(Phụ Nữ Hiện Đại) – Một báo cáo gần đây của UNESCO đã tuyên bố rằng: “Giáo dục nên được tổ chức xoay quanh các nguyên tắc về sự phối hợp, cộng tác và đoàn kết. Giáo dục nên khuyến khích và thúc đẩy năng lực trí tuệ, xã hội và đạo đức của học sinh để các em làm việc cùng nhau và chuyển hóa thế giới bằng sự thấu cảm và lòng trắc ẩn.”
“Nên người” hay “học làm người” là một hành trình học hỏi suốt đời, những năm đầu tiên đóng một vai trò quan trọng trong hành trình này. Hiểu rõ hơn về sự phát triển của trẻ, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để tiếp tục với chuyến phiêu lưu tuyệt vời của việc làm cha mẹ, làm một nhà giáo dục
Khi chúng ta cố gắng tìm hiểu một đứa trẻ, có một số yếu tố tương tác theo những cách phức tạp:
- Đầu tiên là yếu tố di truyền. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng nhưng, không giống như động vật, chỉ hiểu về yếu tố di truyền thì không đủ để hiểu sự phát triển và hành vi của con người.
- Yếu tố quan trọng thứ hai là môi trường, bắt đầu với gia đình, bạn bè và kế đến là xã hội nói chung.
- Nhưng cũng có một chiều thứ ba khá bí ẩn, đó là chính bản thân đứa trẻ.
Là cha mẹ, nếu ai có nhiều hơn một đứa con, chúng ta sẽ biết rất rõ rằng trải nghiệm sinh nở mỗi lần đều khác nhau và mỗi đứa trẻ sẽ là một cá thể duy nhất. Mặc dù hai đứa trẻ có cùng cha mẹ, lớn lên trong cùng một gia đình, cùng khu phố, học cùng trường và chơi với cùng bạn bè nhưng chúng có thể trở nên rất khác nhau, mỗi đứa có một tính cách khác biệt, có những thị hiếu, sở thích, tài năng riêng và có thể có nhiều điểm khác nhau khi lớn lên. Chúng ta phải nhận định rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất.
Mỗi người được sinh ra với những thôi thúc riêng, ý định riêng, số phận riêng. Và chúng ta phải tôn trọng điều đó.
Chúng ta không ở đây để quyết định đứa trẻ nên trở thành người như thế nào. Chúng ta ở đây để tạo điều kiện tốt nhất có thể giúp đứa trẻ dần dần tìm thấy sứ mệnh và số phận của chính mình.
- Phần đầu tiên – Hiểu về sự phát triển của trẻ – trình bày ba giai đoạn phát triển chính, bao gồm: thời thơ ấu, tuổi tiểu học và tuổi thanh thiếu niên dựa theo những hiểu biết lấy từ nghiên cứu của Steiner, công trình của Remo Largo, kết luận của một số nghiên cứu khoa học gần đây. Bên cạnh đó, nó cũng dựa trên những quan sát và trải nghiệm của chính bản thân tôi. Phần này thiên về lý thuyết nhiều hơn, bởi tôi cho rằng để đồng hành với trẻ trong quá trình phát triển, điều quan trọng là chúng ta phải có được hiểu biết đúng đắn.
- Phần thứ hai – Nuôi dạy con với sự chú tâm – cung cấp những ví dụ thực tiễn về việc áp dụng những hiểu biết chuyên sâu này vào bối cảnh gia đình. Phần này dựa trên niềm tin rằng giáo dục bắt đầu với việc tự học. Do đó, có rất nhiều bài tập dành cho phụ huynh và nhà giáo để phát triển “kỹ năng hạnh phúc”, còn được gọi là kỹ năng chú tâm và các kỹ năng giáo dục cảm xúc – xã hội. Những bài tập thực hành này có thể áp dụng cho trẻ. 24 Happy Children
- Phần thứ ba – Trường học Hạnh phúc – giải thích nền tảng của chương trình Trường học Hạnh phúc và lý do chúng tôi tin vào tính phù hợp, thậm chí là tính cấp thiết của chương trình trong thời đại hiện nay. Phần này sẽ giải thích những khía cạnh chính trong giáo trình và cách thức chương trình được triển khai tại Việt Nam cũng như các nước khác trong những năm gần đây. Phần này của cuốn sách là thành quả của sự nỗ lực chung cùng với nhóm ELI1 tại Việt Nam và châu Âu.
Về GS. Hà Vĩnh Thọ
Nhà sáng lập ELI – Học Viện Eurasia vì Hạnh phúc & An lạc, kiêm Chủ tịch Quỹ Eurasia. Thầy từng là giám đốc trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia tại Bhutan từ năm 2012 đến 2018.
Với tư cách là Trưởng phòng Phát triển & Đào tạo của hội Chữ Thập đỏ Quốc tế, thầy từng đào tạo nhiều chuyên gia nhân học tại các vùng chiến sự và đội ngũ ứng cứu khẩn tại châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Thầy là giáo sư thỉnh giảng về Giáo dục Người trưởng thành và Nhân học tại nhiều trường đại học (UCL/Bỉ, Geneva – Thụy Sĩ, Schumacher College – Anh, Đại học Huế – Việt Nam.)
Đối với các cộng đồng làm giáo dục & các doanh nghiệp, thầy là một diễn giả được biết rộng khắp về các chủ đề: Tổng Hạnh phúc Quốc gia, Hạnh phúc & An lạc, đằng sau GDP.
Cùng với người vợ yêu quý của mình – cô Lisi, thầy là đồng sáng lập nên Quỹ Eurasia – một tổ chức phi chính phủ vì nhân học – phát triển các chương trình giáo dục cho trẻ em và thanh niên khuyết tật, đồng thời thực hiện các dự án sinh thái tại Việt Nam trong 20 năm qua.
Thầy là người biên soạn giáo trình Trường học Hạnh phúc (Happy Schools) cho hệ thống giáo dục công lập tại Việt Nam. Đây là một khung chương trình giáo dục cấp tiến, giới thiệu sự chú tâm, giáo dục cảm xúc và quan tâm đến hành tinh vào trường học. Đồng thời, thầy cũng là tác giả của nhiều đầu sách và rất nhiều bài viết về các chủ để trên.
Thaihabooks
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media