Ngày 29/10/2017, tại không gian của Nest by AIA, chương trình “Cafe cùng Doanh nghiệp” chiều chủ nhật thường kỳ với chủ đề “Chủ động thời gian và kiểm soát căng thẳng (Stress)” đã thu hút đông đảo người tham dự bởi độ “nóng” của chủ đề cũng như sự có mặt của các diễn giả.
Chương trình do Ủy ban truyền thông và thương hiệu, Saigonbiz tổ chức phối hợp với sự đồng hành địa điểm Nest by AIA và đơn vị hỗ trợ nhãn hàng Love Stone. Các diễn giả xuất hiện trong chương trình này gồm: ông Robert Trần (CEO USA, Canada & Asia Pacific – Robenny Corporation), bà Miên Thảo (Nghệ sỹ Body Painting) và ông Phan Trần Quân (Master of Business & Marketing Management; Senior Business Consultant of Quaffela).
Từ trái sang phải: ông Mai Xuân Dưỡng (Đại diện Love Stone) – ông Phan Trần Quân – bà Miên Thảo và ông Robert Trần
Theo các diễn giả, có một sự liên hệ mật thiết giữa việc không chủ động thời gian thì sẽ khó kiểm soát được căng thẳng, nên chương trình Cà phê cùng doanh nghiệp đã tổ chức buổi nói chuyện về chủ đề “Chủ động thời gian và kiểm soát căng thẳng (Stress) để giúp người tham dự có thể làm chủ được thời gian, giảm bớt căng thẳng và làm việc hiệu quả hơn. Từ đó, sẽ đạt nhiều thành công trong công việc và có cuộc sống hạnh phúc.
Đại diện của nest by AIA (trái) giới thiệu về không gian tổ chức và ông Phan Trần Quân (phải)
Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với nhiều tranh luận thú vị của cả diễn giả lẫn người tham dự, đem lại cho người xem có nhiều góc nhìn mới về cách chủ động thời gian và vấn đề kiểm soát sự căng thẳng. Bắt đầu buổi nói chuyện, nghệ sĩ Body Painting Miên Thảo chia sẻ về vấn đề của chị, cách đây vài ngày chị đã rơi vào tình trạng “mất lửa”, trong khi bản thân chị luôn là “người truyền lửa” cho xung quanh. Đó cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm, bởi vì, là một người kiểm soát tốt áp lực và căng thẳng, thế nhưng đến một ngày, bản thân chị Miên Thảo cũng rơi vào trạng thái bị áp lực và mất đi nhiệt tình với công việc. Từ đó, có thể cho thấy rằng, áp lực và căng thẳng không chừa bất cứ một ai. Chúng có thể đến thăm và ở lại với bất cứ người nào.
Cũng từ đây, các diễn giả đã đi vào tranh luận về vấn đề: Vậy có phải tất cả mọi trạng thái căng thẳng mà mọi người cảm thấy mình đang mắc phải đều là căng thẳng (Stress) hay không hay chỉ dừng lại ở mức độ áp lực. Diễn giả Robert Trần cho rằng: “Trước hết phải phân biệt là áp lực (pressure) hay stress bởi vì nếu không sẽ đi sai đường. Và cũng cần phải nhìn nhận, xem xét đúng mức độ của vấn đề để có cách loại trừ căng thẳng (stress) hợp lý. Bởi vì, đôi khi thực tế không phải bị stress mà chỉ dừng lại ở mức độ áp lực nhưng nếu bản thân mình nghĩ mình đang stress thì có thể mình sẽ bị stress thật.”
Các diễn giả Phan Trần Quân, Miên Thảo và Robert Trần đang tranh luận
Từ đó, các diễn giả đi vào phân tích nguyên nhân dẫn đến áp lực hay căng thẳng, một trạng thái tinh thần thường xuyên xuất hiện ở mọi người, nhất là những thành phố lớn hiện đại ngày nay. Các diễn giả cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến stress, như: làm việc với máy móc quá nhiều; không biết cách sắp xếp công việc một cách khoa học; làm việc nhưng không tập trung; không biết tận dụng thời gian, với những công việc có thể giải quyết bằng một cuộc điện thoại 30 giây thì lại giải quyết bằng cách chat trên facebook, zalo… Việc này nối tiếp việc kia gây lãng phí thời gian trong khi không giải quyết công việc một cách triệt để, nhanh, gọn, khiến người làm việc mệt mỏi. Khi sự mệt mỏi đó được dồn nén thì lâu ngày sẽ tạo môi trường cho sự căng thẳng sớm đến thăm.
Buổi tọa đàm đã thu hút đông đảo người tham dự
Vậy khi nào, mỗi chúng ta biết rằng bản thân đã bị stress. Diễn giả Robert Trần cho rằng khi mỗi người có dấu hiệu hay quên, tóc bị rụng nhiều, thường xuyên mệt mỏi. Đặc biệt, ông cũng chỉ ra một nguyên nhân về mặt tâm lý khiến mọi người dễ bị stress, đó là một trong những vấn đề của xã hội hiện đại hiện nay là môi trường làm việc máy vi tính và lạm dụng từ stress, mà khi sử dụng nó quá nhiều sẽ gây ra hiệu ứng, có thể dẫn đến stress thật.
Nghệ sĩ Body Painting Miên Thảo lại cho rằng “Stress như hơi thở và mọi người sẽ lựa chọn cho mình cách giảm stress khác nhau, tùy vào hoàn cảnh và phù hợp với mỗi người.”
Tham dự vào buổi tọa đàm, nhiều khách tham dự cũng bàn luận sôi nổi. Nhất là về vấn đề làm thế nào để giảm stress. Một khán giả chia sẻ: “Khi cảm thấy căng thẳng, thì tôi sẽ chạy bộ, sau đó về tắm thì sẽ hết”. Một khán giả ở độ tuổi teen có cách giảm stress cũng khá thú vị, đó là sẽ cùng bạn bè đi ăn và chụp hình tự sướng để đăng lên các mạng cộng đồng và bình luận. Một khán giả khác cho rằng: “Tôi thích trồng cây nên khi cảm thấy mệt mỏi, tôi thường đi trồng cây, chăm sóc cây cối. Khi ấy, sự căng thẳng trong tôi được giảm dần”. Các khán giả khác cũng lần lượt chia sẻ thêm, có thể đi chùa hoặc tìm bạn bè để kể về những lo lắng, mệt mỏi… sẽ giúp giảm stress.
Và tranh luận sôi nổi
Đồng tình với cách giảm stress của các khán giả, chị Miên Thảo cũng chia sẻ thêm: “Áp lực từ công việc là nguyên nhân lớn dễ dẫn chúng ta đến stress. Nên tôi nghĩ cần có kế hoạch làm việc rõ ràng về mặt thời gian. Trước đây, khi dạy cho trường Nhật, tôi ghi chú và sắp xếp lịch làm việc chi tiết, cụ thể và rất tỉ mỉ. Đó là cách giúp tôi chủ động thời gian trong công việc và phòng tránh stress.”
Ông Robert Trần thì đi sâu vào vấn đề nguồn gốc stress. Phải hiểu rõ nguồn gốc stress mới có thể có cách giảm stress hiệu quả nhất. Ông cho rằng có 2 loại căng thẳng. Loại căng thẳng từ bên ngoài là do sự tác động của những yếu tố từ bên ngoài. Và loại căng thẳng từ bên trong là do sự tác động của bản thân tính cách của người bị stress. Diễn giả Robert Trần cũng chia sẻ thêm: “Căng thẳng từ bên ngoài dễ giải quyết hơn là căng thẳng từ bên trong.”
CEO Robert Trần có cách giúp giảm stress khá thú vị trên góc độ tâm lý học. Dựa vào việc trắc nghiệm và trả lời một số câu hỏi, ông Robert Trần chỉ ra tính cách của người được trắc nghiệm và có cách giảm stress phù hợp với tính cách ấy. Ví dụ, ông đưa ra các câu hỏi và người bị stress sẽ trả lời để xác định học thuộc kiểu tính cách nào: Ai là người tự tin mình giỏi sắp xếp thời gian và tự trong việc chia sẻ trước công chúng? Ai là người tự tin mình giỏi nhưng không tự tin trong việc chia sẻ trước công chúng?… Nếu một người thuộc kiểu stress từ bên ngoài thì sẽ giải quyết các nguyên nhân từ bên ngoài, còn nếu một người thuộc kiểu tính cách cầu toàn sẽ dễ bị stress do chính đòi hỏi về sự hoàn thiện của bản thân nên cách giảm stress là đi giải quyết về chính bản thân họ. Cũng từ đây, CEO Robert Trần cho rằng, khi dựa trên các tính cách để chọn người đồng hành phù hợp trong công việc cũng là một trong những cách giúp phòng tránh stress và tạo ra những nhóm cùng làm việc hiệu quả.
Với góc nhìn của một người vừa làm nghệ thuật, vừa kinh doanh, chị Miên Thảo khẳng định: Trong nghệ thuật, khi làm việc cũng cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết. Và đặc biệt, đôi khi áp lực lại trở thành động lực để chị làm việc hiệu quả và có nhiều sáng tạo. Điểm quan trọng là phải biết buông bỏ bớt những vấn đề không cần thiết. Về vấn đề này, ông Phan Trần Quân và Robert Trần cũng đồng tình với ý kiến của chị Miên Thảo và kết luận: “Nếu áp lực đến từ bên trong thì nó thuộc về tính cách, hãy chọn những công việc phù hợp với tính cách. Nếu áp lực từ bên ngoài thì tạm thời chọn việc khác để làm và bình tĩnh xem xét nguyên nhân gây ra áp lực để giải quyết vấn đề một cách triệt để.”
Từ sự chia sẻ của các diễn giả và khán giả cho thấy áp lực và căng thẳng không phải một vấn đề mà khi nói đến nó chỉ có tiêu cực như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ. Tùy theo tính cách và nguồn gốc của căng thẳng mà mỗi người sẽ chọn cho mình cách giảm stress phù hợp và hiệu quả. Nhất là phải chủ động được thời gian và có sắp xếp lịch làm việc cụ thể. Tuy nhiên, với những ai biết tận dụng áp lực thì sẽ biết cách biến nó thành chất xúc tác để làm việc, sáng tạo, thậm chí từ đó có thể tạo ra nhiều thành tích mới. Bởi vì, có những người làm việc theo kế hoạch nhưng có những người chỉ hoàn thành tốt công việc khi có áp lực.
Ban tổ chức, các diễn giả cùng khách tham dự chụp hình lưu niệm cuối chương trình