(Phunuhiendai.vn) – Quản lý cửa hàng là vị trí được tuyển dụng khá nhiều trên thị trường lao động hiện nay. Đây là vị trí có một số yêu cầu đặc thù tuy nhiên nếu bạn tự tin có đủ năng lực và kỹ năng thì đừng ngần ngại thử thách bản thân bằng những nấc thang cao hơn. Biết đâu bạn sẽ khai thác được hết thế mạnh tiềm ẩn của chính mình.

Điều quan trọng là thuyết phục được nhà tuyển dụng để nắm bắt cơ hội ngay từ vòng phỏng vấn. Sau đây là một số kinh nghiệm đi phỏng vấn vị trí quản lý cửa hàng mà bạn có thể tham khảo để tạo ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng việc làm.

Làm nổi bật được phẩm chất/ kỹ năng của người quản lý

Nếu như với CV bạn liệt kê các phẩm chất/ kỹ năng của mình qua văn bản thì trong cuộc phỏng vấn, nó thể hiện rõ nhất qua phong cách bên ngoài, phong thái và cách ứng xử của bạn.

Trước hết, bạn nên có sự chuẩn bị tốt nhất về ngoại hình, từ trang phục, kiểu tóc… đến cả những chi tiết nhỏ như móng tay sạch sẽ, cắt tỉa gọn gàng. Những điều tưởng nhỏ nhặt nhưng khá quan trọng cho vị trí quản lý cửa hàng, vì nó chứng tỏ được sự chững chạc, nghiêm túc của bạn.

Điều quan trọng tiếp theo là phong thái, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt… bạn cần giữ sự điềm tĩnh, tự tin trong phong thái, ứng xử, thể hiện sự quyết đoán, độc lập và phong cách giao tiếp tốt qua cách mà bạn trao đổi với nhà tuyển dụng.

Lưu ý, không nên tham dự buổi phỏng vấn với ngoại hình thiếu sức hút, trang phục xuề xòa, thái độ thiếu nghiêm túc hoặc biểu hiện rõ sự e ngại, nóng vội hay do dự… Nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn không hội tụ các phẩm chất và kỹ năng cần có của người quản lý.

Luyện tập trước những câu hỏi phỏng vấn thường gặp dành cho vị trí quản lý

Một trong những kinh nghiệm đi phỏng vấn vị trí quản lý bạn cần hết sức chú ý là chuẩn bị các câu hỏi thường gặp. Với vị trí quản lý, câu hỏi đặt ra từ phía tuyển dụng thường tập trung vào trách nhiệm, phương hướng của người quán xuyến cửa hàng. Chẳng hạn một số câu hỏi cơ bản thường gặp như Làm thế nào để tạo động lực cho nhân viên? Triết lý kinh doanh của bạn dành cho cửa hàng mình đảm nhiệm là gì? Bạn sẽ làm gì để giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên…

Gợi ý câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để tạo động lực cho nhân viên?”:

Một trong những trách nhiệm của người quản lý là tạo động lực cho nhân viên. Có thể chỉ là một lời khen ngợi, khích lệ đúng lúc, một sự quan tâm, phần thưởng kịp thời, thậm chí một lời trách phạt… cũng thúc đẩy tinh thần làm việc, đồng thời tạo cho các nhân viên môi trường cạnh tranh công bằng, nỗ lực và tiến bộ. Tôi luôn ghi nhận sự cố gắng của từng nhân viên và sẽ thể hiện bằng cách đối đãi rõ ràng, công minh.

Gợi ý trả lời câu hỏi “Triết lý kinh doanh của bạn dành cho cửa hàng mình đảm nhiệm là gì?”

Với câu hỏi này bạn nên trả lời thực tế và bám sát theo vai trò của người quản lý của hàng. Câu trả lời gợi ý: Trải nghiệm của khách hàng là điều tôi chú trọng nhất. Tôi luôn dẫn dắt nhân viên của mình làm việc theo tiêu chí mang lại cho khách hàng dịch vụ, chất lượng sản phẩm và trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Tôi cho rằng đây là yếu tố giúp duy trì khách hàng cũ, mở rộng khách hàng mới, cũng là một cách xây dựng thương hiệu bền vững.

Đặt mình vào tình huống và tìm phương án giải quyết với vai trò quản lý cửa hàng

Bạn hãy tự mình đặt ra các tình huống thực tế liên quan đến công việc mà vị trí cửa hàng trưởng phải giải quyết. Bởi vì trong cuộc phỏng vấn nhà tuyển dụng sẽ đặt ra để kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên. Gợi ý một số tình huống như:

Có một vài khách hàng muốn trả lại sản phẩm, lấy lại tiền, bạn sẽ giải quyết thế nào?

“Đầu tiên người quản lý cần mời người đó vào phòng riêng để không ảnh hưởng đến không gian mua sắm hay tác động không tốt đến các khách hàng xung quanh, giữ thái độ bình tĩnh, hòa nhã xem xét nguyên nhân không hài lòng, đòi trả hàng. Nếu lỗi do mình bán sản phẩm kém chất lượng, bị lỗi… thì nên xin lỗi và cam kết không để việc này lặp lại.

Sau đó vui vẻ cho khách hàng đổi trả theo quy định. Nếu lỗi từ phía khách hàng thì kiên nhẫn giải thích cho khách hiểu và thuyết phục khách bằng chứng cứ rõ ràng để khách cảm thấy đúng như vậy. Song song đó cần dùng thái độ vui vẻ xoa dịu khách hàng để họ hài lòng.”

Có 2 nhân viên quan trọng như nhau trong cửa hàng thường xuyên mâu thuẫn nhau. Nếu ở vai trò quản lý cửa hàng, bạn sẽ làm gì để giải quyết?

“Đầu tiên với vai trò quản lý, tôi xem xét nguyên nhân sâu xa của các mâu thuẫn đó. Nếu mâu thuẫn vì lý do riêng tư thì tôi tìm cách nói chuyện riêng lần lượt với cả hai. Tôi sẽ thăm dò họ suy nghĩ gì về đối phương sau đó giúp họ hiểu nhau hơn qua những gì tôi truyền đạt.

Nếu lý do mâu thuẫn là xuất phát từ cách làm việc thì tôi sẽ điều chỉnh cách làm việc, chế độ đãi ngộ, khen thưởng sao cho tế nhị nhất, công bằng nhất, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.”

Tóm lại, không như tìm kiếm nhân viên, tuyển dụng vị trí quản lý cửa hàng có những yêu cầu đặc trưng riêng biệt phù hợp với từng đặc thù mặt hàng kinh doanh, phân khúc khách hàng của cửa hàng…

Do đó, bên cạnh việc rèn luyện kiến thức và kỹ năng, trước khi phỏng vấn bạn nên tham khảo thêm một số kinh nghiệm đi phỏng vấn vị trí quản lý. Nó sẽ giúp bạn tự tin và bình tĩnh hơn để thể hiện tốt bản thân. Chính những biểu hiện của bạn sẽ là câu trả lời về việc bạn có phải là người quản lý tiềm năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm hay không.

                                                                                                      Đặng Hảo

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc