Khoai tây là thực phẩm được tiêu thụ nhiều đứng hàng thứ 4 trên thế giới, sau gạo, lúa mì và bắp – theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, khoai lang cũng dần trở thành loại thực phẩm được yêu thích không kém gì khoai tây.
Khoai lang và khoai tây đều giàu dưỡng chất
Cả khoai lang và khoai tây đều có nguồn gốc từ Nam Mỹ nhưng không cùng họ hàng dù cả hai đều là dạng rễ củ. Khoai tây khỏe mạnh hơn, có thể sinh trưởng ở các vùng khí hậu và các loại đất khác nhau, còn khoai lang thì không thể chịu lạnh và khá nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
Tại Hoa Kỳ, khoai tây được canh tác với số vụ mùa đứng hàng đầu trong nông nghiệp. Một nửa số vụ mùa được thu hoạch và chuyển đến các nhà chế biến, sản xuất ra khoai tây chiên và các sản phẩm khác, một nửa còn lại được bán ngoài chợ và siêu thị.
Một củ khoai tây cỡ vừa chứa khoảng 170 calori, còn khoai lang cùng cỡ thì chứa khoảng 105 calori. Khoai lang và khoai tây đều chứa nhiều chất xơ, tuy nhiên khoai lang chứa nhiều đường hơn khoai tây.
Một củ khoai lang cỡ vừa chứa khoảng 13 g đường, trong khi đó khoai tây chỉ chứa khoảng 2 g. Khoai tây chứa nhiều carbohydrate và protein hơn khoai lang, khoảng 37 g carbohydrate và 5 g protein; còn khoai lang với hàm lượng tương ứng là 24 g và 2 g.
Ngoài ra, cả hai loại củ này đều có chứa calcium, tốt cho xương, cung cấp khoảng 4% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Khoai lang chứa 37% vitamin C cần thiết hàng ngày, còn khoai tây cung cấp khoảng 35%. Tuy nhiên, khoai lang lại giàu vitamin A tốt cho mắt còn khoai tây thì không có chứa loại vitamin này.
Về sắt, khoai tây và khoai lang cung cấp 10% và 4% nhu cầu sắt hàng ngày cho cơ thể. Khoai tây giàu potassium hơn, giúp kiểm soát huyết áp – theo bệnh viện Cleveland.
Theo báo Giác Ngộ