Từ khi những chương trình thi nhảy múa như So you think you can dance – Thử thách cùng bước nhảy, Dancing with the star – Bước nhảy hoàn vũ… đến Việt Nam có sự hưởng ứng nhiệt tình từ giới vũ công, nghệ sĩ và sự đón nhận của công chúng, giới trẻ Việt Nam bắt đầu đua nhau học nhảy múa. Các trung tâm “truyền nghề” cũng được mở ra nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu có thật này. Nhưng đó chỉ là trào lưu mang tính bề nổi.
Từ học chính quy đến kinh nghiệm
Chị H. dẫn con gái 3 tuổi đến học nhảy tại lớp học của cô Natasha, giáo viên dạy ballet trong Trường Soul Dance. Chị kể khi thấy mấy chị lớn nhảy, con gái chị, cháu V.A nói với mẹ muốn học nhảy. Và chị đưa bé đến trường vì đơn giản đó là nguyện vọng của bé. Trong lớp học chưa đầy chục học viên, Natasha đang dạy nhảy thực sự cho những đứa trẻ 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi và lớn nhất cũng chỉ 8 tuổi. Những đứa trẻ bỏ qua lời chỉ dẫn của cô, mặc sức đùa nghịch và làm bất cứ gì chúng thích hay thậm chí, V.A nhất quyết không chịu xếp hàng theo hướng dẫn của cô vì “con không thích đứng đó”. Đáp lại, Natasha chỉ cười và cố gây chú ý cho một đứa trẻ. Cô bảo đó là bí quyết vì chỉ cần một đứa trẻ tập trung, những đứa khác chắc chắn làm theo. Quả thật, ngay khi vừa dứt lời, những cô bé chưa hiểu hết những gì cô giáo nói nhưng làm đúng những gì chúng thấy. Nhún chân, đá chân, di chuyển lên xuống chậm nhưng đúng từng động tác mà Natasha đang làm. Natasha nheo mắt mỉm cười với khách tham quan với ngụ ý rằng: “Tôi nói có sai đâu”.
“Nhu cầu học nhảy hiện nay rất lớn” – đó là khẳng định của bà Nguyễn Phước Hồng Hạnh, quản lý trung tâm dạy nhảy Dance Center. Ngoài những trường dạy nhảy múa chính quy, các trung tâm tư nhân như Dance Center, Soul Dance Academy hay những lớp học của các vũ công thuộc vũ đoàn: Hoàng Thông, Bước Nhảy, ABC, các thí sinh có thành tích trong cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy đều có cơ sở dạy nhảy riêng hoặc dạy nhảy theo yêu cầu. Nếu các lớp nhảy của Dance Center hay Soul Dance Academy đào tạo theo giáo trình giảng dạy chính quy của các trường trên thế giới thì những lớp dạy nhảy quy mô nhỏ hơn của các vũ công thường truyền đạt kinh nghiệm là chính.
Ở các lớp học do Natasha, Alexander Tú, John Huy Trần hướng dẫn…, học viên thường là những đứa trẻ. Đó là những đứa trẻ con nhà khá giả vì như chị Hồng Hạnh chia sẻ: “Với học phí khá cao của trung tâm, nếu không phải gia đình có điều kiện thì khó có thể theo được”. Một trong những nguyên nhân khiến Dance Center trở thành trung tâm đào tạo đắt tiền vì giáo viên được mời từ nước ngoài, những người có chuyên môn cao và có bằng cấp về đào tạo. Trong khi đó, chương trình đào tạo tại Soul Dance Academy sử dụng giáo trình giảng dạy được thiết kế từ chương trình ISTD (Imperial Society of Teachers of Dancing) – Hội đồng khảo thí hàng đầu thế giới về tất cả các bộ môn vũ đạo nên việc theo đuổi các lớp học nhảy ở đây không hề đơn giản. Hẳn nhiên, học phí cũng cao so với các lớp học của những vũ công có nghề mở ra.
Vui là chính
Thực tế, mục đích đến với trường học nhảy múa ở mỗi người mỗi khác nhưng vui là mục đích cuối cùng của những lớp học này. Biên đạo múa Alexander Tú bảo rằng trước đây anh đến với múa cũng đâu có niềm đam mê gì. Anh nhảy vì thấy vui và cảm giác vui mỗi khi được nhảy ngày càng nhân lên nên anh yêu nhảy múa lúc nào chẳng hay. Vậy nên, thông điệp mà anh gửi đến học trò của mình cũng chỉ là nhảy cho vui. Những giờ học nhảy thực tế là cách để những đứa trẻ kết nối với nhau, các bài nhảy không chỉ có tác dụng khỏe mạnh về thể chất mà còn tác động để phát triển trí tuệ. Anh bảo: “Sự tập trung cao độ khi nhảy luôn đòi hỏi bạn phải nghĩ đến động tác tiếp theo trước khi thực hiện nó. Các động tác luôn đòi hỏi sự tương tác với nhau một cách chặt chẽ và logic để cơ thể không chấn thương và động tác cũng sẽ đẹp mắt. Điều mà tôi nhận được nhiều nhất chính là sự cởi mở, thân thiện của các học viên. Nhảy đã gắn kết mọi người lại với nhau”.
John Huy Trần cho biết giáo trình giảng dạy ở Dance Center dành cho một học viên muốn trở thành vũ công thực sự sẽ mất khoảng 12 năm với 6 khóa học từ lớp 1 đến lớp 6. Hẳn nhiên, đây chỉ là một vũ công tạm xem thuần thục ở mức hiểu cơ thể và có thể học các động tác nhảy. “Còn để trở thành một vũ đạo, tức chỉ cần nghe một giai điệu và chuyển hóa giai điệu ấy thành những bước nhảy bằng chuyển động cơ thể chắc chắn bạn phải học rất nhiều thứ và cần rất nhiều thời gian” – John Huy Trần nói.
Chị Natasha, giáo viên dạy môn ballet và cũng là giám đốc soạn thảo giáo trình giảng dạy nhảy múa ở Soul Dance Academy, nói rằng: “Học nhảy phải bắt đầu từ những bước căn bản. Để có thể nhảy được, bạn sẽ mất khoảng 10 năm, với điều kiện là người cực kỳ chăm chỉ, thông minh và tất nhiên phải xem nhảy là tình yêu của đời mình”.
Kỳ tới: Không đam mê, chẳng thành công
Bài và ảnh: Thùy Trang
Theo báo Người Lao Động