Viện CFA (Chartered Financial Analyst) lần đầu tiên tổ chức hội thảo về phụ nữ trong ngành quản lý tài chính. Sự kiện thu hút sự quan tâm tham gia của các thành viên đã có bằng CFA và ứng cử viên đang theo học bằng CFA cũng như các bạn trẻ đang có ý định theo ngành tài chính. Hội thảo hướng đến mục tiêu khuyến khích phụ nữ tham gia lĩnh vực tài chính ở Việt Nam.
Hội thảo về Phụ nữ trong lĩnh vực Quản lý Đầu tư được CFA tổ chức cho các thành viên, nhân viên Viện CFA và những người theo học bằng CFA với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới tính và khuyến khích phụ nữ tham gia làm việc cũng như theo đuổi con đường học vấn trong ngành tài chính, đồng thời tạo diễn đàn cho các phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với sinh viên, nhân viên và đồng nghiệp.
Hội thảo tại Việt Nam có sự tham gia của các diễn giả là những phụ nữ thành đạt đến từ những công ty quản lý quỹ của ngành bảo hiểm: bà Trần Thị Kim Cương, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Manulife Việt Nam và bà Lê Thị Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Quỹ ACE Life.
Bà Trần Thị Kim Cương, CFA, chia sẻ về câu chuyện về con đường sự nghiệp tài chính. Bắt đầu ở vị trí của một giảng viên, khi thị trường tài chính Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ, môi trường đại học không còn phù hợp nữa, bà mạnh dạn rẽ ngang sang con đường tài chính vì muốn học tập kinh nghiệm tài chính thực tế từ môi trường làm việc bên ngoài. Bà đã từng từ chối cương vị CEO của một công ty chỉ để làm Trưởng phòng Quản lý Tài sản vì muốn có kinh nghiệm vững vàng về Quản lý Tài sản trước khi ngồi vào chiếc ghế CEO. Đến nay, bà đã có dày dặn kinh nghiệm để đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Manulife Việt Nam.
Bà Lê Thị Hồng Thái, CFA, cho rằng yếu tố quan trọng hàng đầu để tiến bước trên sự nghiệp tài chính là có một người cố vấn chuyên nghiệp luôn sẵn sàng đưa ra lời khuyên hữu ích và khuyến khích tiếp bước trên con đường tài chính gian nan. Đó là lý do bà đã có những bước tiến vững vàng từ Chuyên viên Phân tích Tài chính của Bloomberg, bà chuyển sang làm việc một quỹ đầu tư ở Hong Kong và quay trở về Việt Nam nắm vị trí Trưởng phòng Đầu tư cho Quỹ Đầu tư ACE Life và sau này là Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Quỹ ACE Life.
Theo báo cáo của Viện CFA, tính đến tháng 06 năm 2015, trên toàn thế giới chỉ có 31% ứng cử viên theo học chương trình tài chính CFA là phụ nữ và tỉ lệ phụ nữ đã hoàn thành xong CFA là 18%. Theo dữ liệu của Việt Nam, tính đến tháng 03 năm 2016, Việt Nam có 142 người được trao bằng CFA, trong đó 60 là nữ, tỉ lệ phụ nữ có bằng CFA ở Việt Nam là 42%. Như vậy, tín hiệu đáng mừng là Việt Nam có sự chênh lệch nam nữ trong ngành tài chính thấp hơn mức bình quân toàn cầu.
Hội thảo cũng đưa ra những giải pháp để gia tăng sự tham gia của giới nữ trong lĩnh vực tài chính, như (1) tạo môi trường làm việc thuận tiện và ưu tiên cho phụ nữ; (2) khuyến khích phụ nữ làm việc bằng cách tạo cơ hội cho họ được phát huy năng lực và (3) phát động chương trình người đồng hành trong công việc, phụ nữ có kinh nghiệm hơn sẽ cố vấn và hướng dẫn các bạn nữ trẻ mới vào nghề.
Ngoài ra, để cân bằng cuộc sống và công việc, gia đình, phụ nữ được khuyến khích dành thời gian cho riêng mình qua các khóa học yoga, tập thể dục, chăm sóc da và vui chơi cùng bạn bè. Điều này sẽ giúp làm giảm áp lực cuộc sống và đem lại nguồn năng lượng mới cho năng suất làm việc tốt hơn.