Thực tình, tôi thích ở trong hẻm. Kinh doanh mua bán, mở văn phòng công ty hay gì gì đấy thì cần mặt phố, chứ chường ra đó khác gì để… hít bụi và đón tiếng ồn. 

Hem-song

Ở hẻm nhỏ này, quả thật tôi được nhiều thứ. Cuộc đất khá rộng được chia thành nhiều lô nhỏ, ngang 5 mét, dài chừng 20 mét. Con hẻm như chiếc xương sống chạy giữa những lô đất. Chủ đất dành những lô đầu hẻm xây nhiều phòng trọ cấp 4, cho sinh viên thuê và không quên chừa vài lô trống làm sân chơi chung.

Ngôi nhà tôi ở, mới xây dựng hai năm trước, nằm gần cuối con hẻm. Đất bán hết lâu rồi nhưng đến giờ nhà mới cất lưa thưa. Hẻm yên tĩnh. Bạn bè, khách đến chơi, khen nhà đẹp nhưng nói rằng tiếc ngôi nhà như vầy lại bị mất hút trong hẻm, phải chi được ở mặt tiền lộ lớn thì hay hơn. Tôi chỉ cười.

Thực tình, tôi thích ở trong hẻm. Kinh doanh mua bán, mở văn phòng công ty hay gì gì đấy thì cần mặt phố, chứ chường ra đó khác gì để… hít bụi và đón tiếng ồn.

Ở hẻm nhỏ này, quả thật tôi được nhiều thứ. Sáng sớm, tôi được đánh thức bởi lũ chim sẻ bên ngoài cửa sổ. Buổi trưa sinh viên ở trọ đi học hết, không cần đóng cửa và mở máy lạnh, tôi vẫn có thể đánh một giấc ngắn nhưng ngon mắt. Chiều xong việc về sớm, tôi châm một tách cà phê, ngồi trên ban công nhìn ra đầu ngõ. Sinh viên tốp tụ tập đá cầu, tốp xúm xít nhặt rau chuẩn bị cơm chiều. Tiếng cười nói lan cả hẻm.

Chiều cũng là lúc bà cụ bán vé số ghé vào. Hàng ghế đá được chủ nhà đặt phía trước dãy phòng trọ, bà cụ hay ngồi. Vào hẻm, bà không buồn mời mua vé số mà lui cui nhặt những quả chanh dây gió thổi rụng từ đêm qua rồi say sưa kể chuyện ở tận đâu đâu. Nào là xóm kia có đám cưới cô dâu đẹp lắm chú rể giàu lắm, chỗ nọ hôm nay có tiệc tùng, ông này vừa sắm chiếc xe, bà nọ mới cất căn nhà lớn lắm…

Thi thoảng đang cặm cụi làm việc bên laptop, tôi bỗng bị “quấy rầy” bởi tiếng lí nhí: “Thầy ơi, cho em vào sân nhặt chiếc cầu”; “Thầy cho em xin vài nhánh đinh lăng để thi cắm hoa nha thầy!”; “Anh ơi, tụi em trồng rau nhiều lắm, anh dùng mớ rau này với tụi em cho vui”. (Rau trồng trên những lô đất trống, mưa qua một đợt xanh rờn).

Một hôm, thầy hiệu trưởng ở dãy nhà sau vốn chiều chiều cởi trần tham gia đá cầu với nhóm sinh viên, bỗng… trúng số độc đắc. Vài bữa sau, ông thầy kêu thợ đến hàn lại hàng rào bằng sắt cao vút, rồi làm thêm ngoài hàng ba chiếc cửa sắt kéo bít mặt tiền ngôi nhà. Ông tậu về mấy chậu mai thế đắt tiền. Bỏ thói quen đá cầu với sinh viên và góp chuyện với bà lão bán vé số, ông tỏ ra lầm lũi và dè dặt với mọi người, chiều chiều ông cặm cụi bên chậu mai thế, với lũ sâu trên cây…

Tốp sinh viên cũ ra trường. Tốp sinh viên mới đến. Vuông sân đá cầu được bà chủ trưng dụng nốt để xây thêm mấy phòng trọ. Những lô đất trống cũng dần biến mất. Sinh viên mới đến chẳng buồn trồng rau (mà cũng hết đất trống để trồng).

Một, rồi hai, rồi nhiều ngôi nhà nữa cất lên. Nhà nào cũng kéo rào vuông vắn, kín mít, cố nhoài ra hẻm. Hẻm bớt tiếng cười nói, vắng luôn tiếng lách chách đá cầu. Bà lão bán vé số chiều chiều vẫn vào ra. Bà già hơn, mặt sạm hơn vì nắng. Ghế đá không còn, bà cũng không buồn kể chuyện. Sinh viên không có tiền chơi vé số, ông thầy trúng độc đắc rồi cũng nghỉ mua. Bà lão đi qua hẻm chỉ như một thói quen.

Bỗng dưng tôi nhớ những âm thanh. Tiếng bà lão kể chuyện. Tiếng lách chách đá cầu. Tiếng cười nói rôm rả. Tiếng gọi nhau í ới và tiếng “quấy rầy” lí nhí của sinh viên…

Những âm thanh đó giờ đã là xa xỉ.

Hẻm bỗng nhỏ hơn…

Nguồn: tcnhadep.com

http://www.tcnhadep.com/hem-song-2/

 

Bệnh viện Hạnh Phúc