Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp nhất đến với con mình. Tuy nhiên, đôi khi, kỳ vọng cao có thể khiến họ trở nên quá nghiêm khắc trước mọi hành vi của con.
Hình phạt có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với sức khoẻ tâm lý của trẻ. Ảnh: INT.
Một số cha mẹ có thể cân bằng giữa quy tắc và sự thoải mái. Trong khi đó, không ít phụ huynh có phong cách nuôi dạy con độc đoán và nghiêm khắc hơn mức cần thiết. Song, không phải cha mẹ nào cũng nhận ra điều đó. Các nhà tâm lý học chia sẻ về hậu quả, tác động tâm lý tới trẻ của việc này.
Quan niệm sai lầm
Nhiều cha mẹ tin rằng, nghiêm khắc hoặc độc đoán với con là cách hiệu quả nhất để thay đổi hành vi của trẻ. Một cuộc thăm dò tại Mỹ được thực hiện năm 2022 cho thấy, khoảng 36% phụ huynh cho rằng, phong cách nuôi dạy con của họ nghiêm khắc hơn hầu hết mọi người.
“Công bằng mà nói, sự độc đoán có thể rất hiệu quả trong ngắn hạn”, Tiến sĩ y khoa Dylan Ochal tại Phòng khám Ocean Pediatrics (California) cho biết. Thông thường, những cha mẹ có xu hướng sử dụng các chiến lược độc đoán hơn sẽ giành được quyền kiểm soát con trong ngắn hạn. Song, cách giáo dục của họ sẽ ảnh hưởng tới sự kết nối về mặt tình cảm giữa hai bên trong thời gian dài.
Trẻ em thường nhanh chóng điều chỉnh hành vi của mình khi sợ hãi hoặc lo lắng về hậu quả. Điều này có thể khiến cha mẹ tin rằng, việc áp dụng lập trường nghiêm khắc với hậu quả cứng nhắc là cách tốt nhất để thay đổi hành vi của trẻ.
Một số cha mẹ có xu hướng áp dụng các phương pháp nuôi dạy con nghiêm khắc hơn do không muốn trải qua sự xấu hổ. Theo 61% phụ huynh tham gia khảo sát, cảm giác xấu hổ trước mặt người khác là một hình thức chỉ trích mà họ đã trải qua.
Tiến sĩ Ochal cho biết: “Nhiều cha mẹ có thể đã nghe những câu như: ‘Bạn thực sự sẽ để con mình ném đồ ăn đi sao?’ hoặc ‘Bạn có tin được là cô ấy để con trai mình hét lên như vậy trong cửa hàng tạp hóa không? Nó mất kiểm soát!’. Áp lực đó có thể rất lớn, nhưng việc nuôi dạy con dựa trên sự phán đoán từ bên ngoài sẽ không giúp ích gì cho bạn hoặc trẻ”.
Các chuyên gia đã liệt kê 9 dấu hiệu cho thấy phụ huynh đang quá nghiêm khắc với con mình:
Giọng điệu luôn gay gắt
Nhiều phụ huynh thường xuyên la hét hoặc dùng đến lời đe dọa khi con cư xử không đúng mực. Điều đó khiến trẻ có xu hướng rút khỏi các hoạt động mà chúng từng thích. Tuy nhiên, các cha mẹ quá nghiêm khắc luôn lo lắng rằng, nếu không có một số quy tắc nhất định, trẻ sẽ bùng nổ cảm xúc hoặc không tôn trọng phụ huynh.
Những phụ huynh này thường không tôn trọng quan điểm của con mình. Họ đồng thời có quá nhiều quy tắc, bao gồm cả luật lệ cho hầu hết mọi thứ trong gia đình, từ giờ ăn đến giờ tắm của trẻ. Với những phụ huynh quá nghiêm khắc, họ liên tục chỉ ra lỗi của con.
Trong khi đó, các cha mẹ này chỉ thể hiện tình yêu thương hoặc sự tích cực khi con có hành vi tốt. Cách nuôi dạy này là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ biểu hiện các dấu hiệu căng thẳng về mặt thể chất như thường xuyên bị đau đầu, đau bụng hoặc thay đổi khẩu vị.

Hệ lụy của việc nuôi dạy con độc đoán
Các nghiên cứu cho thấy, trẻ nhỏ thường xuyên bị cha mẹ kiểm soát cao có nguy cơ kém kiềm chế và tự điều chỉnh trong thời kỳ thanh thiếu niên.
Tiến sĩ Erica Kalkut, Giám đốc lâm sàng điều hành và là bác sĩ tâm lý tại Tổ chức Y khoa LifeStance Health ở Massachusetts cho biết: “Trẻ em được hưởng lợi từ việc cha mẹ giáo dục các chiến lược hiệu quả nhất và hướng dẫn trẻ cách đưa ra quyết định. Ngược lại, trẻ em có cha mẹ nghiêm khắc và áp dụng các quy tắc để kiểm soát hành vi của mình thường không xây dựng được kiến thức về lý do và cách có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân”.
Trẻ em có cha mẹ độc đoán thường có lòng tự trọng thấp hơn và thường xuyên lo lắng. Chúng có thể coi hành vi bắt nạt là bình thường và từ đó, có những hành động hung hăng với bạn bè. Quan trọng nhất là những trẻ này thường không phát triển được các kỹ năng cần thiết để tự điều chỉnh và đưa ra những lựa chọn lành mạnh cho bản thân. Lý do là vì chúng đã dựa vào các quy tắc nghiêm ngặt do cha mẹ đặt ra để quản lý hành vi của mình.
Nuôi dạy con lành mạnh
Các chuyên gia giải thích, phong cách nuôi dạy con lành mạnh tập trung vào việc xây dựng mối liên kết và nuôi dưỡng khả năng điều chỉnh cảm xúc cũng như hành vi ở trẻ.
Tiến sĩ Ochal cho biết: “Điều đó có nghĩa là cha mẹ xác nhận cảm xúc của con thay vì bác bỏ. Thay vì trừng phạt, cha mẹ đặt ra ranh giới vững chắc và giúp đỡ khi trẻ vật lộn với những khó khăn. Đồng thời, cha mẹ sẽ có xu hướng giải thích thay vì la hét”. Đây được gọi là cách nuôi dạy con có thẩm quyền và là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giáo dục nên một đứa trẻ tự tin và tự lập.
Mỗi trẻ đều khác nhau và có tính cách, nhu cầu phát triển riêng. Tuy nhiên, trẻ được giáo dục trong môi trường lành mạnh có xu hướng ngày càng sẵn sàng cho sự độc lập và có khả năng tự giải quyết vấn đề của mình hơn khi lớn lên. Khi trẻ trưởng thành và phát triển, các quy tắc và kỳ vọng của cha mẹ đối với chúng cũng sẽ thay đổi.
Do đó, cha mẹ cần thường xuyên đánh giá các quy tắc mình đặt ra để kiểm tra tính phù hợp và hiệu quả trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu con thường xuyên vi phạm các quy tắc cha mẹ đã đặt ra, hãy coi đó là dấu hiệu cho thấy, có điều gì đó cần thay đổi.
Ngoài ra, cha mẹ cần suy nghĩ xem liệu trẻ có đang trải qua hậu quả tự nhiên và hợp lý của hành động mình làm hay không. Hoặc, liệu phụ huynh có đang dựa vào hình phạt khi các quy tắc không được tuân theo hay không.

Cách tìm sự cân bằng
Tiến sĩ Kalkut cho biết, sự cân bằng lành mạnh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và mối quan hệ giữa cha mẹ – con.
“Nhiều cha mẹ chọn cách nuôi dạy con quá nghiêm khắc vì họ cũng được nuôi dạy theo cách đó. Hoặc đó là phương tiện để cha mẹ kiểm soát, bất kể họ có nhận thức được điều đó hay không. Nhiều cha mẹ cảm thấy hỗn loạn và không thể đoán trước khi trở thành phụ huynh. Điều này là bình thường”, Tiến sĩ Kalkut giải thích.
Việc thừa nhận và học cách quản lý những lo lắng đó thường là bước đầu tiên để phụ huynh có cách tiếp cận cân bằng hơn trong việc nuôi dạy con.
Cha mẹ cần nhớ rằng, bằng việc áp dụng cách nuôi dạy con có thẩm quyền, phụ huynh sẽ thiết lập ranh giới vững chắc với mục tiêu sửa đổi những hành vi không mong muốn ở trẻ. Phương pháp giáo dục này cũng giúp nuôi dưỡng mối liên hệ tình cảm và những phẩm chất lâu dài ở trẻ như: Sự tự tin, khả năng tự điều chỉnh và khả năng phục hồi.
Chiến lược nuôi dạy con
Việc cân bằng giữa cách nuôi dạy con nghiêm khắc và dễ dãi là một phương pháp hiệu quả để giúp trẻ phát triển tính tự kỷ luật, tính độc lập và ý thức trách nhiệm lành mạnh. Các nhà tâm lý học đã liệt kê 5 chiến lược giúp cha mẹ tìm được sự cân bằng hơn trong việc nuôi dạy con:
Đánh giá hành vi của phụ huynh
Ảnh hưởng lớn nhất mà cha mẹ có đối với hành vi của con là làm gương. Tiến sĩ Ochal cho biết, nếu cha mẹ muốn con mình nói ‘xin vui lòng’ và ‘cảm ơn’, hoặc ‘Con xin lỗi’, thì hãy đảm bảo rằng phụ huynh cũng nói điều đó trước mặt con. Điều quan trọng nhất là hãy đảm bảo rằng, cha mẹ nói điều đó với con.
Ngoài ra, phụ huynh hãy phát triển các công cụ và chiến lược để điều chỉnh cảm xúc của chính mình. Đây sẽ là “chìa khóa” để dạy trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc cá nhân.
Xác nhận cảm xúc của con
Những hành vi không mong muốn (cơn giận dữ, đánh mọi người,…) thường phù hợp với sự phát triển của trẻ. Những hành vi này chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy, trẻ đang cố gắng truyền đạt cho cha mẹ biết cảm xúc của mình. Điều quan trọng là phụ huynh phải ghi nhận những cảm xúc đó bằng cách nói một số câu như: “Mẹ nghe nói con buồn vì không được chơi đồ chơi đó” và thể hiện sự đồng cảm bằng cách nói: “Mẹ biết điều đó thật bực bội. Đôi khi mẹ cũng bực bội”.
Đây là cơ hội để cha mẹ kết nối cảm xúc với con. Trong những khoảnh khắc khó khăn này, cha mẹ có thể bắt đầu dạy con cách xác định cảm xúc cá nhân và đặt nền tảng cho nhận thức về bản thân cũng như khả năng tự điều chỉnh cảm xúc.
Đặt ra ranh giới
Một phần thiết yếu của việc đặt ra ranh giới rõ ràng là cho trẻ biết cha mẹ sẽ làm gì khác nếu con không tuân thủ quy tắc. Ví dụ, phụ huynh có thể nói: “Chúng ta không đánh hoặc làm tổn thương người khác. Nếu con không thể ngừng đánh thì mẹ sẽ giúp con bằng cách giữ chặt tay con bên cạnh cơ thể”.
Cung cấp lý do phù hợp cho các quy tắc và ranh giới
Thay bằng việc nói, “Vì mẹ đã nói như thế”, những cụm từ như: “Nhiệm vụ của mẹ là giữ an toàn cho cơ thể con” sẽ giúp trẻ hiểu “lý do” đằng sau các ranh giới.
Không dựa vào hình phạt
“Hình phạt không có tác dụng tạo ra sự thay đổi lâu dài. Đồng thời, hình phạt có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn. Ví dụ, việc bắt trẻ vào phòng sau cơn giận dữ sẽ dạy cho con rằng, cảm xúc của chúng là không thể chấp nhận được và cha mẹ không thể kiểm soát được cảm xúc của bé”, Tiến sĩ Ochal cho biết.