Hè đến, nhiều bậc cha mẹ đắn đo trước những lời mời chào về khóa học cha mẹ toàn năng, khóa học kỹ năng nuôi con thành tài…
Một chuyên gia khi được nhờ tư vấn đã thành thật chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi vật vã học làm bố làm mẹ hơn 20 năm nay mà vẫn đang… lên bờ xuống ruộng. Làm gì có khóa học nào học mấy buổi mà thành cha mẹ hoàn hảo được?”

Vị chuyên gia kể cô có một trai, một gái, mỗi con mỗi tính. Điều áp dụng tốt với con trai thì chả “xi nhê” gì với cô con gái đang vào tuổi dở dở ương ương, mẹ nói gì không vừa ý là gân cổ lên cãi lại. Có lúc chị cảm thấy bất lực phát khóc lên. Nhưng may mắn ông bố điềm tĩnh, tình cảm lại hóa giải mọi sự vụ. Nhiều khi ngồi lắng lại nghĩ ra có lẽ mẹ cứng nhắc, khuôn mẫu, đôi lúc vẫn áp đặt những ý nghĩ, mong muốn của mình lên con, không linh hoạt lựa chiều thay đổi như bố nên mới thất bại khi nói chuyện với con chăng? Có lần ân hận, tối ôm con gái vào lòng, chị nói với con hãy bỏ qua cho bà mẹ đầy khiếm khuyết này nhé, không ngờ, con vòng tay ôm mẹ, nói nhỏ một câu: “Con cũng không cần một bà mẹ hoàn hảo!” Chị lặng người, ngập tràn hạnh phúc!

Có câu nói đại ý trẻ con chưa từng là người lớn, nhưng người lớn đã từng là trẻ con. Vậy tại sao lại không hiểu nỗi lòng con trẻ? Trong một diễn đàn, một phụ huynh đăng tải về cuộc sống học tập, vất vả nơi xứ người, về nỗi cô đơn của cậu du HS khi bố mẹ không thấu hiểu, lúc nào cũng chỉ thúc giục con kiếm tiền để gửi về phụ giúp gia đình…

Không ít cha mẹ đã dè bỉu bình luận, rằng đây là một dạng đi xuất khẩu lao động trá hình du học, chứ con cái họ không như vậy, đi học xứng danh với nghĩa hiền tài, nguyên khí quốc gia… Các ông bố bà mẹ viết như vậy mà không đặt câu hỏi ngược lại: Con đã làm được gì cho đất nước, cho gia đình mà cho quàng lên vai con những từ hoa mỹ như vậy? Thực tế đó là các cô cậu thanh niên bình thường, có năng lực học tập ở một trường ĐH xứ người, chưa lập thân, lập nghiệp khi học bằng tiền của bố mẹ gửi. Những kỳ vọng quá mức của bố mẹ quàng lên cổ con cái đã khiến chúng phải gánh áp lực. Nguy hiểm hơn, kỳ vọng không có cơ sở lại khiến con cái trở nên ảo tưởng, tưởng rằng cái mình mong muốn là năng lực mình đang sẵn có.

Một dạng khác của kỳ vọng cha mẹ lên con cái, đó là bắt ép con học quá nhiều. Có một bà mẹ kể lại mình đã từng hoang mang thế nào khi con vào lớp 6, bạn bè đồng trang lứa suốt ngày đi học thêm môn chính, môn phụ… trong khi con chị thì đi học về là chơi đùa, chạy nhảy. Chị cứ lăn tăn suy nghĩ có nên ép con làm thêm bài tập? Có nên để con quen với áp lực học hành như các bạn? Có nên đặt ra ngưỡng kỳ thi tới con phải đạt bao nhiêu điểm? Con phải thi đỗ trường A, trường B? Thi tốt nghiệp cũng phải điểm trên 30 đấy nhé… Rồi nghĩ từ bản thân, đi làm cả ngày 8 tiếng, về nhà chỉ muốn quăng túi xách nằm ườn trên sofa. Sếp giao việc làm thêm thì khó chịu bực bội lắm. Vậy nếu bắt con học thêm mấy tiếng sau ngày dài ở trường, chắc con cũng cùng cảm xúc này. Thế là thôi, con chị tiếp tục là HS nhàn nhất lớp.

Sau này đến trường trao đổi với cô giáo, chị mới vỡ lẽ hóa ra con ở trường cũng học rất nhiều thứ và đang học rất tốt. Các thầy cô đều nhận xét con ham thích được học và luôn nhiều hứng khởi trước những điều mới mẻ. Cô giáo nhắn gửi: Cha mẹ hãy hỗ trợ, động viên con, cùng thầy cô giúp con có những kỷ niệm đẹp dưới mái trường. Nghe mà mừng quá, đó chẳng phải là điều vợ chồng chị luôn mong đó sao? Vậy nên đừng khiến việc GD con trở thành “đồng phục”. Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng, không thể lấy công thức dạy con nhà người ta để dạy cho con mình. Nuôi dạy con có cuộc sống riêng, tôn trọng sự độc lập, nhu cầu, khí chất của con chính là ươm mầm, tạo môi trường cho con trở thành người hạnh phúc và tử tế.

Xét cho cùng, làm bố mẹ là khóa học từ khi có con cho đến khi kết thúc cuộc đời. Khóa học thành công khi cha mẹ thấy hạnh phúc trên hành trình cùng con khôn lớn.

 

Theo Tâm An/ Giáo Dục Thời Đại

 

Bệnh viện Hạnh Phúc