Nửa năm trở lại đây, trào lưu thực phẩm làm từ matcha (loại bột được làm từ những búp non của cây trà xanh) được giới trẻ VN hưởng ứng nhiệt tình.

Những chiếc bánh Trung thu theo “trend” của bạn trẻ Trần Minh Hạnh được bán với giá 100 nghìn đồng/chiếc.

Những chiếc bánh Trung thu theo “trend” của bạn trẻ Trần Minh Hạnh được bán với giá 100 nghìn đồng/chiếc.

Không chỉ có hương vị đậm đà mà những món ăn, đồ uống làm từ matcha còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, đang “làm mưa làm gió” trên các trang mạng xã hội. Chính bởi vậy, không ít bạn trẻ đã nhanh chóng nắm bắt ý tưởng khởi nghiệp theo trào lưu từ loại nguyên liệu này.

Chạy theo xu hướng là chưa đủ

Từ khi biết đến thức uống từ bột matcha này, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (22 tuổi, quê Nghệ An) đã chính thức trở thành một “fan”. Thay vì uống cà phê vào mỗi buổi sáng, chị Thu Thủy đã có thêm một lựa chọn mới. Một ly matcha không những thơm ngon, mà còn có đủ lượng caffeine để giúp tỉnh táo. Vì có chất chống oxy hóa nên nhiều người tin rằng nó ngăn ngừa bệnh tim, tiểu đường, ung thư và thậm chí có thể được sử dụng như một chất hỗ trợ ăn kiêng.

Tuy nhiên, vì bột matcha có giá thành khá cao nên các thức uống sử dụng nguyên liệu này cũng có giá không hề rẻ. Chị Thủy cho biết, một thương hiệu cà phê khá nổi tiếng mà chị hay lui tới, bán 1 ly matcha latte lên tới 100 nghìn đồng.

Thậm chí một số cửa hàng sử dụng loại nguyên liệu cao cấp giá thành cho 1 ly lên tới 200 – 300 nghìn đồng. Cũng có một số quán bán với giá thành dễ tiếp cận hơn, từ 50 nghìn đồng/ly, song chất lượng nguyên liệu không tốt. Để tối ưu chi phí mà vẫn được thưởng thức đồ uống chất lượng, nhiều người quyết định tìm mua nguyên liệu bột matcha, dụng cụ và tự pha tại nhà.

“Bột matcha mình chọn loại ngon nên giá không rẻ, 350 nghìn đồng/100 gam. Sữa mình cũng chọn loại xịn để đồ uống thơm hơn. Ngoài ra cần phải mua bộ dụng cụ như thố gốm để bảo quản trà, muỗng trà bằng tre, bàn chải bằng tre, đế cọ trà… khoảng 2 triệu đồng. Vì phục vụ cho bản thân và gia đình nên mình cũng chọn mua đồ chất lượng”, chị Thu Thủy hào hứng chia sẻ.

“Ban đầu tôi nghĩ, mình không cần thuê mặt bằng nên bán rẻ một chút cũng được. Song chi phí phát sinh cho bao bì, ống hút… cũng khá nhiều. Nhiều khi, khách ở xa đặt hàng, phí giao hàng cao quá, tôi cũng bù một phần phí cho khách. Nhiều thứ lặt vặt cộng lại cuối cùng tiền lãi chẳng được bao nhiêu. Sau cùng, tôi đóng cửa hàng trực tuyến sau 2 tháng mở bán”, chị Thu Thủy kể lại hành trình khởi nghiệp ngắn ngủi của mình.

khoi nghiep theo xu huong3.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Kinh doanh không đơn giản

Chị Trần Minh Hạnh (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) là chủ một “tiệm” bánh ngọt đắt khách. Tuy chỉ mở bán trực tuyến và giới hạn số lượng mỗi ngày song đều đặn hàng ngày, cô gái trẻ bán được trung bình từ 200 – 300 hộp bánh. Đặc biệt, mỗi năm đến dịp Trung thu, căn nhà nhỏ trong đường Đê La Thành của bạn trẻ này lại tấp nập khách tới mua hàng. Năm nay, Hạnh cũng “đu trend”, mở bán món bánh Trung thu matcha, với nguyên liệu từ bột matcha đang khuấy đảo giới trẻ.

Xuất phát điểm là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, song Hạnh lại có niềm đam mê với ẩm thực, đặc biệt là các loại bánh ngọt. Vì vậy, từ khi còn là sinh viên, bạn trẻ này luôn ấp ủ ước mơ mở một tiệm bánh nhỏ. Chị Hạnh đăng ký học rất nhiều lớp làm bánh từ cơ bản đến nâng cao.

“Kinh doanh không hề đơn giản. Tôi nghĩ rằng, trước khi bắt tay vào kinh doanh, mình phải có chuyên môn và am hiểu trong bộ môn đó thật tốt đã. Đơn cử như trong làm bánh, tôi mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và thử nghiệm các nguyên liệu từ bơ, sữa, trái cây… để tạo ra thành phẩm thơm ngon nhất. Sau đó phải thống nhất 1 công thức rõ ràng, không thể nêm nếm theo khẩu vị như tự làm cho bản thân được. Điều đó sẽ dẫn đến thành phẩm cho ra chất lượng không đồng đều”, cô chủ tiệm bánh khẳng định.

Chia sẻ thêm về món bánh Trung thu matcha đang được lòng những khách hàng trẻ tuổi, chi Hạnh cho biết giá thành mỗi chiếc bánh chị bán ra là 100 nghìn đồng – không hề rẻ. Lý do, nguyên liệu đắt và chất lượng thì không thể đi đôi với rẻ. Trước khi mở bán, chị đã dành nhiều thời gian, tiền bạc, công sức để tìm các loại bột matcha, làm thử và so sánh thành phẩm.

Đồng thời, chị Hạnh cũng đã gửi phiếu đánh giá tới khách hàng để nắm bắt nhu cầu thị trường, khách hàng có thật sự đang ưa chuộng “trend” này hay không. Lấy ví dụ, năm ngoái giới trẻ có xu hướng chuộng những loại bánh làm từ nguyên liệu tốt cho sức khỏe, Hạnh cũng tìm hiểu và mở bán các loại bánh ăn kiêng, bánh hạt… và thu hút được nhiều khách hàng.

“Với tôi, khởi nghiệp không phải một cuộc chơi. Vì vậy với cá nhân tôi, tôi không khởi nghiệp theo trào lưu mà chỉ khởi nghiệp khi mình có kiến thức, kinh nghiệm và vốn đủ để duy trì việc kinh doanh. Bản chất, xu hướng là một cơ hội cho những người kinh doanh, tuy nhiên chỉ dựa vào đó thì không đủ bởi trào lưu rất nhanh chóng sẽ thoái trào. Mặc dù vậy, việc nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường là cần thiết để thúc đẩy doanh số mạnh mẽ hơn”, cô chủ nhỏ khẳng định.

Tác Giả: Hà Trang

Đăng Ngày : 17/08/2024

Link Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/khoi-nghiep-theo-xu-huong-khong-phai-la-cuoc-dao-choi-post696732.html

Bệnh viện Hạnh Phúc