Bột ngọt có bản chất là muối của axit glutamic, một loại axit amin có mặt trong cơ thể sống và nhiều loại thực phẩm tự nhiên. Do vậy với cơ thể người, bột ngọt không phải là thành phần xa lạ. Với khả năng mang lại vị umami – vị ngọt thịt, ngày nay bột ngọt được sử dụng phổ biến trong ẩm thực như một yếu tố quan trọng giúp mang lại vị ngon hài hòa và cân đối cho món ăn. Tuy nhiên, một số người tiêu dùng cho rằng họ gặp phải một vài phản ứng mẫn cảm sau khi sử dụng bột ngọt. Vậy có thể giải thích điều này như thế nào?
Vào khoảng những năm 1960, một bác sĩ người Mỹ đã gửi thư tới một tạp chí y khoa mô tả về một số triệu chứng như mệt mỏi, mỏi gáy, tim đập nhanh mà ông gặp phải sau khi ăn tại một nhà hàng Trung Quốc. Ông giả định một số nguyên nhân là nước tương, rượu, muối ăn hay bột ngọt vì đây là các thành phần hay được sử dụng trong các nhà hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, các nguồn tin sau đó hầu như chỉ nhắc đến bột ngọt như là nguyên nhân duy nhất. Do vậy, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm xác định bột ngọt có phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên hay không. Kết quả nghiên cứu cho bột ngọt không phải là nguyên nhân của các triệu chứng kể trên. Bên cạnh đó, theo Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Codex, bột ngọt không được liệt kê trong danh sách các thực phẩm gây dị ứng.
Như vậy, bột ngọt không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu như tê mỏi, chóng mặt…mà một số người có thể gặp phải sau khi ăn các món ăn như phở, bún…Không loại trừ nguyên nhân một số người có cơ địa quá mẫn cảm với lượng lớn bột ngọt được sử dụng trong các món ăn đường phố (dù phản ứng chỉ thoáng qua và không nghiêm trọng, trong trường hợp này có thể giảm bớt lượng dùng), do các yếu tố sức khỏe khác làm tăng mẫn cảm tạm thời (đang bệnh, rối loạn tiêu hóa, tổn thương nhung mao ruột…) hoặc do yếu tố tâm lý ở người sử dụng sau khi nghe nhiều thông tin không tốt về bột ngọt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu
Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Đồng 2