Đó là bởi, việc té ngã sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người già. Hơn nữa, việc các cụ phục hồi sau té ngã cũng rất khó khăn.
Chưa có con số thống kê cụ thể về các tai nạn thường xảy ra tại Việt Nam, nhưng theo các chuyên gia điều trị về lão khoa, té ngã là tai nạn thường gặp nhất ở người già (trên 65 tuổi). Ngã không gây tử vong ngay ở người lớn tuổi nhưng lại là nguyên nhân của hàng loạt những tổn thương do té ngã, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người già như: gãy cổ xương đùi, xương cột sống, viêm phổi… Nguyên nhân chủ yếu khiến người già ngã trong nhà thường là cầu thang, nhà vệ sinh, lối đi, phòng ở… thiết kế chưa phù hợp với sinh hoạt của người lớn tuổi, trong khi họ có những bệnh lý đi kèm.
Tránh để các cụ ngã vì việc phục hồi sẽ rất khó khăn và không thể trở về như ban đầu |
» TÉ NGÃ DO SÀN NHÀ TRƠN, CẦU THANG VÀ TÁC DỤNG PHỤ CỦA THUỐC
Việc té ngã ở người già khác với người trẻ rất nhiều. Phần lớn người trẻ ngã do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, còn ở người lớn tuổi, chủ yếu do điều kiện sinh hoạt trong gia đình như: sàn nhà trơn trượt (trong khi người già giữ thăng bằng kém), cầu thang dốc – cao, nhà vệ sinh không có tay vịn. Bên cạnh đó, phải kể thêm nguyên nhân là do ảnh hưởng những bệnh lý của người lớn tuổi như: mắt kém, cao huyết áp, tụt huyết áp tư thế, tiểu đường, do tác dụng phụ khi dùng thuốc (gây chóng mặt, tụt huyết áp…), thiếu máu ở người già (khoảng 30% là do thiếu sắt, do suy thận, đái tháo đường, các bệnh mạn tính…).
Trong đó, nhà tắm là nơi nguy hiểm nhất với người già vì sàn nhà tắm hay bị ướt, dễ làm họ trượt chân, té ngã. Bác sĩ Lê Thị Phương Nga, Trưởng khoa Lão, Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP. HCM, cho biết, cách đây không lâu, bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngã trong nhà tắm từ sáng nhưng sức yếu nên không thể gượng dậy, nằm bất động tại chỗ đến khi có người nhà phát hiện và đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Ngã trong nhà tắm do sàn nhà trơn thường không làm người ta tử vong ngay. Thế nhưng, nằm lâu trong nhà tắm ẩm ướt khiến cho người lớn tuổi dễ bị nhiễm lạnh gây viêm phổi, giảm thân nhiệt, nhiễm trùng hô hấp, ly giải cơ vân (cơ bắp bị tổn thương, hoại tử)…
Người già ngã do dùng thuốc cũng thường gặp. Vì các bậc cao niên có nhiều bệnh lý khác nhau nên khó tránh khỏi việc dùng thuốc. Tuy nhiên, do lớn tuổi nên họ dễ dùng thuốc sai, như: uống không đúng liều, uống nhầm thuốc, tự ý dùng thuốc. Vì thế, người già dễ bị tác dụng phụ của thuốc gây chóng mặt, tụt huyết áp…
Khi người già bị ngã, nên đưa các cụ đến bác sĩ để tầm soát về dáng đi, thị lực… |
»PHÒNG NGỪA TÉ NGÃ Ở NGƯỜI GIÀ VÀ NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY
Bệnh nhân lớn tuổi khi bị ngã, đi không vững nên được đưa đến bác sĩ để tầm soát về dáng đi, thị lực, kiểm tra lại các loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng đồng thời tầm soát các bệnh lý nguy cơ (bệnh tim mạch, thần kinh, tăng trương lực cơ, Parkinson – bệnh liệt run, người bệnh bị run nhiều ở các ngón tay, cứng cơ…).
Nhà vệ sinh, lối đi nên gắn thêm tay vịn làm điểm tựa cho các cụ đứng lên, ngồi xuống dễ dàng hơn. Thay thảm không trơn trong nhà. Người lớn tuổi loãng xương cần được tầm soát và điều trị bệnh tích cực, bằng cách bổ sung can-xi từ các loại thực phẩm giàu khoáng chất này và dễ hấp thu như: sữa bò, đậu nành, vừng, tôm, cá, cua, sò… Dùng nhiều thức ăn giàu vitamin D như: lòng đỏ trứng, gan động vật, cá hồi… Nên ra nắng nhiều hơn vào buổi sáng sớm. Trường hợp bổ sung can-xi bằng thực phẩm chưa đủ, có thể bổ sung bằng thuốc. Các sản phẩm chứa can-xi và vitamin D hiện có rất nhiều. Tuy nhiên, việc bổ sung như thế nào và liều lượng ra sao cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý sử dụng.
Người già bị ngã, nằm lâu cần được chăm sóc kỹ, tránh để viêm phổi, lở loét… Con cháu nên khuyên các cụ tập thể dục buổi sáng, vừa tạo sự dẻo dai cho cơ về mặt chức năng vừa bổ sung vitamin D vì được tắm nắng sớm.
Thanh Thúy
Theo Tạp chí Sức Khỏe