Ngày 13&14/10/2018, tại Hội trường A509, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh – 280 An Dương Vương, P.4, Q.5, TP. Hồ Chí Minh, Hội thảo khoa học quốc tế “Tiếng Nga trong thời đại mới” được tổ chức.
Hội thảo do Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Trung tâm Nga thuộc quỹ “Thế giới Nga” thực hiện. Hội thảo diễn ra trong 02 ngày với nhiều vấn đề khoa học mang tính hệ thống về Nga ngữ cũng như định hướng giảng dạy tiếng Nga, đào tạo nhân lực tiếng Nga trong thời đại mới. Đây cũng là một trong chuỗi sự kiện đặc biệt kỉ niệm 40 năm thành lập Khoa tiếng Nga – Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (15/10/1978 – 15/10/2018), 15 năm thành lập Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội (2003 – 2018).
Hội thảo quốc tế này là điểm đến nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, các chuyên gia Nga ngữ, các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước trao đổi các vấn đề cấp thiết trong việc đào tạo tiếng Nga giai đoạn hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên giảng dạy tiếng Nga và nguồn nhân lực lao động biết tiếng Nga trong các cơ sở giáo dục Việt Nam, Liên bang Nga và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những trọng điểm được “đặt hàng” nhằm đón đầu kết quả dự báo nhu cầu nhân lực tiếng Nga nếu vấn đề giảng dạy ngoại ngữ này không được đầu tư hay không có sự quan tâm mang tính hệ thống, lâu dài… Nguy cơ này có thể xảy ra nếu Việt Nam không chuẩn bị nguồn lực này khi đầu tư từ Nga cho Việt Nam đặc biệt là một số tình thành trọng điểm đang phát triển…
Đến dự Hội thảo có trên 100 đại biểu trong đó bao gồm 25 đại biểu đến từ các Trường Đại học hàng đầu của Nga và Châu Á, hơn 75 đại biểu là các học giả, nhà Nga ngữ học – giảng viên tiếng Nga tại Việt Nam. Đến từ Nga và các nước, có các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên: Ông A.V. Popov: Tổng lãnh sự LB. Nga tại TP. Hồ Chí Minh; TS. N.B. Zolkina: Giám đốc Trung tâm Nga thuộc Quỹ Thế Giới Nga; PGS.TS. N.A. Kutyreva: Trung Tâm KH&VH Nga tại Hà Nội; Bà Moiseeva Tatyana Borisovna – Hiệu trưởng trường Tiểu học thuộc Tổng lãnh sự quán LB Nga tại TP. Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Tomsk, LB Nga; ĐH THQG Vladivostok, LB Nga; ĐH Tổng hợp Kinh tế – Dịch vụ Vladivostok, LB Nga; Đại học ngôn ngữ quốc gia Nizhny Novgorod mang tên N.A. Dobrolyubova, LB Nga; Đại học Quốc gia Lào; Đại học Ngoại ngữ Yangon, Myanmar; Đại học Ramkhakheng, Thái Lan; Đại học Tammasat, Thái Lan; Hiệp hội các giảng viên tiếng Nga và văn học Nga tại Việt Nam; Hội Hữu nghị Việt – Nga thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga; Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Đại học Bình Dương; Đại học Thái Nguyên; ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Đại biểu từ trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh gồm: PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn: Phó hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Tiến Công: Trưởng Phòng KH & CN – Tạp chí khoa học; ThS. Nguyễn Thị Tú: Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế; ThS. Huỳnh Công Ba: Trưởng phòng Công tác chính trị – HSSV; TS. Nguyễn Thị Hằng: Trưởng khoa Tiếng Nga; TS. Nguyễn Thị Giang: Phó Trưởng khoa Tiếng Nga… cùng giảng viên, cựu giảng viên và sinh viên của khoa Tiếng Nga thuộc Trường và một số giảng viên đã từng học tập và nghiên cứu ở Nga.
Bên cạnh đó, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, người chuyên dịch các tác phẩm của Pushkin sang tiếng Việt cũng đến dự và có báo cáo rất tâm huyết về vấn đề dịch thuật cũng như đào tạo chuyên gia dịch thuật tiếng Nga tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay trong những thách thức thời cuộc.
Với hơn 70 tham luận từ các quốc gia gửi tới, BTC thẩm định và lựa chọn 44 bài đăng trong Kỉ yếu khoa học Hội thảo do NXB Đại học Sư phạm TP.HCM cấp phép theo các nhóm vấn đề:
- Đánh giá khoa học, toàn diện tình hình và kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tiếng Nga tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam hiện nay; Làm rõ những thuận lợi và khó khăn của việc tổ chức giảng dạy tiếng Nga trong bối cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam hiện tại;
- Quảng bá vai trò và vị thế của tiếng Nga trong khuôn khổ giáo dục toàn cầu và giáo dục Việt Nam hiện nay;
- Đề xuất các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên giảng dạy tiếng Nga trong các cơ sở giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới; cách thức đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cử nhân tiếng Nga ở khu vực phía Nam trong giai đoạn hiện nay;
- Tạo điều kiện trau dồi kiến thức và trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà Nga ngữ học trong nước và quốc tế;
- Khẳng định và nâng vị thế của Khoa tiếng Nga trong việc đào tạo tiếng Nga tại khu vực phía Nam và trên cả nước.
Có thể khẳng định Hội thảo đã mang đến những bài toán về vấn đề giảng dạy tiếng Nga trong thời đại mới. Song song đó, một số bài toán cũng đã được giải quyết. Nổi bật nhất, phân tích về vấn đề nhu cầu nhân lực tiếng Nga, các vấn đề về đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Nga, Giáo viên tiếng Nga được khắc họa sắc nét để các cơ quan có trách nhiệm, các trường đào tạo cử nhân ngoại ngữ, các nhà tuyển dụng và cả những trường phổ thông và các cơ sở giáo dục nghiên cứu. Bài toán dự báo nhân lực, kế hoạch hóa tạo nguồn đào tạo, triển vọng việc làm của người học tiếng Nga là những thông tin cho thấy tiếng Nga trong thời đại mới vẫn là ngoại ngữ cần thiết và khả dụng nếu đầu tư ngay theo lộ trình, có cân nhắc, tính toán bài bản.
(Phong Phong/Tổng hợp)
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media