Theo các nhà tâm lý học, những giới hạn cha mẹ đặt ra giúp con trẻ cảm thấy an toàn và bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, một số hạn chế lại có tác động ngược lại khiến con trẻ thấy không an toàn và cản trở sự phát triển của chúng.

Không thích con gái hay hỏi những vấn đề mà người lớn thường cho là lung tung, vớ vẩn, chị Tuyết thường tìm cách lảng tránh mỗi khi con bé sà lại gần mẹ, thủ thỉ: “Mẹ ơi, tại sao mấy bạn nam trong lớp con lại chỉ thích chơi với con trai chứ không muốn chơi với con gái?”. Hoặc trong trường hợp con trai của chị Oanh, mỗi lần mẹ đi vắng, thằng bé có dịp đá banh thỏa thích mà không bị mẹ của nó kết tội là “nghịch phá”.

Theo các nhà tâm lý học, những giới hạn cha mẹ đặt ra giúp con trẻ cảm thấy an toàn và bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, một số hạn chế lại có tác động ngược lại khiến con trẻ thấy không an toàn và cản trở sự phát triển của chúng. Trong đó có những điều cha mẹ không nên cấm cản con mình mà hãy để chúng tự do, thoải mái làm.

Khi con thích đặt câu hỏi

Trong quá trình trẻ lớn lên, học hỏi và nhận biết thế giới xung quanh, chúng sẽ đưa ra rất nhiều câu hỏi. Nhiều cha mẹ cảm thấy “đau đầu” trước những câu hỏi bất tận, liên tục của con. Thậm chí, nhiều người còn muốn phớt lờ những câu hỏi của chúng vì chỉ muốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả, mệt mỏi. Những câu hỏi không ngừng về thế giới của con có thể khiến cha mẹ bị áp lực. Nhưng đó không phải lỗi của chúng, chỉ là chúng đang muốn hiểu biết thế giới này hơn mà thôi. Theo chia sẻ của vợ chồng anh Nam thì: “Giải đáp những thắc mắc của con, kiên nhẫn với con và dành thời gian bên con không chỉ là cách cha mẹ giúp con phát triển mà còn tạo ra mối liên kết bền chặt giữa cha mẹ và con cái ngay cả khi con đã lớn lên, trưởng thành”.

Khi con nói “Không”

Con trẻ cũng là thành viên trong gia đình, không phải “thần dân” để răm rắp nghe theo mọi sắp đặt của cha mẹ. Để con được nói “Không” cũng là cách cha mẹ trao cho con quyền tự chủ và thể hiện suy nghĩ, thái độ của bản thân. Cấm con nói “Không” là vi phạm và giới hạn của con. Tuy nhiên, không phải lúc nào lời từ chối “Không” của con cũng thỏa đáng và hợp lý. Để chỉ dạy, bảo ban con, cho con cách nghĩ đúng đắn, cha mẹ cần tìm cách trao đổi, thỏa thuận, bàn bạc hoặc giải thích với con tại sao đôi khi con phải làm những thứ con không muốn.

Khi trẻ sợ hãi hay có những bí mật

Từng ở trong tình huống này, chị Xuân, nhân viên tài chính, tâm sự: “Sợ hãi là tâm lý chung, phổ biến của con người. Đứa trẻ có thể sợ bác sĩ hoặc người họ hàng xa lạ. Đó là điều bình thường. Đừng lúng túng, ngại ngùng vì con trẻ tỏ ra sợ hãi. Thay vào đó hãy truyền thông điệp để con biết rằng: Khi bạn đang có mặt ở đó, thì không có điều gì đáng sợ cả”. Bên cạnh đó, trẻ càng lớn càng cần có sự riêng tư. Vậy nên, cha mẹ nên quan tâm và biết những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con trẻ, nhưng không vì thế mà có thể xâm phạm quyền riêng tư của chúng. Sự tin tưởng của con với cha mẹ là điều vô giá. Do đó, đừng cố đọc trộm nhật ký của con hoặc nài ép chúng phải nói hết bí mật cho bạn.

Khi con hay khóc

Khóc là một trong những cách để trẻ bày tỏ trạng thái cảm xúc của bản thân, có thể là sợ hãi, tủi thân hoặc cảm động vì một điều gì đó. Về tâm lý, trẻ nhỏ dễ xúc động và cảm nhận được mọi thứ mãnh liệt hơn người lớn. Có đứa trẻ vì thấy em bé xinh xắn quá cũng khóc, bất ngờ được cha mẹ mua tặng thú cưng cũng òa khóc sung sướng… Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ lại coi khóc là sự yếu đuối, đáng hổ thẹn. Vì thế, cha mẹ đừng cấm con khóc cũng đừng phiền lòng vì con chảy nước mắt. Tốt hơn là nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao con lại bật khóc và tìm cách để giải quyết vấn đề.

Khi con nghịch ngợm, ồn ào

Nhiều cha mẹ hay nạt nộ khi con không chịu ngồi im, yên lặng, ngoan ngoãn mà cứ chạy nhảy, ồn ào. Nhưng các chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ đừng tước đoạt những mong muốn của con trẻ, hãy để chúng hát hò, nô đùa tùy thích.

Khi con phạm sai lầm

Không ai thích phạm phải những điều sai lầm. Con trẻ cũng vậy. Thậm chí, chúng còn cảm thấy tồi tệ hơn khi người lớn la mắng vì chúng làm sai. “Thất bại là mẹ thành công”, cha mẹ hãy ở bên, khuyến khích, động viên và cùng con đứng lên từ những sai lầm, để con không tự ti vào bản thân và cảm thấy mình đáng hổ thẹn. Nếu cứ bị rầy la, đay nghiến vì những sai sót, chẳng đứa trẻ nào muốn tự mình làm điều gì khác sau đó. Vô hình chung, những ám ảnh tâm lý, sợ sai sẽ triệt tiêu sự sáng tạo và lòng tự tin của con trẻ.

TÚ UYÊN(Kiến thức gia đình số 43)
Nguồn: Nông Nghiệp/nongnghiep.vn 
Bệnh viện Hạnh Phúc