Mình chỉ mạnh khi biết rõ bản thân mình là ai, biết điểm mạnh, điểm yếu, ước mơ, sứ mệnh, đam mê của mình. 10 năm theo đuổi việc phát triển nhân cách và xây dựng một tâm hồn đẹp với phương pháp khoa học, đầy sáng tạo mang tên John Robert Powers (JRP), Võ Thị Xuân Trang – hiệu trưởng trường JRP Việt Nam đã thực sự làm một cuộc cách mạng với mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, giúp cho giới trẻ tự tin hơn.
– Trong bối cảnh ngổn ngang của giáo dục và sự đổ vỡ trong tâm hồn giới trẻ, thách thức lớn nhất với chị là gì khi đưa thông điệp của JRP vào Việt Nam: “Hãy tự nhiên, hãy là chính mình”?
– Bệnh phổ biến nhất ở những đứa con gia đình khá giả và cả người nghèo là thói quen làm biếng. Phim ảnh toàn người đẹp ăn sung mặc sướng, họ chỉ mơ mộng thành hoa hậu, người nổi tiếng.
Ba bốn năm nay báo chí lúc nào cũng đăng tải hình ảnh Ngọc Trinh khoe giàu, bộ phim về Ngọc Trinh như giọt nước tràn ly, các em lấy đó làm con đường dẫn lối. Làm sao có hạnh phúc khi những cô gái sống như Ngọc Trinh?
Nếu báo chí truyền thông không định hướng chân thiện mỹ, cho ra đời những sản phẩm nhí nhố như vậy thì sẽ gây ra biết bao tâm hồn tử vong về tinh thần. Chả trách mà bệnh trầm cảm, tự tử, không muốn làm công dân Việt Nam ngày một nhiều hơn!
Tôi rất lo cho giới trẻ trong tương lai. Tôi muốn lên tiếng, vì nếu cứ để kẻ xấu chiếm diễn đàn hoài thì cả xã hội sẽ đen tối đi.
Mình chỉ mạnh khi biết rõ bản thân mình là ai, biết điểm mạnh, điểm yếu, ước mơ, sứ mệnh, đam mê của mình. Khi có lý tưởng cuộc đời và khi đủ sức mạnh để làm sẽ sống tự tin hơn. Tuổi trẻ thành công là khi biết mình muốn gì. Giới trẻ phải được dạy quản lý cảm xúc thế nào để có suy nghĩ tích cực…
Tất cả đều được xây dựng trên một nền tảng giáo trình đặc biệt chuyên sâu và toàn diện của JRP, với các khoá học về giao tiếp, diễn xuất và phong cách.
– Hơn 10 năm theo đuổi việc đào tạo tài năng, kỷ niệm nào mà chị nhớ nhất về học sinh của mình?
– Nhượng quyền thương hiệu JRP và biến nó thành Việt Nam là cả một quá trình đầy thách thức, từ học phí, nội dung giảng dạy đến cách tiếp cận học viên.
Công ty mẹ đưa cho tôi tám mô hình, bao gồm ba nội dung chính: tâm lý bên trong, cách chúng ta tương tác, ứng xử và hình ảnh bên ngoài…
Sau ba năm, tôi đẩy nội dung tâm lý, tâm trí nhiều hơn, phần bên ngoài ít hơn để phù hợp điểm yếu của người Việt mình là sự tự ti dân tộc, là dân nhà quê, nước nghèo…
Đó chính là yếu tố giúp tôi thành công, vì theo tôi từ tự tin sẽ tốt, sẽ đẹp hơn.
Từ giáo trình, giảng viên, đòi hỏi người hiệu trưởng bàn luận rất kỹ với giáo viên, đổi thứ tự giáo trình, làm việc với từng học viên như bệnh nhân vậy, mình phải là chất keo kết nối tất cả mọi người thành một khối thống nhất.
Sau mười năm, trường đã tự nuôi được mình và ảnh hưởng lớn tới xã hội. Tôi nghĩ làm giáo dục thì không thể mang lợi lộc nhiều về kinh tế, mà mang lợi ích về con người cho xã hội thôi.
Mỗi người đều có thể trở thành mẫu người đẹp nhất mà bạn có thể. Tôi nhớ nhà văn Gào, trước khi đến trường em quản lý nhóm 365 của Ngô Thanh Vân. Nổi tiếng là hung dữ, ngồi nói chuyện với tôi mà mắt em cứ nhìn đi đâu ấy. Nhưng tôi nhìn thấy nội lực của em, và đã tài trợ hoàn toàn cho nhóm.
Sau khi học em thay đổi kinh khủng, trở thành cô gái dịu dàng, xinh đẹp, nhận thức bản thân rõ ràng. Em tâm sự với tôi: “Em đã từng nghĩ mình rất cô đơn. Gồng mình lên sống ở một thành phố xa lạ mà lúc nào cũng phải chứng minh là mình rất ổn, mình mạnh mẽ. Đến với JRP, em dường như cởi bỏ gánh nặng của chính mình, bỏ qua lớp vỏ ngoài xấu xí để trở nên dịu dàng, đằm thắm hơn.
Bài học lớn nhất mà em đã nhận được là biết yêu bản thân, để tự tin yêu thương người khác và đón nhận tình yêu với tấm lòng bao dung. Cô luôn cho em cảm giác an toàn khi ở bên cạnh, có thể trải lòng, có thể bày tỏ, có thể là chính em dù hiên ngang hay yếu đuối…”
Những điều này rất tiếc đều không được học ở trường phổ thông và cả đại học.
– Chị cũng đã từng rất đơn độc như thế trên con đường mình đi khi mà cả xã hội đang đề cao giá trị đồng tiền, xem nhẹ nhân cách?
– Thật buồn khi phải đi một mình, không nhờ vả ai, dù mình có rất nhiều mối quan hệ. Nhiều phu nhân quan chức cũng học ở đây nhưng tôi nhất quyết không nhờ vả. Có lẽ ngày xưa mẹ dạy phải tự lực nên không dám mở lời mượn tiền ai khi kẹt quá. Mẹ chắt chiu cuộc đời mà mượn thì mẹ biết sống thế nào.
Ban đầu mở trường, ai cũng nghĩ hai năm là đóng cửa rồi. Nhưng tôi lỳ lắm, để thành công phải siêng năng, mạnh mẽ.
Mấy năm đầu đầy khó khăn, có những lúc tôi bị căng thẳng, miệng méo hẳn đi. Nhiều lúc ngồi tự hỏi con Trang mạnh mẽ ngày nào đâu rồi? Tại sao lại ngồi khóc như mưa thế này?
Thế là đứng dậy, làm việc tiếp, cho tới khi nhìn thấy thành quả mười năm. Từng hạt mầm tới đây mình cố gắng gieo trồng đã trở nên thật mạnh mẽ, ra đời phát triển, kết nối chặt với nhau để đứng vững. Tôi dùng Facebook rất nhiều để kết nối với các em trong suốt cuộc đời.
Dương Trương Thiên Lý là học trò tôi rất thương. Mình phải cho các em một chỗ dựa tinh thần để các em đặt lòng tin, tình yêu thương. Tôi nghĩ tất cả chúng ta phải có nơi nương tựa, nơi để linh hồn hướng về…
Rất vui là bây giờ con gái tôi sau khi tốt nghiệp đại học đã trở về làm marketing cho trường luôn, vì cháu hiểu rõ nhất sản phẩm của mình, đi theo tôi từ ngày thành lập tới giờ.
– Cha chị từng giữ chức vụ cao trong ngành văn hoá thông tin, phải chăng chị đã tiếp nhận từ cha một nghị lực sống, để giữ vững niềm tin trong mọi khó khăn?
– Tôi may mắn sinh ra trong gia đình hạnh phúc, cha là người chồng rất mẫu mực. Tôi có niềm tin ở cha rất nhiều. Mỗi đêm cha làm việc, tôi hay đọc kịch bản cha để trên bàn, từ đó hiểu biết thêm về nghệ thuật, văn hoá.
Cha lịch sự, nhân văn, không bao giờ thô lỗ với mẹ. Mẹ lại là người rất kỷ luật, nghiêm khắc, dạy tôi từng lời nói, dáng đi, cách ngủ.
Cha vừa làm việc vừa nghe nhạc, ông thích nhất nhạc Hoàng Thi Thơ. Chiếc nôi gia đình giúp tôi biết hướng về những điều tốt đẹp.
Kim Yến thực hiện Hoàng Tường hoạ chân dung
http://tiepthithegioi.vn/loi-song/gia-tri-song/tu-tu-tin-se-tot-se-dep-hon/