Khát vọng chưa hoàn thành của cha mẹ trao gánh nặng lên đôi vai nhỏ bé của con trẻ. Chúng ta đang kỳ vọng quá nhiều vào con vô tình tạo thành áp lực bóp nghẹt ước vọng sống theo đúng nghĩa của trẻ. Có bao giờ ta giật mình tự hỏi: Đó là tình yêu hay tội lỗi!?

Sáng sớm, trên “tường” nhà cô bạn nhấp nháy dòng trạng thái: “Có một học trò từng nói với tôi: Chỉ có người chết là thoải mái nhất. Còn người sống thì có bao giờ hết khổ hả cô. Thằng bé chưa đầy 20 tuổi mà hoang hoải, tang thương như đã đi gần hết cái dốc bên kia của đời người.

Rốt cuộc chúng ta đã làm gì con trẻ??? Thờ ơ, ghẻ lạnh hay yêu thương đến ngạt thở hoá ra đều tội lỗi như nhau. Chúng đến với ta bằng cuộc đời của riêng chúng. Nhưng ta lại đang bắt chúng phải nối dài cuộc đời của chính ta. Người giỏi thì yêu cầu con cái phải giỏi như mình. Người kém thì muốn: Con hơn cha… Và tất cả bị đẩy vào một cuộc chạy đua bất tận”….

Bất giác, tôi nghĩ đến con gái học lớp 12 sắp thi đại học, chọn trường, chọn nghề luôn đau đầu cha mẹ. Người làm cha mẹ luôn kỳ vọng những nghề nghiệp có tương lai (nối tiếp cha mẹ hay triển vọng xin việc làm sau này) mà quên đi những suy nghĩ, đam mê, sở thích của con.

Đa chiều - Học cách hiểu con
Các em học sinh sắp phải bước vào kỳ thi THPT căng thẳng. 

Tôi nhớ, ngày đầu  năm đi xin chữ, cô con gái sau một hồi nghĩ ngợi… “xin thầy cho con chữ Quân”. Khi được hỏi vì sao xin chữ lạ như vậy? Con đáp rằng: “Quân là  vua, quân cũng là chủ… Con muốn được làm chủ cuộc đời của chính mình”.

Lời con trẻ khiến ta phải suy nghĩ, lâu nay ta đã áp đặt suy nghĩ của bậc làm cha mẹ lên con. Bắt con phải chọn lựa theo mong muốn của cha mẹ. Con không có quyền được lựa chọn những gì con thích.

Hóa ra con đang sống hộ cha mẹ. Thì ra không phải cha mẹ hy sinh cho con mà ngược lại chính con đang hy sinh bản thân để nối dài cuộc sống của cha mẹ, hoàn thiện những ước mơ dở dang của người đi trước!

Ta đang yêu thương con hay từng ngày, từng ngày áp bức, bóc lột con từ khi còn trong trứng nước. Sự yêu thương đến ngột ngạt mà con trẻ từng ngày, từng ngày phải đón nhận một cách thụ động, không dám kháng cự!

Ngoài xã hội, những vụ án ở tuổi vị thành niên, những đứa trẻ vùi mình trong ma túy, tình dục ngày càng nhiều hơn… Xã hội lên án chúng là những đứa trẻ hư, không giáo dục. Nhưng trong mỗi đứa trẻ ấy có sự cô độc như tiếng tru của loài sói hoang trong đêm trăng lạnh. Chúng tìm cách phá phách để được ai đó chú ý tới. Chỉ khi đau đớn đến tận cùng, thương tích đầy mình sói mới thấy bản thân đang tồn tại.

Sinh con ra, cha mẹ có quyền được yêu thương, dưỡng dục con. Nhiều người đã sử dụng quyền ấy không đúng cách. Mỗi người làm cha mẹ đều từng nghe đến câu nói của GS. Hồ Ngọc Đại “trẻ em luôn đúng” nhưng có mấy ai đứng trên lập trường, suy nghĩ của trẻ để lắng nghe, trao niềm tin cho trẻ. Chúng ta vẫn giáo dục, yêu cầu con theo mũi tên một chiều: Cha mẹ nói con phải nghe!

Mùa thi năm nay đến muộn, nắng nóng oi nồng của thời tiết chưa chắc đã ngột ngạt bằng vùng áp nóng đang luân chuyển trong tâm trí con trẻ. Nhiều em đang phải đấu tranh với tương lai sống cho đam mê của bản thân hay nhắm mắt, ngoan ngoãn nghe theo sắp xếp của cha mẹ.

Khi giáo dục còn nặng bệnh thành tích, con vào đại học là tấm huy chương treo trên ngực cha mẹ, là niềm tự hào để cha mẹ thấy bằng bạn bằng bè thì chắc chắn con trẻ chẳng bao giờ nhận được câu nói: “Đừng làm khó bản thân, con thấy vui là được”!

Người làm giáo dục hãy lấy trẻ làm trung tâm. Đừng biến trẻ thành chuột bạch để thỏa mãn tư duy nhiệm kỳ, đổi mới. Người làm cha mẹ lắng nghe tiếng lòng con trẻ, hãy học cách hiểu con.

Người tài chỉ xuất hiện khi được sống và cống hiến với đam mê. Mọi sự ép buộc chỉ tạo ra sự khiếm khuyết trong nhận thức và tâm hồn.

Nguồn: nguoiduatin.vn

https://www.nguoiduatin.vn/hoc-cach-hieu-con-a477393.html

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc