Ngày nay, nhiều thành tựu về tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm cuộc sống ngày càng tiện nghi và hiện đại hơn. Tuy nhiên, đồng thời với sự phát triển đó, con người cũng ngày càng phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe, trong đó có khủng hoảng tinh thần.
Trên toàn thế giới có khoảng 350 triệu người bị tác động bởi suy nhược tinh thần
Khủng hoảng tinh thần hay suy nhược tinh thần (depression) có thể tạm hiểu là tình trạng stress, căng thẳng thần kinh gây ra các trạng thái tâm lý, hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống (học tập, làm việc và các quan hệ xã hội).
Thống kê dưới đây do Hoa Kỳ thực hiện được đăng trên tờ Huffington Post vào cuối tháng 1 vừa qua. Đó là những con số đáng suy ngẫm mang tính cảnh báo về khủng hoảng tinh thần trong đời sống hiện đại mà chúng ta cần lưu tâm để có sự cân bằng trong đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và người xung quanh.
Cụ thể như sau:
Trên toàn thế giới có khoảng 350 triệu người bị tác động bởi suy nhược tinh thần và 11% thanh thiếu niên dưới 18 tuổi gặp phải các vấn đề về khủng hoảng tinh thần.
30% sinh viên trải qua khủng hoảng tinh thần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và hoạt động ở trường.
70% phụ nữ có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng tinh thần trong suốt cuộc đời. Năm 2012, tại Hoa Kỳ có đến 16 triệu người trưởng thành (6,9% dân số trưởng thành) mắc ít nhất một biểu hiện của suy nhược tinh thần.
14% các bà mẹ bị suy nhược tinh thần sau khi sinh con 4-6 tuần, theo một nghiên cứu năm 2013.
Chính phủ Hoa Kỳ hàng năm phải chi ngân sách khoảng 80 tỉ đô-la để bù lỗ cho lao động kém năng suất do suy nhược tinh thần và chăm sóc sức khỏe. Cũng tại Hoa Kỳ, 50% người bị khủng hoảng tinh thần không tham gia điều trị tâm lý. Có khoảng 10% người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) được xác định khủng hoảng tinh thần.
10-20 tuần là thời gian trung bình cần thiết để điều trị tâm lý và thời gian dùng thuốc chống suy nhược, trầm cảm là khoảng 4-6 tuần mới có tác dụng.
Đức Hòa
(Theo Huffington Post)
Theo Giác Ngộ online