(Phunuhiendai.vn) –  Ngày 15 tháng 04 năm 2021, nhằm hưởng ứng Tuần Lễ Tiêm Chủng Thế Giới (24 – 30/04/2021) và Ngày Viêm Màng Não Thế Giới (24/04/2021), Hội Y học Dự phòng Việt Nam đã phối hợp cùng công ty Sanofi Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm báo chí “Thông tin về viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia trình bày và chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành về bệnh viêm não – viêm màng não tại Việt Nam: PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa – Giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh và TS.BS. Đỗ Thiện Hải – Trưởng khoa Nội (Truyền nhiễm), Trung Tâm Y Học Lâm Sàng Các Bệnh Nhiệt Đới Trẻ Em, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tọa đàm với mục tiêu cung cấp thông tin khoa học, hữu ích về viêm não Nhật Bản (VNNB) và viêm màng não do não mô cầu (VMNMC) đến với báo giới, để từ đó, thông qua phương tiện truyền thông báo chí, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin để phòng ngừa hai căn bệnh trên.

VMNMC và VNNB đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, với những triệu chứng ban đầu thường gây nhầm lẫn với các bệnh cúm thông thường nên khó được phát hiện sớm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và gây ra tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bệnh. Theo thống kê, những ca mắc VNNB và VMNMC tại nước ta chủ yếu là do không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi, dễ thấy nhất là các trường hợp bỏ quên các mũi tiêm nhắc.

TS.BS. Đỗ Thiện Hải – Trưởng khoa Nội (Truyền nhiễm), Trung Tâm Y Học Lâm Sàng Các Bệnh Nhiệt Đới Trẻ Em, Bệnh viện Nhi Trung Ương chia sẻ: “Viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản là nỗi “ám ảnh” của cả người dân và nhân viên y tế. Do bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó viêm màng não do não mô cầu có diễn tiến nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Cả hai căn bệnh này đều có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, tuy nhiên, trẻ nhỏ vẫn là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Với các bệnh truyền nhiễm khác như COVID-19 hay cúm, bên cạnh tiêm vắc xin ta có thể ngăn ngừa bằng cách rửa tay, che mũi miệng khi ho,… nhưng đối với bệnh do não mô cầu và viêm não Nhật Bản, tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch, chính là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

TS BS Đỗ Thiện Hải chia sẻ tại tọa đàm

Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những thông tin tổng quan về hai căn bệnh này như: tác nhân gây bệnh, triệu chứng, diễn tiến của bệnh cũng như hậu quả đáng tiếc do hai căn bệnh này gây ra, đồng thời, các diễn giả cũng cập nhật lịch trình tiêm chủng và các loại vắc xin ngăn ngừa bệnh đang được sử dụng tại Việt Nam. Trong đó, bao gồm cập nhật lợi ích của các vắc xin thế hệ mới như vắc xin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp đối với bệnh VNNB và và vắc xin não mô cầu cộng hợp 4 thành phần nhóm huyết thanh A, C, Y và W để phòng ngừa VMNMC.

PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa là diễn giả của tọa đàm lần này

Các diễn giả nhấn mạnh rằng dù tiêm vắc xin gì, quan trọng nhất vẫn là tiêm phòng đúng lịch và đầy đủ các mũi là phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh hiệu quả. Do đó, cần tham khảo tư vấn của Bác sĩ để lựa chọn vắc xin phù hợp nhằm bảo vệ bảo thân và gia đình khỏi những hậu quả nặng nề do các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này mang lại.

VỀ VIÊM NÃO NHẬT BẢN (VNNB)

Viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não gây ra do virus viêm não Nhật Bản, lây truyền qua đường trung gian muỗi đốt. Tỉ lệ tử vong ở những người bị VNNB khá cao, có thể lên tới 30%. Nếu may mắn còn sống, bệnh có thể để lại di chứng vĩnh viễn với các mức độ từ nhẹ đến nặng với tỉ lệ rất cao, khoảng 50% trên các bệnh nhân còn sống. Hiện tại, VNNB không có điều trị đặc hiệu. Điều trị chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lý trị liệu khi có di chứng với chi phí rất tốn kém.[1]

Tiêm vắc xin vẫn là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn ngừa căn bệnh này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tại các quốc gia dịch tễ của VNNB như Việt Nam, chúng ta cần đảm bảo tỷ lệ chủng ngừa cao để bảo vệ cộng đồng khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Vắc xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản là 1 trong 10 loại vắc-xin bắt buộc tiêm cho trẻ em theo khuyến cáo từ Bộ Y tế.[2]

VỀ VIÊM MÀNG NÃO DO NÃO MÔ CẦU (VMNMC)

Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của màng não, màng bao bọc não và tủy sống. Viêm màng não do não mô cầu gây ra bởi vi khuẩn N. meningitidis gây nên. Có 12 nhóm huyết thanh của N. meningitidis đã được xác định, 6 nhóm trong số đó (A, B, C, W, X và Y) là thường gặp nhất và có thể gây dịch. VMNMC lây truyền qua đường hô hấp, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi nhưng đối tượng dễ mắc là ở trẻ sơ sinh, trẻ em mẫu giáo và thanh thiếu niên. Đây là là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tiến triển rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 – 15%,  thậm chí có thể lên đến 50% khi không được điều trị kịp thời.[3]

Đối với bệnh do não mô cầu, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đến thời điểm hiện tại vẫn là chủng ngừa. Điều này đã được tổ chức CoMO – Confederation of Meningitis Organizations, Liên đoàn các Tổ chức Viêm màng não – nhấn mạnh nhân Ngày Viêm Màng Não Thế Giới – 24/04 hàng năm với thông điệp: “Chủng ngừa để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi căn bệnh chết người này”.

T.N

[1] https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/japanese-encephalitis

[2] Thông tư 38/2017/TT-BYT, quy định danh mục các bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

[3] WHO, Viêm màng não do não mô cầu, truy cập tại https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/meningococcal-meningitis, ngày 17/3/2021

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc