Từ mục tiêu mỗi học sinh biết chơi ít nhất một môn thể thao, các trường học tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích…
Bóng đá là môn thể thao được học sinh Trường THPT Tây Thạnh yêu thích. Ảnh: M.A
Đặc biệt, sự quan tâm, đầu tư đó đã chọn ra nhân tố tiềm năng, góp phần đưa phong trào thể thao học đường tại TP Hồ Chí Minh phát triển cả chất lẫn lượng.
Mục tiêu thiết thực
Cuối tháng 9/2024, Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) sôi nổi với giải vô địch thể thao cấp trường. Học sinh thi đấu 8 môn gồm: Bóng đá, bóng chuyền, bơi lội, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, bóng rổ và điền kinh.
Đây là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm giúp học sinh rèn luyện thể lực, tham gia giao lưu, nâng cao trí lực và đặc biệt tạo sự thân thiện thoải mái, thỏa mãn đam mê. Từ giải đấu này, nhà trường tuyển chọn những học sinh có năng khiếu để tham gia giải cấp quận, thành phố.
Thầy Phạm Văn Cường – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho trò tham gia các môn thể thao theo tinh thần mỗi học sinh chơi ít nhất 1 môn thể thao. Ban giám hiệu chỉ đạo Đoàn Thanh niên, tổ giáo dục thể chất, tổ chủ nhiệm tổ chức các câu lạc bộ thể dục thể thao để tạo sân chơi cho học sinh ngay trong các giờ ra chơi hay các ngày thứ 7, Chủ nhật trong tuần.
Tương tự, với mục tiêu mỗi học sinh biết chơi ít nhất 1 môn thể thao, phong trào thể dục thể thao tại Trường Tiểu học – THCS – THPT Ngô Thời Nhiệm (cơ sở quận Bình Tân và TP Thủ Đức) phát triển rất mạnh mẽ.
Hiện, ngoài các câu lạc bộ học thuật, cơ sở giáo dục này còn có 6 câu lạc bộ liên quan đến hoạt động thể thao như: Bơi lội, võ thuật, bóng rổ, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá. Nhiều câu lạc bộ trở thành sân chơi chuyên nghiệp cho học sinh, giúp nhà trường xây dựng đội tuyển nòng cốt để tham gia các cuộc thi thể thao cấp quận, thành phố và quốc gia.
Trong năm học 2023 – 2024, đơn vị này có học sinh giành 2 Huy chương Bạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, nhiều huy chương trong Hội khỏe Phù Đổng TP Hồ Chí Minh và các giải thể thao học đường cấp quận…
Thầy Phó Hiệu trưởng Huỳnh Linh Sơn chia sẻ: “Theo đuổi mục tiêu giáo dục toàn diện Đức – Trí – Thể – Mỹ cho học sinh, ngoài trau dồi kiến thức, nhà trường đã trang bị đầy đủ các sân chơi cũng như tuyển chọn giáo viên có chuyên môn cao, tạo mọi điều kiện để học sinh rèn luyện thể chất, thẩm mỹ thông qua việc tham gia các câu lạc bộ.
Bình quân mỗi năm, hơn 90% học sinh toàn trường tham gia sinh hoạt thể dục thể thao ở các câu lạc bộ. Đa dạng câu lạc bộ không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của học sinh, mà còn giúp các em rèn luyện sức khỏe, từ đó phát huy năng khiếu, sở trường, góp phần định hướng nghề nghiệp”.
Bà Cao Thị Thiên Phúc – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) cho biết, mục tiêu mỗi học sinh biết chơi ít nhất một môn thể thao mà ngành Giáo dục đưa ra đã góp phần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trong trường học.
Ngoài phát triển mô hình câu lạc bộ, các đơn vị còn duy trì tổ chức hệ thống giải thể thao học đường thường niên nhằm tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh. Bà Phúc đánh giá, đây là cơ hội tốt để tìm ra nhân tố tiềm năng, xây dựng nguồn vận động viên thành tích cao của thể thao thành phố.
“Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có 90% các đơn vị trường học có câu lạc bộ thể thao dành cho học sinh. Trong đó, 72,3% học sinh thường xuyên tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa của nhà trường”, bà Phúc cho hay.
Tăng cường sự đoàn kết
Xác định vai trò quan trọng của thể dục thể thao đối với sự phát triển của trẻ, trong Chiến lược phát triển giáo dục thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 của ngành GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu mỗi học sinh biết chơi ít nhất một môn thể thao.
Từ ý nghĩa thiết thực của mục tiêu, các trường học tại TP Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động thể thao ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường bố trí linh hoạt thời gian sinh hoạt câu lạc bộ, phù hợp với thời gian học để thu hút đông đảo học sinh tham gia, hình thành thói quen tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể…
Thầy Phạm Thanh Yên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Thủ Đức) nhìn nhận, thực tế hoạt động thể dục thể thao là sân chơi hiệu quả, giúp học sinh tăng sự gắn kết, rèn luyện các kỹ năng xã hội, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Do đó, cán bộ, giáo viên nhà trường luôn quan tâm thúc đẩy phong trào lên một bước mới. Các hoạt động thể thao được học sinh hưởng ứng nhiệt tình, trở thành phong trào sâu rộng, đạt hiệu quả cao.
“Nhà trường bố trí linh hoạt thời gian sinh hoạt câu lạc bộ, phù hợp với thời gian học của học sinh để thu hút đông đảo trò tham gia, hình thành thói quen tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể… Những hoạt động này góp phần khuyến khích học sinh nhà trường có lối sống lành mạnh, phát triển niềm đam mê lâu dài với các hoạt động ngoại khóa và thể chất”, thầy Yên cho hay.
Lê Phạm Hoàng Quân – lớp 12A12 Trường THPT Tây Thạnh cho rằng: “Thế mạnh của em là môn bóng đá. Đây là môn thể thao vô cùng bổ ích, giúp em rèn luyện sức khỏe và tinh thần đồng đội, ý chí tập thể và năng lực tổ chức, kỷ luật. Đặc biệt qua các giải thể thao đã giúp tinh thần tập thể ngày một đi lên, đồng thời có cơ hội giao lưu, học hỏi, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với các lớp trong trường”.
Với Trần Trương Minh Quân – học sinh lớp 5/4, Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (TP Thủ Đức), cầu lông là bộ môn yêu thích và em ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ngoài tập luyện ở nhà, em còn cùng bạn học chơi tại sân trường trong giờ ra chơi. Từ khi tập luyện môn này, nam sinh thấy khỏe mạnh hơn, tinh thần thoải mái, dễ dàng tiếp thu các bài học trên lớp. Đặc biệt, em có nhiều bạn mới ngay trong trường mình.
“Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức, đoàn thể thao học sinh Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đoạt tổng cộng 537 huy chương các loại. Trong đó có 275 Huy chương Vàng, 141 Huy chương Bạc, 123 Huy chương Đồng và đạt 6.699 điểm, xếp hạng Nhất toàn đoàn”. – Bà Cao Thị Thiên Phúc – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh)
Tác Giả: Hồ Phúc
Đăng Ngày : 05/11/2024