Sáng 10-4, Bệnh viện Từ Dũ đã chính thức đưa vào hoạt động ngân hàng sữa mẹ. GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế dự và cắt băng Khánh thành tại buổi Lễ.

Tham dự có đại diện lãnh đạo và chuyên viên một sô Vụ, Cục, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế. Đây là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại khu vực phía Nam ra đời theo hình thức phi lợi nhuận nhằm cung cấp sữa mẹ cho trẻ sơ sinh không được tiếp cận nguồn sữa mẹ, nhất là những trẻ sinh non mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.

 

Các đại biểu cắt băng khánh thành Ngân hàng sữa mẹ – Bệnh viện Từ Dũ.

Ngân hàng sữa mẹ – Bệnh viện Từ Dũ hoạt động theo mô hình thu thập sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ bằng sữa của mình. Nguồn sữa hiến tặng này được các bác sĩ chọn lọc từ những bà mẹ không mắc bệnh lý (viêm gan siêu vi, HIV…), không có các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sữa mẹ và được kiểm tra, xét nghiệm máu theo quy trình rất nghiêm ngặt. Sau đó, sữa được thanh trùng, bảo quản trong điều kiện vô khuẩn và cung cấp cho trẻ sơ sinh không được tiếp cận sữa mẹ như bình thường.

Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm tại bệnh viện này có khoảng 6.000 – 7.000 trẻ sơ sinh non tháng với các bệnh lý đi kèm rất cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng điều trị, hỗ trợ cho quá trình hồi phục. Hiện phần lớn trẻ phải sử dụng sữa công thức do hoàn cảnh khách quan. Chính vì thế, ngân hàng sữa mẹ ra đời sẽ giải quyết được nhu cầu cấp bách này.

Trước tiên, sữa trong ngân hàng sữa mẹ sẽ được cung cấp cho trẻ sinh non của Bệnh viện Từ Dũ. Về lâu dài, khi nguồn sữa hiến tặng dồi dào hơn, ngân hàng sẽ cung cấp sữa cho các bệnh viện sản nhi khác trên địa bàn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố…

Phát biểu tại Lễ khai trương Ngân hàng sữa mẹ – Bệnh viện Từ Dũ, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cho biết, trong thực tế có rất nhiều trẻ sơ sinh không được tiếp cận nguồn sữa mẹ với những lý do bất khả kháng như: mẹ qua đời, mẹ mắc các bệnh lý khác, mẹ không thể cho con bú…Do đó, ngân hàng sữa mẹ ra đời sẽ giúp cho số trẻ này được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng sữa mẹ, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý nguy hiểm. Bên cạnh đó, ngân hàng sữa mẹ cũng giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng.

Chiều cùng ngày, tại TPHCM, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức FHI 360 – Alive &Thrive (A&T -Tổ chức phát triển phi lợi nhuận, hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người một cách bền vững) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thiết lập và vận hành Ngân hàng sữa mẹ và Góp ý kiến xây dựng Hướng dẫn quốc gia về Ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của 40 đại biểu đến từ 13 bệnh viện của 9 tỉnh trên cả nước.

Khai trương Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ

Kiểm tra và chọn lọc nguồn sữa tại Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ

Hội thảo đã chia sẻ những kết quả rất đáng khích lệ từ Ngân hàng sữa mẹ Đà Nẵng sau hai năm hoạt động. Tới nay, Ngân hàng sữa mẹ Đà Nẵng đã cung cấp 4,000 lít sữa mẹ cho hơn 7,200 trẻ, trong đó 2,600 trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý. Trung bình mỗi ngày, Ngân hàng sữa mẹ Đà Nẵng nhận 4,7 lít sữa. Mỗi bà mẹ hiến 9,3 lít sữa, thời gian hiến tặng trung bình 30 ngày.

Sau 2 năm hoạt động, việc sử dụng sữa công thức và sữa bà mẹ khác (chưa qua thanh trùng) trong 14 ngày đầu đời của các trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý đã giảm hẳn. Hoạt động của ngân hàng sữa mẹ cũng làm thay đổi nhận thức của bà mẹ và cán bộ y tế về tầm quan trọng của sữa mẹ. Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn tại thời điểm xuất viện ở khoa hậu sản tăng hơn gấp đôi sau gần 1 năm triển khai ngân hàng sữa mẹ, từ 35.1% lên 78.9%.

Hiện tại, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em đang xây dựng Hướng dẫn quốc gia về thành lập ngân hàng sữa mẹ và cung cấp dịch vụ ngân hàng sữa mẹ, để các đơn vị/địa phương khác căn cứ nhu cầu thực tiễn có thể thiết lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ tại địa phương.

 

(Nguồn: CTT Bộ Y Tế)

 

Bệnh viện Hạnh Phúc