“Hoa giữa trời” là tựa sách của tác giả Nguyên Sinh, tác phẩm như một món quà mang cho ta những phút nhâm nhi, trong sự pha trộn của những rung cảm từ trái tim còn ẩn nấp và giữa lý trí bộn bề của cuộc sống.

Đôi lúc, chúng ta đã lạc mất chính mình từ hồi nào chẳng hay. Có thể từ lâu lắm xa lắm, nhưng cũng có thể vừa mới đây thôi, mới tức thì trong một nhịp vô tình. Nhưng điều đó nào có sao, lạc thì lạc, nhưng khi cảm ra thì ta tìm vẫn tìm. Chúng ta tìm lại mình cũng từ một nhịp lạc đó thôi. Ta tìm lại ta từ một nhịp “tâm đầu”.

Vì sao gọi “Hoa giữa trời?”

“Vì hoa dưới đất dễ bị hái, hoa trên trời sẽ khó hái và chỉ để ngước nhìn. Khi những người có một cái tâm thanh thoát, họ gặp nhau và quý kính nhau như những đóa hoa… Không hệ lụy.. không so sánh.. không phân tranh.. Sẽ không hái nhau về chưng vì thế họ xem nhau như hoa trên trời. Không phải vàng hay kim cương mà là hoa, hoa này để bầu trời thêm tươi đẹp và hiền hòa. Người mình kính quý là một đóa hoa làm hồn mình thêm tươi và hiền hòa. Cũng có thể xem người mình kính quý là một dòng sông. Con người mình hễ thấy cái gì đẹp là bắt nhốt muốn chiếm giữ.. muốn sở hữu.. Nhưng mình sẽ không sở hữu được dòng sông… Nếu mình biết thì dòng sông sẽ là quê hương mát dịu trưa hè. Cũng như ta ngắm nhìn những bông hoa trên trời.”

Ngước lên trời – Ta lại thấy Hoa

“Hoa Giữa Trời” là Hoa đã vượt thoát mọi ràng buộc, bay lên cao thong dong với đất trời. Hoa dưới đất sẽ bị hái, hoa giữa trời thì không thể hái. Khi ta biết thương mình đúng nghĩa ta sẽ là “Hoa Giữa Trời”. Thương chính mình có phải là làm tất cả mọi hành động để phụng dưỡng và đem đến sự thoải mái cho bản thân hay không.

Thương mình không có nghĩa là chìu chuộng cảm xúc, chiếm hữu cho bằng được những gì cảm xúc ưa thích và xa lánh ghét bỏ những gì mà cảm xúc không thích. Thương mình không có nghĩa là xây dựng những hình ảnh bóng bẩy hào nhoáng để đem ảo giác cảm xúc ngay lúc này đến cho mình và cho người. Thương mình không có nghĩa là chìm đắm vào những chập chờn quá khứ rồi vui rồi buồn theo từng mảnh kí ức. Thương mình không có nghĩa là thêm thắt vẽ vời hay mơ mộng những hình ảnh mông lung xa vời ở phía tương lai xa xôi.

Thương mình chân chính nghĩa là ta phải có mặt thật sự với đời ta. Ta có mặt đó để đơn thuần nhận biết những gì đang diễn ra, những dòng chảy tâm hồn, những dòng cảm xúc và suy nghĩ đến đi, những tâm tư tình cảm, những lo lắng bất an, những niềm vui nỗi buồn, những ưa thích chán ghét, cũng như những gì đang diễn ra và có mặt nơi thân thể này của chính ta. Ta có mặt đó để cảm nhận để đồng hành với từng rung nhịp của cơ thể và của tâm hồn.

Vì đơn thuần nên ta trong sáng, hồn hậu và chân thật với chính ta. Ta không dựa dẫm vào lý lẽ, vào quan niệm cuộc sống, với những cá tính vui buồn ưa thích, vào những giá trị khuôn khổ nhân văn hay những giáo điều đạo đức… Để thêm bớt, vẽ vời, uốn nắn theo những tiêu chuẩn tâm lý cuộc sống hầu mong cho những nội dung đó bóng bẩy tốt đẹp hơn. Nếu điều đó không phải là sự chân thật của chính ta thì sự bóng bẩy tốt đẹp hơn đó liệu có ý nghĩa gì. Nghĩa lý mà lòng ta hướng tới là sự sáng tỏ chân thật, chứ đâu phải tìm kiếm sự bóng bẩy dối gạt để tự ru mình trong ảo mộng êm đẹp.

Trong cái đẹp và giây phút ta đã thưởng một cách trọn vẹn, điều đó vẫn còn đọng lại trong tim mình dù thật ra bên ngoài nay đã không còn nữa, hoặc là đã khác. Ta còn chút hoài niệm, chút ấm áp, ta trân trọng nâng niu nó như giữ gìn những cảm xúc tốt đẹp, những khoảnh khắc đẹp được trao tặng sẽ chẳng đến lần thứ hai.

“Hãy cho phép những giấc mơ xanh có một không gian nhỏ để tiếp tục tồn tại trong trái tim riêng tư, trước khi bị những tranh đua, so sánh, được mất của cuộc sống hiện thực chôn vùi. Vì ít lắm nơi đó ta vẫn còn sót lại một đốm lửa nhỏ đốt lên sưởi ấm hồn mình khi đông về khắp chốn. “Những Khóm Hoa Giữa Trời” là những giai điệu yên nhẹ được cất lên về tình bạn, tình cảm xanh ấm. Nó là tiếng nói thủ thỉ rù rì của giấc mơ, của đốm lửa còn sót lại trong tim ta.”

Thahabooks

 

 

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

Bệnh viện Hạnh Phúc