Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 diễn ra đêm chung kết lúc 20 giờ tối qua 28/8 tại Nhà thi đấu Phú Thọ – TPHCM và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1. Diễn ra ở đô thị sôi động bậc nhất cả nước, Hoa hậu Việt Nam để lại cho công chúng nhiều điều đáng suy ngẫm.

Trước hết, Hoa hậu Việt Nam 2016 xôn xao nhất vì có nhiều thí sinh rút lui trước đêm chung kết. Theo kế hoạch, có 36 thí sinh trên toàn quốc sẽ so tài để giành vương miện. Thế nhưng, cuối cùng chỉ còn lại 30 thí sinh. Các nhan sắc bỏ nửa chừng gồm Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Ngọc Vấn, Lê Trần Ngọc Trân, Phạm Châu Tường Vi, Trần Ngô Thu Thảo và Nguyễn Thị Như Thủy. Lý do thí sinh phải dừng chân là do bị tố cáo khuyết điểm hình thể hoặc hành vi, trong đó có hai trường hợp… sửa răng. Đành rằng, cuộc thi Hoa hậu không chấp nhận thí sinh đã qua giải phẫu thẩm mỹ, nhưng chuyện sửa răng rất khó khống chế. Ví dụ, thí sinh đã từng bị tai nạn gãy răng, thì không lẽ bị tước đoạt mất quyền tỏa sáng nhan sắc trước cộng đồng. Hơn nữa, kỹ thuật nha khoa bây giờ đã tiến bộ rất nhiều, và đời sống của người dân cũng đã được nâng lên. Không ít bé gái từ nhỏ đã được chăm sóc nha khoa tử tế, thậm chí đã niềng răng từ khi tiểu học. Do vậy, không nên gộp chuyện sửa răng vào giới hạn phẫu thuật thẩm mỹ. Và trên thực tế, quá trình thẩm định nhân trắc học không thể phát hiện thí sinh sửa răng, mà chủ yếu là do các thí sinh tố cáo lẫn nhau.

16-14-46_vuong-mien-ho-hu-vn-2016Chiếc vương miện Hoa hậu Việt nam 2016

Một cái nhất đáng buồn cười là lần thứ nhất đương kim Hoa hậu không được trao vương miện cho người kế nhiệm. Nguyên nhân Hoa hậu Việt Nam 2014 – Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị dính scandal hút thuốc lá tại một quán cà phê. Đây là một cách trừng phạt kiểu cảm tính nương theo dư luận. Bởi lẽ, không có một điều khoản nào trong quy chế Hoa hậu Việt Nam nghiêm cấm Hoa hậu hút thuốc lá. Hơn nữa, Hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc lá ở nơi được phép hút thuốc lá, chứ không phải ở bệnh viện hay trường học. Sự cố của Hoa hậu Kỳ Duyên khiến những người hâm mộ thấm thía rằng làm Hoa hậu cũng không sung sướng gì.

Hoa hậu Việt Nam 2016 cũng lập kỷ lục về chiếc vương miện có giá trị cao nhất. Vương miện được thiết kế công phu, gắn 63 viên ngọc trai tượng trưng cho 63 tỉnh thành, kèm theo 3.260 viên đá sapphire tượng trưng cho 3.260 km bờ biển. Ngoài chiếc vương miện 2,2 tỷ đồng, Hoa hậu Việt Nam 2016 còn nhận được tiền thưởng 500 triệu đồng và có hai năm được sống trong một căn hộ năm sao tại TPHCM. Chưa hết, top 3 hoa hậu còn được đến Nhật giao lưu văn hóa bằng du thuyền năm sao tại hai thành phố Fukuoka và Nagasaki… Sự hoành tráng của Hoa hậu Việt Nam 2016 nói lên khả năng quảng bá, tiếp thị và vận động tài chính rất tài giỏi của những nhà tổ chức. Tuy nhiên, có phải nhiều tiền là có thể có được một Hoa hậu như mong muốn của cộng đồng không? Hoàn toàn không, vì vậy nhiều cái nhất không khỏa lấp được một nỗi lo cho đẳng cấp Hoa hậu Việt Nam.

Khoảng một thập niên trở lại đây, chiều cao của các thí sinh Hoa hậu không ngừng tăng lên. Ví dụ, ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 chỉ duy nhất thí sinh Mai Phương Thúy có chiều cao 1,80 mét đã khiến mọi người sửng sốt, còn ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 có đến hai thí sinh có chiều cao 1,80 mét là Ngô Thanh Thanh Tú và Trần Thị Thùy Trang. Rõ ràng, nhan sắc Việt không có gì phải mặc cảm về thước tấc để đứng cạnh các người đẹp quốc tế. Thế nhưng, tại các sân chơi lớn như Hoa hậu Thế Giới, Hoa hậu Hoàn Vũ hoặc Hoa hậu Trái Đất thì đại diện nhan sắc Việt lại cực kỳ lúng túng và non nớt. Đó là vì các người đẹp nước ta không được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng sống, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao lưu, kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Cái vương miện 2,2 tỷ đồng nghe chừng rất ấn tượng.

Tuy nhiên, đội chiếc vương miện ấy để lướt qua xã hội như một bóng hồng mờ nhạt thì thật lãng phí.

Nguồn: TUY HÒA/ NongNghiep.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc