Ở thời đại mà nhiều người chỉ muốn cắm đầu làm việc và không chịu nghỉ ngơi thì Alex Soojung-Kim Pang, một nhà tư vấn tại Silicon Valley nói điều ngược lại: “Mọi người nên nghỉ ngơi vì sức khỏe và hạnh phúc của mình”. Theo Pang, những lúc “phè cánh nhạn” như vậy sẽ làm tăng hiệu quả công việc so với cứ miệt mài làm việc bất kể ngày đêm.

Trong quyển sách mới xuất bản năm 2016 của Pang về câu chuyện này, ông đã tạo ngạc nhiên cho người đọc. Ở đó, ông nêu ra nhiều bằng chứng từ thói quen của các nghệ sĩ có tiếng, các doanh nhân thành đạt, cho thấy hóa ra con người có thể thành công hơn trong nhiều mặt của cuộc sống nhờ làm việc ít đi về mặt thời gian và theo đuổi việc nhàn nhã. Những người này dành thời gian cho luyện tập thể dục hoặc theo đuổi các thú vui cá nhân để lấy lại năng lượng và sẵn sàng tập trung cao độ vào những việc thực sự có ý nghĩa.

lam-viec-it-di-giup-tang-hieu-qua-cong-viec-qtkd-696-2017-ok

Tạp chí trực tuyến HR Magazine đã phỏng vấn Pang về nội dung quyển sách này, được David Ward, một nhà báo ở North Carolina thuật lại. Có bảy câu hỏi được nêu ra và dưới đây là tóm tắt về những gì Pang đã trả lời:

– Điều gì khiến cho con người quên đi nghỉ ngơi?

Chúng ta thường nghĩ không tích cực về thời gian nghỉ ngơi là vì lúc đó công việc bị ngưng lại. Và chúng ta lại muốn danh mục việc cần làm phải luôn kết thúc hoàn hảo. Vấn đề là, trong nền kinh tế tri thức hoặc dịch vụ chúng ta thường chỉ nghĩ về khách hàng và các dự án chưa kết thúc, nhưng rồi sẽ phải nhìn nhận lại như thế nào mới đúng là “kết thúc” cho công việc.

– Khoa học từng nói gì về hậu quả của làm việc kéo dài quá nhiều giờ?

Ai cũng có khả năng làm việc kéo dài. Vấn đề là công việc ở doanh nghiệp thường đòi hỏi làm nhiều giờ kể cả phải làm quá giờ nữa. Ví dụ làm 40 giờ mỗi tuần kéo dài trong sáu đến tám tuần hay hơn vậy nữa thì một đầu việc mới “xong”. Trong hoàn cảnh đó, người làm việc bắt đầu phạm sai lầm nhiều hơn. Tinh thần và sức khỏe mọi người bắt đầu bị thử thách, nhất là khi không ai nhìn ra lý do vì sao mình phải “căng” như vậy. Việc ngủ gục trên bàn làm việc nên quy về việc người quản lý lập kế hoạch kém cho dự án.

– Quyển sách (của Pang) biện hộ cho “phè cánh nhạn”. Liệu điều gì sẽ xảy ra đây?

Cần có những khoảng lặng để nghỉ ngơi, để bộ não và cơ thể có cơ hội nạp lại năng lượng, kích thích và duy trì sự sáng tạo. Khi chủ động làm việc này, người ta sẽ tổ chức lại ngày làm việc của mình. Chính họ mới thấy là ngay cả khi mọi người nhìn thấy họ như “ngồi ỳ” một chỗ thì thực ra điều đó rất cần thiết cho khả năng làm việc hiệu quả của họ.

– Có một tỷ lệ lý tưởng nào để pha trộn công việc với nghỉ ngơi không?

Một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên của tôi là cả một ngày làm việc con người chỉ tập trung làm hiệu quả tối đa bốn giờ. Vậy nên, cần phân định thời gian theo kiểu làm ra làm, nghỉ ra nghỉ.

– Những khoảng thời gian nghỉ ngơi nào là hiệu quả?

Làm chủ những khoảnh khắc nghỉ ngơi bằng cách phối hợp giữa những lúc làm việc cật lực với việc đi lại, chạy và các hoạt động khác. Việc ngắt quãng trong công việc đang làm cũng là dịp để những ý tưởng sáng tạo ở phía tiềm thức có cơ hội cùng tham gia vào những vấn đề đang được giải quyết.

– Trang bị bàn bóng bàn, sân chơi bóng… để khuyến khích nhân viên nghỉ ngơi giữa công việc có phải là bước đi đúng không?

Điều đó là tốt. Vì thể lực giúp con người sẵn sàng cho những việc đầy thách thức. Vấn đề là phải kéo mọi người ra khỏi sự tập trung vào công việc dài ngày, để về đường dài làm việc hiệu quả hơn.

– Vai trò của người làm nhân sự theo hướng này nên thế nào?

Họ nên khuyến khích cấp quản lý và nhân viên nghỉ ra nghỉ, làm ra làm, giúp mọi người thấy được hiệu quả công việc của họ tăng lên khi thoát khỏi cảnh quá tải và căng thẳng từ công việc. Nên phối hợp với bộ phận công nghệ thông tin tạo ra các thời điểm “ngắt” việc: ngưng hệ thống công nghệ thông tin theo kế hoạch các đêm và trong tuần, không để các buổi họp quá dài giờ, kéo qua buổi trưa. Cần có các phép đo cho điều này. Phép đo ấy sẽ so sánh được hiệu quả công việc cá nhân với cách tổ chức lại việc nghỉ ngơi, mà trước hết là tổ chức phép đo minh chứng cho việc càng kéo dài thời gian làm việc thì kết quả công việc càng tệ hại.

  • Trương Chí Dũng, Giám đốc R&D, Công ty L&A

 

Theo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần

Bệnh viện Hạnh Phúc