Ngày 1/7/ 2016, tại khách sạn REX, TP.HCM, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng ĐBSCL-TP.HCM”. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trước thềm MDEC – Hậu Giang 2016.
Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông Sơn Minh Thắng đã lần lượt giới thiệu đến các nhà đầu tư về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế vùng ĐBSCL thông qua những đặc thù về miền đất, con người và sản phẩm tiêu biểu của 13 tỉnh, thành trực thuộc.
Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nhì cả nước, hàng năm đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu… ông Thắng khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng ĐBSCL, thì việc xúc tiến, quảng bá của địa phương còn nhiều mặt hạn chế mà theo ông là do cách tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ trong nước và quốc tế vẫn còn khá chậm, chưa tranh thủ mọi cơ hội tốt nhất để giành lấy “miếng bánh ngon” về mình. Đó là chưa kể đến việc một số địa phương vẫn chưa thực sự quyết tâm “cởi trói” cho doanh nghiệp bằng những chính sách thiết thực theo nguyện vọng của nhà đầu tư về lâu dài.
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc liên kết hợp tác toàn diện giữa ĐBSCL và TP.HCM trong giai đoạn hội nhập, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ nguyện vọng sẽ tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp tại vùng kinh tế nông nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Ông Phong chia sẻ, những năm qua, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai đặc biệt trong sản xuất lương thực, chế biến nông thủy sản, hoa quả …, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho các địa phương trong khu vực. Vì vậy, tôi cho rằng, việc liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực đóng góp 18,5% GDP cả nước, là định hướng đúng đắn và lâu dài.
Hoan nghênh các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến khu vực ĐBSCL và TP.HCM để tìm hiểu thông tin về các dự án trọng điểm đang mời gọi đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác cùng phát triển,… lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng như lãnh đạo TP.HCM cam kết sẽ thêm nhiều chính sách ưu đãi, cởi mở hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp; đồng thời cũng nêu lên mong muốn nhận được những ý kiến phản ánh thẳng thắn của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục hành chính, đầu tư,…, từ đó giúp cơ quan Nhà nước kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Tại sự kiện trọng đại này, vùng ĐBSCL và TP.HCM đã giới thiệu hơn 130 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Trong đó, TP.HCM kêu gọi đầu tư 69 dự án: Tuyến metro số 2, tuyến đường sắt trên cao số 2, dự án khu dịch vụ thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, dự án xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao lĩnh vực thủy sản tại Cần Giờ và các dự án sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Và ĐBSCL kêu gọi đầu tư 63 dự án: khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến nông-thủy sản và xây trung tâm thương mại nông sản, du lịch, nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông,…
Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, một số địa phương vùng ĐBSCL còn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân. Bí thư Tỉnh Ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết, mặc dù Hậu Giang là một tỉnh nghèo, rất cần nhà đầu tư như nắng hạn mong mưa rào, nhưng không vì khó khăn trước mắt mà chúng tôi bất chấp tất cả để ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân. Với trường hợp của dự án Nhà máy Giấy Hậu Giang chưa đi vào hoạt động đang được dư luận quan tâm, chúng tôi cam kết sẽ làm việc cụ thể sau khi có kết luận của Bộ Tài nguyên môi trường, đồng thời yêu cầu phía đối tác phải xây dựng một hồ chứa lắng lọc trước khi thải ra môi trường thì hồ này phải đảm bảo nuôi cá sống được và giao cho Sở môi trường thường xuyên kiểm tra, nếu để cá chết, nghĩa là nước thải bị ô nhiễm. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc đầu tư dự án để phát triển ở địa phương.
Đồng quan điểm với Bí thư Tỉnh Ủy Hậu Giang, nhiều lãnh đạo cũng đồng lòng cam kết sẽ không đặt lợi ích vùng, địa phương lên trên lợi ích, sức khỏe của nhân dân. Và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ tiên quyết hàng đầu.
Ông Trần Công Chánh – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang giải đáp các câu hỏi về tiềm năng địa phương được đặt ra tại hội nghị:
– Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhất là khi VN tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cùng hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vấn đề nâng cao giá trị nông sản VN, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu được Hậu Giang và các tỉnh ĐBSCL chú trọng như thế nào?
Thời gian qua, tỉnh rất chú trọng việc này. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 10/10 nông sản chủ lực của tỉnh được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản, gồm: Bưởi năm roi Phú Thành Hậu Giang; Cam sành Ngã Bảy; Chanh không hạt Hậu Giang; Lúa Hậu Giang 2; Cá rô Hậu Giang; Quýt đường Long Trị; Cá thát lát Hậu Giang; Khóm Cầu đúc Hậu Giang; Xoài cát Hậu Giang; Cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, 03 nông sản (cam sành, khóm và cá thát lát) đã phát triển thành thương hiệu khá nổi tiếng.
Hậu Giang có những cam kết và tạo điều kiện như thế nào nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh tại địa phương, đồng thời mở rộng, tăng cường hợp tác đầu tư và liên kết với toàn vùng ĐBSCL trong thời gian tới ?
– Hậu Giang xác định rõ, doanh nghiệp chính là động lực quan trọng để tỉnh phát triển, chính vì vậy Hậu Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư tại Hậu Giang.
– Thực hiện đầy đủ các chính sách đãi ngộ doanh nghiệp theo qui định, đồng thời sẽ vận dụng và ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù cho những doanh nghiệp đầu tư vào những ngành, vlĩnh vực ưu tiên của tỉnh(Khu nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất bền vững, chế biến nông sản sạch,…).
– Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hiện tượng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, tạo ấn tượng tốt nhất cho nhà đầu tư.
Hiện đang có những vướng mắc nào đang cản trở sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương vùng ĐBSCL trong vấn đề phát triển kinh tế vùng ?
– Quy hoạch chưa đồng bộ
– Cơ chế “ràng buộc” chưa rõ ràng
– Sự quyết tâm, đồng thuận chưa đủ lớn của lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng.
– Hiện tượng tự cạnh tranh lẫn nhau giữa các tỉnh, thành trong vùng.
– Những vấn đề chung, nhưng mỗi tỉnh, thành lại có cách xử lý khác nhau.
Những tiềm năng và thế mạnh nổi bật nào sẽ được tỉnh Hậu Giang chú trọng và khai thác hiệu quả trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu của Diễn đàn lần này là “ĐBSCL – chủ động hội nhập và phát triển bền vững”?
– Có diện tích đất sạch khá lớn (giá thuê lại cạnh tranh) ở các khu công nghiệp, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
– Lao động khá nhiều
– Sự quan tâm, tạo điệu kiện của lãnh đạo tỉnh
– Thuận lợi giao thông, nhất là giao thông thủy (có Sông Hậu, Kênh xáng Xà No,..).
– Tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch về địa chỉ đỏ:vườn tràm Vị Thủy, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Nông trường mùa xuân, Đền thờ Bác, Khu tích chiến thắng Chương Thiện,…
Vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nâng cao hơn nữa giá trị nông, thủy sản, tăng cường năng lực cạnh tranh của nông nghiệp VN trên thị trường quốc tế ?
– Xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho hàng hóa.
– Hỗ trợ khoa học công nghệ.
– Xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp.
– Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
A.T (Nguồn: TC Văn hóa doanh nhân)