Chính người mẹ sẽ tự tìm thấy chính mình, sẵn sàng đón nhận nghề mới của mình: “nghề thầy” để nuôi dạy những đứa trẻ trong gia đình.

noi-chuyen-cung-con-gai-2

Đời sống gia đình người Việt lâu nay được quy định ở câu “Đàn ông làm nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ý thức giá trị bản thân, câu chuyện mới trong nhiều gia đình thời nay. Không ít những người phụ nữ có ý thức về bản thân hoặc khi bị đánh giá bản thân thấp, hoặc có ý nghĩ tiêu cực.

Vậy làm thế nào để người phụ nữ, nhất là người mẹ bớt cáu bẳn, tìm thấy nguồn cảm xúc tích cực và biết cách chăm sóc đời sống tinh thần của chính mình và những đứa trẻ.

Lúc nhỏ, thi thoảng tôi nghe câu nói của người lớn: “Con đó không có làm gì, chỉ ở nhà giữ con, chồng nuôi thôi”. Nghe câu nói đó, tôi tới chuyện sau này mình sẽ đi làm, chớ để chồng nuôi sẽ bị người đời dè bĩu. Lớn dần, tôi quan sát, thấy công việc của người phụ nữ, đặc biệt là người vợ – “nội tướng” trong gia đình rất quan trọng. Cách đây vài chục năm, gia đình nào cũng có bốn năm người con, việc nhà nhiều chớ đâu có ít, loay hoay cả ngày không hết. Chưa kể phải tính đến chuyện cân đối thu chi, tổ chức sắp xếp bữa ăn trong gia đình, phân bổ ngân sách để không thâm hụt, lo chuyện trong nhà ngoài ngõ, cơm nước, học hành, phải trái (giao tế) hai bên nội ngoại…

Ngày nay, người phụ nữ có những công việc, địa vị nhất định ngoài xã hội. Điều này, khiến cho các chuẩn giá trị, nhất là giá trị gia đình bị tác động khá nhiều đến cuộc sống. Mới hôm qua thôi, một người mẹ trẻ của ba đứa con, nhắn cho tôi: “Em muốn ôm con về quê sống khoảng hơn một năm. Khi nào con đi học được sẽ tính tiếp. Cảm giác bị xem thường như kẻ ăn bám làm em mệt mỏi”. Khi đọc thấy những dòng chữ trên, tôi chợt giật mình, nghĩ đến chuyện cần hỗ trợ em. Nhưng bằng cách nào?

Thật không dễ để thoát khỏi những tổn thương khi nghe người chồng có những câu nói có thể vô tình, kiểu như: “Đi làm kiếm tiền mệt lắm”. Không phải ai cũng có ý thức về mình để tự nhìn vào thực tế, tự thương thân mình, để không cố cầu toàn quá mức. Thoát khỏi những cảm giác tồi tệ là điều cần làm lúc này, nếu không có cái nhìn tích cực về bản thân, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần, không chỉ của mình mà cả những đứa con.

Nhìn vào thực tế, cần có những thay đổi, chọn lựa và làm bài toán rất rõ để giúp chính mình thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, trong khi chờ đợi sự cảm thông của những người thân trong gia đình.

Những đóng góp của người mẹ cần được quy thành tiền, thành giá trị vật chất để họ thấy, không phải đi làm kế toán, buôn bán… mới là người có giá trị. Việc nuôi dạy những đứa con biết sống chan hoà, chia sẻ cùng những người thân trong gia đình, thành những công dân sống có trách nhiệm, há chẳng phải là họ có những đóng góp giá trị sao?

Ngay lúc này, người mẹ hãy tự tìm thấy chính mình, sẵn sàng đón nhận nghề mới của mình: “nghề thầy” để nuôi dạy những đứa trẻ trong gia đình mình, tạo bầu khí ổn định, an toàn cho chính mình và giữ hoà khí trong gia đình, tránh những cãi vã không cần thiết để giúp con lớn lên với một nhân cách lành mạnh, tự tin và cũng biết quý trọng bản thân như chính người mẹ đầy trách nhiệm. Hãy tự xem mình đang làm rất nhiều “nghề”: làm bảo mẫu, việc nhà, “giáo viên mầm non”, dịch vụ “đưa đón trẻ con”… Nếu cần chi trả cho các “dịch vụ” trên, ít nhất 10 triệu đồng/tháng.

Các vợ chồng trẻ rất cần tham gia những buổi ngoại khoá làm cha mẹ để tìm thấy niềm vui làm cha mẹ, thông hiểu nhau và cùng ý thức về ích lợi của nhau trong việc đóng góp xây dựng tổ ấm.

Gia đình, nhìn từ mô hình truyền thống lẫn hiện đại, giúp con người hiểu nhau để chăm sóc nhau tốt hơn. Nhân cách trưởng thành được vun bồi từ tình yêu thương sáng suốt.

Hãy tự giúp mình trước để giúp các con mình sống vui, sống tốt.

 

Nguyễn Thị Thanh Thuý (Hội quán Các bà mẹ)

Nguồn: Tiếp Thị Thế Giới/ tiepthithegioi.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc