Đóng vai máy bay, chim hải âu, đại bàng, túi nhựa, nàng tiên cá, ống hút, hàng cây… kể lại những câu chuyện về biển, rừng, đất, bầu trời là cách mà học sinh lớp 10D3 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) sử dụng để học môn văn.
Cô Đồng Thị Hoàng Ly (giữa) cùng học sinh lớp 10D3 “khoe” những câu chuyện về môi trường trong tiết học
Phương pháp độc đáo này lần đầu tiên được cô Đồng Thị Hoàng Ly (giáo viên môn văn của trường) xây dựng trong tiết học “Thực hành miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự”. Bằng cách này, cô Ly hy vọng sẽ tạo ra sự mới mẻ, thích thú cho học sinh trong môn học, đồng thời lồng ghép những thông điệp nhân văn về bảo vệ môi trường qua chính những trải nghiệm, cảm nhận thực tế của học sinh.
Văn học là đời sống!
“Thông thường, khi học bài “Thực hành miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự”, học sinh sẽ được viết một đoạn văn tả, kể về cái này, cái kia. Giáo viên sẽ đọc, nhận xét một vài đoạn và chỉ cho các em miêu tả ra sao, biểu cảm thế nào. Điều này chỉ rèn được cho các em về kỹ năng mà hầu như không mang theo thông điệp giáo dục nào, học sinh cũng cảm thấy nhàm chán khi học văn, viết biểu cảm mà không hề có… biểu cảm”, cô Ly nêu vấn đề.
Từ cách nhìn nhận đó, đặt trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh hoạt động giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, cô Ly đã mạnh dạn làm mới hoạt động dạy học, gắn nội dung bài học với chủ đề bảo vệ môi trường. “Yêu cầu đặt ra cho học sinh là hãy sáng tác một câu chuyện về môi trường, kể lại câu chuyện đó bằng văn tự sự cùng những biểu cảm của nhân vật ở một trong 3 chủ đề là bầu trời, biển và đất. Học sinh trong lớp được chia ra 11 nhóm, mỗi nhóm có 4 em. Các nhóm sẽ bốc thăm để lựa chọn chủ đề và có thời gian là 4 ngày để chuẩn bị về nội dung và hình thức thể hiện trước khi bước vào tiết học”, cô Ly chia sẻ.
Những thông điệp ý nghĩa
Trong tiết học, mỗi nhóm có thời gian 15 phút trình bày về câu chuyện của mình. Bằng hình thức nhân cách hóa, các đồ vật vô tri vô giác như túi nhựa, ống hút, mầm cây xanh, máy bay… đều trở nên có tâm hồn, suy nghĩ và hành động với những biểu cảm khác nhau, mở ra những câu chuyện vui buồn về môi trường dưới góc nhìn của học sinh. Với câu chuyện của một ống hút nhựa “lạc” vào rừng Amazon từ sự thiếu ý thức của một nhà thám hiểm. Tại đây, ống hút có thêm nhiều bạn mới là cây cối và con thú trong rừng. Câu chuyện được đẩy lên cao trào bằng đám cháy rừng từ tàn thuốc lá. Những người bạn của ống hút nhựa không một ai thoát ra khỏi đám cháy. Riêng ống hút nhựa với tuổi thọ trên 500 năm cùng cấu trúc phân tử đặc biệt, chỉ bị biến dạng dưới ngọn lửa. “Khi xây dựng hình tượng ống hút nhựa, chúng em cố tình cho ống hút chỉ có khuôn mặt và thân mà không có tay chân, với hàm ý rằng ống hút nhựa đặt ở đâu là do chính ý thức của con người. Với câu chuyện này, chúng em mong muốn tác động đến suy nghĩ và hành động của con người, thay đổi từ những điều nhỏ nhặt nhất là một chiếc ống hút”, Nguyễn Yến Linh (thành viên nhóm thực hiện câu chuyện “Xin chào, tôi là ống hút nhựa!”) chia sẻ.
Cũng lấy bối cảnh rừng Amazon nhưng nhóm của Phan Quỳnh Bảo Lam lại kể về hành trình trưởng thành của một mầm xanh sinh ra tại rừng thông qua câu chuyện “Bạn có nghe?”. Trong hành trình trưởng thành ấy, mầm xanh chứng kiến “người bạn rừng” cứ vô tư cho loài người rất nhiều thứ, để rồi đi từ sự thán phục, thần tượng trước thành quả của con người đạt được đến sự thất vọng, căm phẫn khi con người chỉ biết “đứng nhìn người bạn rừng” quằn quại kêu cứu trong đám cháy. “Lựa chọn mầm xanh với những suy nghĩ và tâm hồn ngây thơ như một đứa trẻ, nhóm sẽ dễ miêu tả, tự sự và có nhiều điều để kể. Câu chuyện không chỉ là lời trách của rừng trước hành động tàn phá của con người mà còn là lời nhắn nhủ đến con người rằng “Hãy lắng nghe!”. Thiên nhiên cũng có linh hồn, cũng biết thương, biết giận. Khi thiên nhiên còn chưa nổi giận, con người hãy lắng nghe và hành động để sống có trách nhiệm và yêu thương thiên nhiên”, Bảo Lam bày tỏ suy nghĩ.
Trong khi đó, “Nhật ký một ngàn năm” là chuyến chu du trong lòng đại dương của một túi nhựa. Bằng nét vẽ và giọng kể hồn nhiên, túi nhựa trải qua cả ngàn năm sự sống, chứng kiến những đổi thay, tàn phá ghê gớm của môi trường biển. “Kể về biển nếu như chọn lựa một con vật nào đó thì câu chuyện quá quen thuộc, không gây được tính tuyên truyền cao. Để chính túi nhựa kể về hành trình của mình với biển vừa mới mẻ, vừa gây được sự chú ý. Xuyên suốt câu chuyện, thông điệp được nhóm đưa ra là con người hãy cân nhắc lại hành động của mình, hãy ngưng xả rác ra biển…”, Mai Thị Quỳnh Như (thành viên nhóm thực hiện câu chuyện) cho biết. Đi từ chính góc nhìn, sự cố chấp của người trẻ, nhóm của Phan Thị Minh Huyền đã xây dựng câu chuyện “Nỗi lòng của đại dương” bằng tính cách của một học sinh lớp 10 trong chuyến đi chơi cùng bạn bè ở biển. “Người trẻ có thể rất hiểu về vấn đề bảo vệ môi trường nhưng không phải ai cũng bắt tay vào thực hiện. Đôi khi chỉ nghĩ là: “À, chỉ là một chiếc ống hút, một hộp sữa… có đáng gì đâu. Nhưng hãy thay đổi ý thức của mình, bắt đầu bảo vệ môi trường từ chính những hành động nhỏ”, Minh Huyền nhấn mạnh.
Tiết học thú vị
“Để xây dựng được một câu chuyện chứa đựng những thông điệp ý nghĩa, cả nhóm phải làm việc ăn ý, bàn bạc, tìm kiếm các tư liệu ô nhiễm của rừng, biển hay bầu trời. Cốt truyện thế nào, vẽ làm sao. Khi trình bày trên lớp, phải sắm vai đọc biểu cảm, tự sự như thế nào… Ngoài kiến thức làm văn thực tế, chúng em còn học được nhiều điều khác như cách thức làm việc nhóm nhằm phát huy khả năng của bản thân, ý thức bảo vệ môi trường…”, Nguyễn Yến Linh (lớp 10D3) cho hay.
Với tiết dạy học đặc biệt này, cô Ly hy vọng mở ra thêm một cánh cửa của trí tưởng tượng, sự sáng tạo gắn với trách nhiệm tuổi trẻ cho học sinh. “Văn học là cuộc sống. Văn học chỉ gần gũi khi thật sự đi vào đời sống. Các em học sinh rất sáng tạo, những câu chuyện với màu sắc thực tế gần gũi, nét vẽ tài tình… khiến tôi cũng phải giật mình. Ở đây, tôi không chỉ khuyến khích học sinh biết tưởng tượng, biết tìm tòi khám phá mà còn mong muốn các em học văn bằng chính niềm say mê”, cô Ly chia sẻ.
Nguồn: giaoduc.edu.vn
https://www.giaoduc.edu.vn/lam-moi-tiet-hoc-mon-van.htm