Học lối sống tối giản của người Nhật, vợ chồng Hân (Kiên Giang) chỉ dùng vài bộ quần áo, treo lên một cành cây, thay vì cho vào tủ.
Sau đám cưới tháng 10/2017, vợ chồng Nguyễn Thị Hân (30 tuổi) và Võ Hoàng Bắc (29 tuổi) về ngôi nhà này ở. Sống tối giản, đôi trẻ nói với bố mẹ “Chỉ lấy nhà, không lấy đồ” và gửi trả toàn bộ nội thất.
“Bọn mình không dùng tủ quần áo, tivi, bàn ghế phòng khách, tủ trang trí, cũng như kiểu giường truyền thống nặng nề, nồi niêu, chén bát không phù hợp. Các cụ cho gì hai đứa cũng không lấy nên cứ bị mắng là hâm, dốt”, Hân kể.
Cậu bé Lu, con trai của Hân – Bắc, thích chơi với nắng và đồ chơi gỗ bố làm. Ảnh: H.B
Họ dành 150 triệu đồng sửa lại ngôi nhà theo sở thích của mình. Bắc tự làm chiếc dát giường, vài kệ gỗ, một bàn tiếp khách và những món đồ chơi cho con trai. Diện tích ngôi nhà hơn 100m2, trước đây có hai phòng ngủ, nhưng họ đã phá đi một phòng để phòng khách dài và thoáng hơn.
Hiện tại, Hân có 3 bộ đồ mặc nhà, 3 chiếc áo thun và 2 quần jean khi đi ra ngoài. Chồng cô – nhân viên một công ty xuất khẩu gạo – thậm chí ít đồ hơn cả vợ, chỉ có hai bộ đi làm. Khi nào có tiệc, hai vợ chồng sẽ đi thuê đồ diện.
Quần áo của cậu con trai cũng ít ỏi hơn nhiều những đứa trẻ khác, không có bình sữa. Cậu được mẹ bỏ bỉm từ khi 2 tháng tuổi.
Hân dùng một bếp từ đơn để nấu nướng, thường là nấu món kho hoặc xào, còn lại các loại củ, hạt sẽ hấp chung khi nấu cơm, để “tận hưởng vị nguyên lành của thức ăn”. Trong nhà không dùng hóa chất, mà dùng các loại xà phòng làm từ bồ hòn để tắm rửa, giặt giũ. Họ cũng hạn chế tối đa dùng nilon.
Sinh trưởng trong gia đình nhà giáo tạo nên tính cách lạc quan, giản dị trong Hân. Từ ngày còn sinh viên, căn phòng của cô đã gọn gàng, chuyện ăn uống vô cùng đơn giản, thường là cơm với rau củ luộc. Sau này đi làm ngân hàng, Hân thấy công việc lấy đi của mình quá nhiều thời gian, sức khoẻ.
“Lúc ấy mình như cánh chim lạc đàn vì không tìm thấy ai chung suy nghĩ. Mình bắt đầu muốn sống chậm lại, khoẻ mạnh hơn và bền vững hơn. Khi gặp anh Bắc năm 2016, mọi thứ vỡ oà vì anh đồng quan điểm có nhiều thứ thừa thãi trong cuộc sống, cũng như ủng hộ những định hướng của mình”, cô cho hay.
Hân sôi nổi, Bắc trầm tính, nhưng có chung sở thích sống tối giản. Ảnh: T.B
Sống đơn giản nên tình yêu của họ cũng vậy. Đôi uyên ương không đi cà phê, siêu thị, ăn hàng mà thường cùng nhau đi tập yoga, trồng rau, đọc sách. “Hân là con gái mà không thích hoa, cũng chẳng thích nữ trang hay mỹ phẩm, chỉ muốn được vui cười, khỏe mạnh và yêu thương nhau. Nên từ lúc yêu đến sau này đã cưới, mình chẳng phải khổ công chuẩn bị quà cho cô ấy”, Bắc cho hay.
Sau này cùng đọc những cuốn sách về tối giản, lối sống tích cực, cả hai càng có sự đồng điệu. Họ đã lên ý tưởng về đám cưới đơn giản. Lần ấy, Hân mặc lại chiếc váy cưới chị gái từng mặc. Bắc diện chiếc áo sơ mi trắng quen thuộc, cả hai đeo nhẫn gỗ. Cô dâu thích hoa dại nên chú rể hái lá bạch đàn làm hoa cưới.
Họ đã có một lễ cưới riêng đáng nhớ với những người bạn thân. Đồ cưới đều do mọi người góp tặng, chú rể tự đóng bàn đón khách. Mọi người ca hát, nhảy múa.
Gác xép nơi làm việc của Bắc chỉ treo vài bộ quần áo đi làm và bộ máy tính làm việc. Ảnh: H.N
“Hàng ngày mình về buổi trưa lo cơm nước, còn vợ dồn toàn thời gian cho con. Từ lúc có con, hai đứa càng ý thức sống đơn giản hơn, vừa để làm gương cho con, vừa để con được sống trong môi trường sở hữu ít nhưng hạnh phúc nhiều”, Bắc nói.
Lối sống của họ ảnh hưởng cả đến những người bạn. Tô Thanh Xuân, một chủ shop quần áo ở thành phố Rạch Giá, cho biết cô chơi thân với Hân nhiều năm, nhưng trước đây hai người theo hai phong cách khác biệt: “Mình thích ăn hàng, ăn thịt và mua quần áo đến 40% thu nhập mỗi tháng. Hân ít khi nói mà dùng hành động ảnh hưởng đến mình dần dần. Giờ thì mình thích rau quả, nước ép như Hân, quần áo cũng chỉ hết 200-300 nghìn mỗi tháng và chỉ mua món mới khi bỏ đi món cũ”, Thanh Xuân cho hay.
Tuy Hân nghỉ việc nhưng đôi vợ chồng không có nỗi lo về kinh tế. Với tổng thu nhập khoảng 25 triệu/tháng (từ thu nhập của chồng và tiền lãi đầu tư spa của vợ), họ tiết kiệm 10 triệu, số còn lại thoải mái cho cả nhà chi tiêu.
Đến thời điểm này với Hân và Bắc, vật chất không còn quá quan trọng như số đông đang phải lao lực để giành lấy. “Chỉ cần sống chậm lại và hiểu mình thực sự muốn một cuộc đời như thế nào thì tự khắc sẽ biết mình phải làm gì”, họ quan niệm.
Sống tối giản bắt đầu được nói nhiều đến nhiều ở Nhật vào khoảng 2010-2011, đặc biệt sau thảm họa động đất sóng thần cướp đi nhiều sinh mạng, khiến người ta đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Có thống kê cho thấy khoảng 30-50% thương vong xảy ra sau động đất là do đồ đạc rơi vỡ. Nếu sống trong các căn phòng ít đồ, giản dị thì người dân sẽ bớt được những nỗi lo tổn hại về tài sản vật chất. Bên cạnh đó, tối giản sẽ không mất nhiều thời gian cho việc dọn dẹp và mua sắm đồ đạc, ít hơn để hạnh phúc hơn. Reuters từng có bài viết chỉ ra phong trào tối giản ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong xã hội Nhật Bản.
Sống tối giản cũng không có nghĩa là lược bỏ tất cả một cách cực đoan, ví như sống kham khổ, hoặc kiềm chế quá mức việc mua sắm. Điều quan trọng là loại bỏ những gì có thể gây mất tập trung, ảnh hưởng tiêu cực tới mình. Nó không chỉ tập trung vào vật chất, mà còn có thể áp dụng cho công việc, mối quan hệ, đời sống tinh thần.
Người tối giản hay dậy sớm, chú ý sức khỏe về ăn uống và thể dục, đọc sách, dành thời gian cho người thân, hướng đến sống xanh, bảo vệ môi trường.
Theo VnE/Phan Dương
https://vnexpress.net/doi-song/hoc-nguoi-nhat-cap-vo-chong-de-nha-trong-tron-3933367.html