Ngày 22-11 Công ty TNHH MTV Ki Do – một thành viên của tập đoàn Kinh Đô – đã cho ra mắt sản phẩm mì ăn liền nhãn hiệu Đại Gia Đình. Sản phẩm mì Đại Gia Đình gồm 5 hương vị được công ty cho là có hương vị quen thuộc với những bữa ăn của gia đình Việt: tôm hải sản chua cay, bò satế hành, lẩu canh chua cá, lẩu riêu cua, thịt bằm hành phi. Mức giá tham khảo là 3.500 đồng/gói.
Trung tuần tháng 6 rồi, Kinh Đô đã tiết lộ kế hoạch hợp tác với Saigon Vewong để tham gia thị trường mì ăn liền. Vewong là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, được biết đến nhiều với thương hiệu A One. Thông qua Saigon Vewong, Kinh Đô sẽ mở rộng mặt hàng mì ăn liền và nước chấm hợp tác theo hình thức OEM (Original Equipment Manufacturer – sản xuất theo thiết bị gốc – thuê gia công), theo đó Saigon Vewong sẽ sản xuất sản phẩm cho Kinh Đô.
Mì ăn liền Đại Gia Đình của Ki Do -Ảnh: Kinh Đô cung cấp
Trước đó, Kinh Đô cho rằng mì gói là ngành thiết yếu có nhiều tiềm năng và tốc độ phát triển rất tốt. Việc hợp tác toàn diện với Saigon Vewong nhằm giúp Kinh Đô tận dụng chuyên môn và công nghệ của đối tác. Lợi thế của Kinh Đô là có hệ thống phân phối rộng lớn, gồm 300 nhà phân phối và khoảng 200.000 điểm bán lẻ.
Hiện nay, thị trường mì gói Việt Nam có giá trị ước tính khoảng 2 tỉ đô la Mỹ/năm nên dù đi sau Kinh Đô tin rằng vẫn còn nhiều không gian để phát triển.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, Việt Nam được xếp vị trí thứ tư (sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản) về tiêu thụ mì gói. Sức tiêu thụ mì gói ở thị trường nội địa đã tăng mạnh, từ khoảng 4,3 tỉ gói mì vào năm 2009 lên 5,1 tỉ gói năm 2012. |
Hiện nay, thị trường mì ăn liền trong nước có nhiều thương hiệu nhưng chủ yếu nằm trong tay ba doanh nghiệp lớn nhất là Acecook, Masan và Asia Food (Gấu Đỏ). Nhảy vào thị trường trong lúc cạnh tranh rất gay gắt, Kinh Đô chắc chắn cần phải đầu tư rất nhiều để nâng cao nhận diện thương hiệu và phát triển sản phẩm.
Bên cạnh việc tham gia ngành hàng mì ăn liền – gia vị, tham vọng của Kinh Đô là lấn sân vào thị trường dầu ăn và cà phê thông qua việc hợp tác mua cổ phần hai đơn vị trong nước là Tổng công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex) và Công ty Phin Deli.
Với Vocarimex, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kinh Đô mới đây đã thông qua tờ trình đầu tư thêm vào Vocarimex để nâng mức sở hữu của Kinh Đô tại doanh nghiệp này từ 24% lên trên 51%. Nếu nắm quyền kiểm soát Vocarimex, Kinh Đô sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường dầu ăn trong nước vì Vocarimex là doanh nghiệp có vị trí quan trọng trên thị trường dầu thực vật.
Đến nay Kinh Đô chưa tiết lộ về thời gian cho ra mắt sản phẩm cà phê của mình nhưng cho biết đầu tư vào Phin Deli, nhà sản xuất bánh kẹo này sẽ giữ quyền chi phối.
Nhìn chung theo Kinh Đô, đối với 3 ngành hàng mới gồm mì gói, dầu ăn và cà phê, Kinh Đô hướng đến việc tích hợp thế mạnh của Kinh Đô và đối tác để tiếp tục phát triển công ty.
Riêng bánh kẹo, dù trước đó Kinh Đô cho rằng vẫn là mảng kinh doanh chủ lực và đang tiếp tục mở rộng thị trường. Tuy nhiên, vào ngày 11-11, Mondelēz International công bố muốn mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Kinh Đô với khoản đầu tư 7.846 tỉ đồng (khoảng 370 triệu đô la Mỹ). Dự kiến HĐQT Kinh Đô sẽ trình bày chi tiết giao dịch này lên các cổ đông tại Hội nghị cổ đông bất thường của công ty vào ngày 1-12 tới.
AB/ Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn online