt dịch có số lượng lây nhiễm và người mắc tăng theo cấp số nhân. Đâu là nguyên nhân chính, thưa BS?

Nguyên nhân chính là do chủng virus mới có khả năng lây rất nhanh. Thứ hai là dịch đã tấn công vào khu công nghiệp, những nhà máy mà các công nhân ở đó làm việc gần nhau, nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao. Thứ ba có thể là chủng virus này đã xuất hiện ở những khu đó lâu rồi. Chính vì thế, đợt dịch lần này chúng ta sẽ thấy số ca tăng nhanh và nhiều hơn.

BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Nội thần kinh BV Nhi Đồng 1

2/ Với vai trò là cố vấn chuyên môn phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM, BS đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của đợt dịch lần này và dự đoán tình hình kiểm soát dịch bệnh của nước ta trong thời gian tới?

Hiện chúng ta đang đối diện với nhiều nỗi lo. Thứ nhất là khu công nghiệp ở Bắc Giang sẽ giải quyết như thế nào và đã lây ra cộng đồng ở Bắc Giang chưa? Thứ hai, ở những tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Điện Biên đã được khoanh vùng ra sao? Theo tôi được biết, tại Hà Nội cũng đang được khoanh vùng và bắt đầu có những hình thức giãn cách theo từng cụm. Còn Đà Nẵng hiện nay đã khá ổn và cơ quan chức năng đã chủ động xét nghiệm ở trong các khu công nghiệp rồi. TP.HCM đã lên lịch phòng ngừa cho công nhân các khu công nghiệp và đang không ngừng truy vết, khoanh vùng những ca mới một cách nhanh chóng. Nếu chúng ta cứ làm tốt như vậy thì những nơi không phải ổ dịch lớn như ở Bắc Giang, Bắc Ninh thì khoảng 2 tuần nữa có thể tình hình sẽ ổn. Ngược lại, Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tâm dịch lớn vẫn phải chờ xem kết quả xét nghiệm ở bên ngoài thì mới đánh giá lại được mức độ nguy hiểm, lây lan trong cộng đồng của những người không phải trong khu công nghiệp là như thế nào. Nếu chẳng may lây ra cộng đồng thì chắc chắn mọi việc sẽ trở nên lâu và khó khăn hơn rất nhiều.

3/ Đã có trường hợp tử vong hoặc gây biến chứng nặng đối với cả những người trẻ, không có bệnh nền trong đợt dịch lần này. Có phải là nguyên nhân đến từ các chủng Virus mới? Và những chủng này khác như thế nào so với Sar-CoV-2 trước đây?

Cho tới hiện nay vẫn chưa thể kết luận được ca nặng đó có phải là do chủng virus mới hay không. Bởi vì khi với số ca mắc bệnh lên tới vài ngàn ca, chắc chắn sẽ có tỷ lệ nhất định người trẻ bị nặng. Trong tài liệu cũng không hề nói là tuổi trẻ, không bệnh nền thì sẽ không bị Covid-19 nặng. Cho nên đây là điều mà những người trẻ phải hiểu được là nếu không may mình cũng sẽ rơi vào tình trạng trở nặng như thế. Đừng nghĩ như vậy mà lơ là trong phòng ngừa. Số lượng bệnh đông thì chắc chắn phải có ca người trẻ nặng thôi. Chứ còn xác định chủng này như thế nào thì cho tới hiện nay ta chỉ thấy là nó lây nhanh hơn chủng ban đầu chứ chưa có đánh giá là nó sẽ nặng hơn.

4/ Có một vài ca mắc mới đây là những bệnh nhi còn rất nhỏ. Mức độ nguy hiểm của Covid-19 đối với trẻ em như thế nào so với người lớn? Và các phụ huynh phải lưu ý những gì để bảo vệ trẻ trong mùa dịch?

Cho tới hiện nay cả ở những nước có ca mắc Covid-19 rất nhiều, người ta vẫn thấy trẻ em dưới 9 tuổi có tỷ lệ mắc ít hơn và nhẹ hơn so với người lớn. Nhưng cũng giống như người trẻ, nếu số lượng nhiễm bệnh nhiều thì chắc chắn cũng sẽ có ca nặng. Theo nghiên cứu, cho tới hiện nay hệ miễn dịch của trẻ em với Covid-19 là tốt hơn người lớn.

Về cách để bảo vệ trẻ khỏi Covid-19, cần hiểu: trẻ em dưới 5 tuổi thường chỉ bị lây từ người lớn. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho con thì chính bản thân chúng ta cần phải bảo vệ được mình. Còn đối với những trẻ lớn hơn thì phải khuyên trẻ trong giai đoạn hiện nay khi đi học xong thì nên trở về nhà, không nên la cà ở nơi khác. Đặc biệt những em này có lúc sẽ mở khẩu trang ra và không tuân thủ 5K. Nên phụ huynh cần phải nhắc nhở một cách nghiêm túc việc này.

5/ Thưa BS, hiện nay đã có vắc xin ngừa Covid cho trẻ chưa? BS đánh giá như thế nào về mức độ hiệu quả của các loại Vắc xin đang được sử dụng hiện nay tại Việt Nam và trên Thế giới. Liệu đã tìm ra được một giải pháp tối ưu?

Hiện nay trên thế giới chỉ mới có hãng Pfizer, Mordena, Johnson & Johnson là đang chuẩn bị nghiên cứu vắc xin cho trẻ từ 12-18 tuổi, những vắc xin khác đều yêu cầu người được tiêm phải đủ từ 18 tuổi trở lên và chưa dành cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Hiện tại các vắc xin mặc dù tỉ lệ không ngừa được 100% nhưng quan trọng nhất là ngừa được 100% những trường hợp bệnh nặng và tử vong, theo tôi như vậy đã là đủ. Nguồn cung cấp vắc xin phổ rộng cho toàn dân rồi sẽ đủ. Lúc đó không cần 100%, chỉ với 70% thôi là sẽ ngăn được dòng lây của virus này. Và nếu bệnh này không tử vong hay không phải nhập viện thì nó cũng chỉ là một dạng bệnh cúm thông thường. Tóm lại, chỉ có vắc xin mới giải quyết được vấn đề này.

BS Trương Hữu Khanh

Trưởng khoa Nhiễm – Nội thần kinh BV Nhi Đồng 1

Theo Tạp chí Sức Khỏe

Bệnh viện Hạnh Phúc