Có lẽ, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, học hành là mối quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình người Việt. Trẻ càng lớn thì áp lực học hành song hành với áp lực kỳ vọng của cha mẹ càng cao. Cũng có thể về mặt tâm lý những điều cha mẹ chưa làm được trong cuộc đời mình thì con cái mình sẽ là người thực hiện những hoài bão, ước mơ đó. Vì vậy, có rất nhiều cha mẹ điều kiện kinh tế khác nhau nhưng ưu tiên hàng đầu cho con cái là giáo dục.
Bản thân tôi cũng có một cô con gái nhỏ, mới học hết lớp 1. Tôi cũng đã từng loay hoay chọn lựa xem phương cách giáo dục nào tốt nhất cho con mình. Tôi còn nhớ trong một buổi họp phụ huynh học sinh mà tôi có tham dự. Khi cô giáo giải thích sự thay đổi việc đánh giá năng lực của học sinh không bằng điểm số nữa mà thay vào đó là những lời nhận xét của giáo viên. Khá nhiều phụ huynh trong buổi họp hôm đó phản ứng lại vì cho rằng nếu chỉ có mỗi nhận xét của giáo viên như vậy làm sao biết con mình giỏi, dở thế nào? Nhiều người còn đề xuất nên duy trì việc xếp hạng, và phải có phần thưởng cho các em học giỏi. Trong buổi họp đó, tôi nhận thấy sự lúng túng của cô giáo trong việc giải thích chủ trương của ngành giáo dục với số đông phụ huynh đang rất hăng hái với việc học phải đi đôi với điểm số và thành tích.
Một kinh nghiệm quý báu cho việc giáo dục con cái: việc học của trẻ phải thực sự là sự vui thích. Người làm cha, làm mẹ phải biết “làm bạn” với con để có thể trò chuyện, đối thoại với con, từ đó cùng xây dựng nguyên tắc đồng thuận giữa cha mẹ và con cái.
Con gái của tôi vốn là đứa trẻ nhút nhát, ít giao tiếp xã hội. Cháu thường thích trò chuyện với cha mẹ hơn những người khác. Điều này làm cho chúng tôi hơi lo lắng về tính cách của cháu. Khi cháu vào lớp 1, chúng tôi quyết định cho cháu học bán trú vì tin rằng cháu sẽ có thêm nhiều bạn mới khi có nhiều thời gian bên bạn bè. Ngoài ra, chúng tôi còn cho cháu học thêm với một cô giáo đã về hưu dạy thêm gần nhà, với mục đích không đặt nặng việc học mà bước đầu giúp cháu làm quen mặt chữ và có cơ hội giao tiếp với bạn bè vì lớp học có khá đông trẻ cùng trang lứa. Thời gian đầu cháu rất thích thú với việc đi học, nhưng lâu dần, những áp lực từ các thành viên khác trong gia đình thúc ép cháu đến giờ phải đi học, phải làm bài, không được xem tivi, v.v. Cháu bắt đầu trở nên căng thẳng, phản ứng lại bằng cách khóc lóc, không muốn đi học.
Do công việc, tôi đi làm xa nhà, mỗi tuần chỉ gặp cháu vài ngày. Những sự việc đó tôi không thông suốt nên trong một lần chở cháu đi học. Cháu mới thỏ thẻ nói chuyện với tôi rằng: “Tại sao bạn con không cần đi học thêm, còn con phải học?” Tôi hình dung ra sự việc đã trở nên trầm trọng, nên việc đầu tiên trong ngày hôm đó là xin cho cháu nghỉ học thêm. Nghe tin đó cháu vui vẻ, hoạt bát hẳn như vừa mới được cởi một gánh nặng.
Qua việc này, tôi rút ra một kinh nghiệm quý báu cho việc giáo dục con cái. Việc học của trẻ phải thực sự là vui thích. Người làm cha, làm mẹ phải biết “làm bạn” với con để có thể trò chuyện, đối thoại với con, từ đó cùng xây dựng nguyên tắc đồng thuận giữa cha mẹ và con cái. Ta tìm hiểu xem trẻ thích điều gì và cân nhắc việc đó có phù hợp với con hay không rồi trò chuyện, thảo luận với con. Nếu trẻ không thích thì đừng ép buộc.
Nguyễn Đức Lộc
Theo báo Thế Giới Tiếp Thị